Thuyền trưởng Lai vẫn còn nguyên nét mệt mỏi sau 6 ngày lênh đênh trên biển - Ảnh: Trần Mai |
Chiều 3-12, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 92823 đã trở về đến cảng Sa Kỳ để báo với chính quyền về hành trình lênh đênh trên biển và lý do các thuyền viên không qua tàu cứu hộ của Trung Quốc mà vẫn quyết ở lại con tàu hư hỏng.
Tàu QNg 92823 bị chết máy vào ngày 24-11 và có hành trình lênh đênh 6 ngày, mãi đến rạng sáng 30-11 tàu hải quân khởi hành từ đảo Lý Sơn vượt sóng cấp 7 ra Hoàng Sa lai dắt tàu và thuyền viên về đảo Lý Sơn.
Không thể bỏ tàu
Thuyền trưởng Võ Lai cho biết “Chiếc tàu này tôi vay mượn tiền mới đóng được. Đi được mấy chuyến nếu bỏ tàu thì khác nào gánh một khoảng nợ lớn. Chính vì thế mà sau khi bàn bạc với anh em ngư dân. Ai cũng quyết định ở lại giữ tàu".
"Tôi cũng có nói anh em nào muốn lên tàu Trung Quốc thì lên nhưng tất cả đều muốn ở lại chiến đấu cùng sóng gió”, thuyền trưởng Lai cho biết.
Sáu ngày lênh đênh trên con tàu hỏng máy, những con người ăn sóng nằm gió phải chiến đấu với thiên nhiên.
Máy trưởng Võ Chặt cho biết tàu ra Hoàng Sa hành nghề lưới cá chuồn. Trước ngày 24-11 đã phát hiện máy chính gặp trục trặc. Trên tàu lại không có máy phụ nên vừa đánh bắt vừa di chuyển dần về đất liền.
Tuy nhiên, mọi tính toán đã “phá sản” khi tàu cách đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) chừng 25 hải lý thì chết máy và trôi dạt.
“Lúc này sóng lớn, duy trì ở cấp 6, cấp 7. Dù đã liên hệ về đất liền báo cáo tình hình để được hỗ trợ nhưng với tình hình sóng gió lớn và tàu chúng tôi ở rất xa nên việc điều tàu cấp cứu không thể triển khai”, máy trưởng Chặt cho biết.
Sóng gió cộng mưa lớn đã trở thành thách thức thật sự với các ngư dân. Máy hỏng, tàu thả trôi vô định, nước biển tràn vào tàu theo những ngọn sóng cao đến 2m. Các ngư dân phải thay phiên dùng thùng múc nước cứu tàu.
Thuyền trưởng Lai kể: “Anh em chia ca cứ hai đến ba tiếng là thay phiên múc nước liên tục. Một số người vì quá mệt đã ngất đi phải ăn miếng cháo loãng ăn lót dạ rồi lại tiếp tục múc nước cứu tàu”.
Hai ngày thả trôi tàu và chiến đấu với sóng gió, các thuyền viên vui mừng khi thấy tàu cứu hộ Trung Quốc xuất hiện. Các ngư dân ném dây nhờ tàu Trung Quốc lai dắt về đảo Phú Lâm nhưng đã không được đáp lại.
Ngư dân Võ Vui, người sang tàu Trung Quốc nghe thông dịch viên trao đổi cho biết phía Trung Quốc không đồng ý kéo tàu cá đang trôi dạt mà chỉ đồng ý cứu ngư dân.
"Tôi không đồng ý với phương án này bởi anh em đi biển sống chết có nhau. Còn có thể cứu được tàu cho anh Lai thì chúng tôi phải cố gắng cứu. Bỏ tàu là phương án cuối cùng, bởi đó là kế sinh nhai của dân biển chúng tôi", anh Vui nói.
Sau hai ngày tiếp cận, tàu Trung Quốc bỏ đi. Chiếc tàu cá lại trôi dạt vô định và các ngư dân tiếp tục tát nước, nghe đài báo gió và giữ liên lạc với đất liền, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Các ngư dân đưa cá lên bán cho thương lái, đó là thành quả của những ngày lênh đênh - Ảnh: Trần Mai |
Hạnh phúc vô bờ khi thấy cờ tổ quốc tung bay
2g sáng 30-11, trong ánh đèn pha một chiếc tàu xuất hiện. Lấy đèn pin rọi các ngư dân vỡ òa hạnh phúc khi thấy lá cờ tổ quốc trên nóc tàu “được cứu rồi, được cứu rồi”. Những ngư dân đã hò reo giữa biển khơi.
“Anh em mừng lắm. Mọi mệt mỏi như tan biến hết. Đó là khoảnh khắc quá hạnh phúc”, thuyền trưởng Lai chia sẻ.
Phải mất 90 phút, tàu cá và tàu cứu hộ mới nối dây, lai dắt về đất liền. Hành trình 24 giờ trở về đảo Lý Sơn cũng là khoảnh khắc nhớ đời của 11 con người biển khơi.
Trở về đất liền, anh Lai và các ngư dân mới dám thú nhận: những ngày lênh đênh trên biển icom là phương án duy nhất để nghe được giọng nói của vợ con. 11 con người chới với giữa biển khơi cố tỏ ra mạnh mẽ dù đôi lúc nghẹn ngào khi nghe giọng vợ con.
“Ai nấy mắt đỏ hoe khi nghe giọng người thân ở nhà hỏi thăm. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cứu tàu, cứu mình và chờ sóng gió tan đi khi áp thấp dần suy yếu”, ngư dân Ngô Văn Dũng nói.
Tám tấn cá chuồn được bán hôm nay dù giá giảm quá nửa vì hư hỏng do lênh đên quá lâu và không được ướp đá vì máy bị hỏng nhưng các ngư dân rất vui vì đó là thành quả chiến đấu của 11 con người.
Các ngư dân gửi lời cảm ơn đến lực lượng cứu hộ đã không quản sóng to, gió lớn đi cứu tàu cá. Họ khẳng định sẽ tiếp tục ra khơi. Tiếp tục bám lấy Hoàng Sa mưu sinh và khẳng định chủ quyền của tổ quốc.
Có lẽ, chỉ có những người đi biển mới hiểu được giá trị của con tàu, đó là nồi cơm, là phiên dậu của họ trong mỗi chuyến ra khơi. Đất liền hiểu được hành trình lênh đênh của 11 con người giữa trùng khơi.
“Tàu còn thì ra Hoàng Sa đánh bắt là chắc chắn. Cờ tổ quốc sẽ tung bay trên tàu của chúng tôi ở Hoàng Sa”, thuyền trưởng Lai chắc nịch.
Ngư dân Dũng (ngồi) vừa làm vừa kể lại hành trình nhớ đời - Ảnh: Trần Mai |
Máy trưởng Chặt kể lại sự việc với vẻ mặt đăm chiêu - Ảnh: Trần Mai |
Nụ cười là thành quả của 11 con người dũng cảm giữa sóng gió trùng khơi - Ảnh: Trần Mai |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận