Saudi Arabia cảnh báo quay lưng với Mỹ
Phóng to |
Ngoại trưởng Kerry tại buổi họp báo với Ngoại trưởng Saud ở Riyadh ngày 4-11 - Ảnh: Reuters |
Lần đầu tiên trong cương vị ngoại trưởng, ông John Kerry có cuộc tiếp kiến hơn hai giờ với vua Abdullah, người đứng đầu hoàng gia Saudi Arabia. Sau cuộc gặp, hoàng gia đưa ra một tuyên bố dù thân thiện nhưng hết sức thẳng thắn - điều cho thấy khác biệt giữa hai bên còn nguyên.
Hôm qua tại Warsaw, ngoại trưởng Mỹ đã cố trấn an châu Âu về chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) khi cho rằng vấn đề này không nên làm ảnh hưởng tới cuộc đàm phán thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương vào tuần tới. “Đây là quan hệ thương mại. Nó có khả năng giúp tất cả các nước chúng ta” - ông Kerry phát biểu tại thủ đô của Ba Lan. Theo ông, đàm phán thương mại “không nên bị lẫn với bất cứ câu hỏi gì liên quan tới NSA hay các vấn đề khác”. Ba Lan là chặng dừng chân duy nhất ở châu Âu trong chuyến công du 11 ngày tới Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi của ông Kerry. |
“Mối quan hệ thật sự giữa bạn bè là dựa trên sự chân thành, thành thật và thẳng thắn, hơn là chỉ bằng những hành động xã giao - hoàng tử Saud al-Faisal, bộ trưởng ngoại giao Saudi Arabia, tuyên bố - Đó là lẽ tự nhiên khi chính sách và quan điểm của chúng ta có thể có sự đồng thuận ở một số mặt và khác biệt ở một số mặt khác”.
Ngoại trưởng Saud giải thích về hai loại khác biệt giữa hai bên: khác biệt về mục tiêu và khác biệt về mặt chiến thuật. “Một số khác biệt về mặt mục tiêu, rất ít - ông nói - Hầu hết khác biệt là về mặt chiến thuật”.
Theo báo New York Times, tại các cuộc họp báo và tại Đại sứ quán Mỹ, ông Kerry lần lượt khẳng định Saudi Arabia là đối tác “không thể thay thế” và là “nhân vật quan trọng” trong khối các nước Ả Rập.
Ngồi cạnh ông Kerry, ông Saud ban đầu nhấn mạnh các điểm tương đồng giữa hai bên như về hội nghị hòa bình ở Geneva và hỗ trợ nhóm nổi dậy trung hòa ở Syria. Nhưng ngay sau đó, ông Saud nhắc về số lượng người chết và bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến.
“Đó là tai ương tệ hại nhất rơi xuống thế giới trong thiên niên kỷ này - ông bình luận - Nếu cho rằng điều đó không đủ để phải can thiệp, chấm dứt cảnh máu chảy thì tôi không hiểu cái gì thì đủ”.
Căng thẳng giữa hai bên đã khiến một loạt thành viên cấp cao của hoàng gia Saudi phàn nàn về chuyện chính quyền Mỹ không can thiệp vào Syria cũng như lo ngại về việc Mỹ nồng ấm trở lại với Iran - đối thủ của Saudi Arabia tại khu vực.
Tuy nhiên sau cuộc gặp, cả hai bên đều cố giảm nhẹ về bất đồng khi công khai bác bỏ các thông tin cho rằng quan hệ đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Nhưng những nghi ngờ có thể thấy rõ trong các lời phát biểu.
Tại buổi họp báo chung, ông Kerry phải tái khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Riyadh trước các tấn công từ bên ngoài - một thông điệp mà cách đây vài năm các quan chức Mỹ hiếm khi phải nhắc tới.
Ông Kerry cũng cam kết sẽ thường xuyên cập nhật cho hoàng gia Saudi về diễn biến các cuộc hội đàm giữa các cường quốc với Iran về chương trình hạt nhân “để đảm bảo không có bất ngờ nào” (lại một cam kết hiếm khi các đồng minh gần gũi phải nói với nhau).
Ngay cả chuyến thăm của ông Kerry tới Cairo (Ai Cập) trước khi tới Riyadh cũng được coi là động thái để giảm bớt căng thẳng với Riyadh - vốn không hài lòng với chính sách bỏ rơi cựu tổng thống Mubarak, gần gũi với tổ chức Anh em Hồi giáo hay ngưng viện trợ quân sự gần đây của Mỹ.
“Không có gì có thể giải quyết chỉ bằng một chuyến thăm, nhưng tôi nghĩ chuyến đi tốt như mong muốn” - báo Los Angeles Times trích lời ông Charles Ries, nhà ngoại giao đã nghỉ hưu và giờ là phó chủ tịch của Rand Corp., một viện nghiên cứu chính sách tại Washington.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận