Chiếc đò tròng trành trên dòng nước lũ - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 4-11, tại bến đò thôn Ân Phú, người dân vẫn sử dụng đò để di chuyển ra khỏi thôn (thôn Ân Phú nằm giữa sông Trà Khúc). Người dân cho biết lũ lên là cả làng bị cô lập, chẳng còn cách nào khác để khoảng 300 hộ dân đi làm, đi học ngoài đi đò.
Cũng theo người dân, chính quyền địa phương ra lệnh cấm đò hoạt động nhưng không có giải pháp, phương tiện an toàn thay thế, nên người dân thôn Ân Phú phải chủ động tìm các phương tiện vận chuyển để thoát tình cảnh cô lập.
Sau sự cố chìm đò khiến 5 người bị nước cuốn trôi và may mắn thoát chết, người dân tiếp tục sử dụng chiếc đò không đăng ký, đăng kiểm, người lái đò không có chuyên môn, nghiệp vụ, không áo phao để vào bờ.
Ông Lê Văn Nhãn - người đưa đò - nói: "Tôi không phải chuyên lái đò, mà vì nhu cầu cấp thiết của người dân nên tôi chèo đò đưa người dân đi thôi".
Còn bà Lê Thị Hồng - chủ đò - phân trần: "Bà con yêu cầu quá, tôi xuống đây giúp 1, 2 ngày hết lũ thì thôi. Chứ mình có chuyên môn gì đâu".
Không còn cách nào khác, người dân thôn Ân Phú vẫn bất chấp nguy hiểm dùng đò qua lại sông Trà Khúc mỗi ngày - Ảnh: TRẦN MAI
Dù đò không an toàn, nhưng mỗi lượt qua sông người dân phải trả phí 10.000 đồng. Chị Ngô Thị Thanh (xã Tịnh An) nói: "Trông cho có ghe đàng hoàng để đi qua đi lại cho an toàn. Chứ giờ biết nguy hiểm, nhưng không có ghe an toàn thì phải đi liều thôi".
Hơn 300 hộ dân thôn Ân Phú đang phải đi trên chiếc đò không an toàn. Sau khi xảy ra tai nạn, UBND xã Tịnh An ra lệnh cấm đò nhưng chưa có phương tiện nào thay thế và cũng không thể xử lý người đưa đò phục vụ người dân.
Ông Trần Kỹ - phó chủ tịch UBND xã Tịnh An - cho biết: "Hiện nay cái ghe của xã cấp đã bị chìm. Hiện có 1 chiếc đò của người dân tự chèo đưa người dân qua lại. Địa phương chỉ tuyên truyền nhắc nhở, nếu quyết liệt xử lý thì người dân Ân Phú làm sao qua lại, đặc biệt là học sinh đi học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận