Vì ma túy đá mà bị cáo cướp đi cuộc đời tươi đẹp của chị Hằng và phải trả giá bằng bản án tử hình - Ảnh: V.Đ. |
Ngồi trước vành móng ngựa của Tòa án nhân dân TP Hà Nội chiều 10-4 nghe phán quyết về hành vi giết người, bị cáo Nguyễn Hữu Chính (36 tuổi, quê Hưng Yên) đã nói với tôi như vậy sau khi e dè hỏi “có phải chị là nhà báo không?”.
Hoang tưởng, ảo giác
Chính vốn là MC đám cưới, dẫn chương trình ở quê nhà Hưng Yên. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Chính rời khỏi làng quê đến Hà Nội lập nghiệp. Từ tháng 4-2013 thông qua mạng Facebook, Chính quen biết và có mối quan hệ tình cảm với chị Đường Thị Hằng (28 tuổi, quê Tuyên Quang).
Tôi hỏi vị hội thẩm phiên tòa tại sao đại diện viện kiểm sát chỉ đề nghị tù chung thân nhưng tòa lại tuyên án tử hình? Vị hội thẩm bảo hội đồng đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định và cả năm thành viên hội đồng xét xử đều đồng ý tuyên án tử hình đối với bị cáo. “Ma túy đá trong trường hợp này được xem là tình tiết tăng nặng chứ không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Cả hội đồng đã cân nhắc rất kỹ. Nếu tha chết cho bị cáo thì lỡ sau này ra tù, bị cáo lại say ma túy đá, lại vì ảo giác mà không kiểm soát được hành động thì không biết hậu quả sẽ còn nặng nề tới đâu” - ông nói và buông tiếng thở dài. |
Sự việc được bị cáo kể lại trước tòa đại loại như: “Sau khi quen Hằng hai tháng, bị cáo rủ Hằng đến nhà chơi. Bị cáo và Hằng không có mâu thuẫn gì lớn, chỉ đôi lúc bị cáo cáu vì Hằng hay trêu đùa, ngăn cản lúc bị cáo đang tập chương trình.
Trưa 12-12-2013, Hằng đến phòng trọ bị cáo chơi. Bị cáo bảo Hằng về thì em không về mà đứng dưới sân. Khi bị cáo xuống sân, Hằng đẩy bị cáo vào tường hôn.
Bị cáo thấy có cái gì đó trong cổ, cảm giác chiếc lưỡi dài sâu trong cổ làm bị cáo rất sợ. Bị cáo rủ Hằng lên nhà để nói chuyện. Khi lên nhà, Hằng lại hôn bị cáo. Bị cáo lại có cảm giác hoảng sợ như vậy...’’.
Giây phút gần gũi của hai người yêu nhau lẽ ra là giây phút đáng quý nếu bị cáo tỉnh táo. Bị cáo khai hôm trước đã cùng chị Hằng sử dụng ma túy đá nên lúc gần gũi chị Hằng, bị cáo bị ảo giác chị Hằng là con trăn tinh.
Vị chủ tọa và hội thẩm nhân dân đã lần lượt hỏi đi hỏi lại xem ảo giác ấy là thế nào.
Bị cáo khai: “Bị cáo thấy em Hằng hôn bị cáo với chiếc lưỡi rất dài làm bị cáo rất sợ. Bị cáo hỏi Hằng anh tốt với em như vậy, tại sao em lại làm khổ anh, em đến với anh vì mục đích gì? Hằng bảo em chỉ xem anh như trò chơi mà thôi. Lúc đó bị cáo rất hoảng loạn. Bị cáo nghĩ Hằng là con trăn tinh nên đã dùng thắt lưng, ghế gỗ đánh Hằng...”.
“Hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân” là những từ mà bị cáo Chính nhắc đi nhắc lại để biện hộ hành vi dùng thắt lưng, ghế gỗ, cán chổi lau nhà bằng kim loại đánh tới tấp vào người chị Hằng, rồi đâm chị bằng bốn con dao với 82 vết thương đến khi chị không cử động được nữa.
Khi thoát khỏi cơn ảo giác, Chính nhận ra người con gái mà mình yêu nằm bất động trên vũng máu: “Bị cáo rất hoang mang lo sợ nên đã chui vào nhà vệ sinh ngồi trong đó đến hết đêm chờ người đến giải cứu, rồi rét quá bị cáo lại đi ra ngoài!”.
Trước những lời khai ấy của bị cáo, vị chủ tọa chất vấn: Tại sao trong lúc bị ảo giác do ma túy mang lại mà bị cáo vẫn nhớ, vẫn khai lại rất rõ ràng, rành mạch cảm xúc của mình như vậy?
Đáp lại, bị cáo không biện hộ việc làm của mình. Bị cáo thừa nhận mình là người chủ động rủ Hằng đến nhà trọ chơi, chủ động bảo Hằng lên phòng khi thấy chị đứng dưới sân.
“Việc đâm Hằng nhiều nhát như vậy vì lúc đó trong đầu bị cáo cứ có suy nghĩ một trong hai phải chết. Bị cáo nghĩ Hằng là con trăn tinh nên phải giết để cứu bà con. Lúc đó bị cáo nghĩ mình đã làm được việc tốt chứ đâu ngờ đến nông nỗi này” - đôi vai bị cáo run run trước vành móng ngựa.
Sai đường lạc lối
Không giống những bị cáo khác ra tòa thường có người thân đến thăm hỏi, khóc lóc hoặc an ủi, bị cáo đến tòa một mình. Sao anh lại dùng ma túy đá, có biết nó sẽ gây ra ảo giác và hệ lụy đáng tiếc hay không? Trước câu hỏi ấy của người dự khán, Chính kể: “Khi đi làm với đoàn, thấy anh em MC hút nhiều nên em cũng hút”.
Ngồi thu mình trước vành móng ngựa, Chính kể năm 13 tuổi thì bố mẹ ly thân. Mẹ Chính bỏ con chọn cửa Phật làm nơi nương nhờ từ đó. Bố Chính qua đời vì tai nạn giao thông cách đây năm năm.
Cuộc hôn nhân tan vỡ khiến bị cáo thường rơi vào trạng thái chán nản. Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã tìm cách liên lạc với chị gái ở quê nhưng không tài nào liên lạc được. Đó là lý do bị cáo đến tòa chỉ có một mình.
Khai trước tòa, đại diện bị hại bảo rằng bị hại không có bố. Một mình mẹ bị hại nuôi con khôn lớn, giờ mất con, bà mất luôn chỗ dựa. Gia đình bị hại đòi bồi thường 280 triệu đồng. Nghe mức đề nghị ấy, bị cáo đồng ý liền mà không chút đắn đo.
Khi vị chủ tọa hỏi bị cáo có muốn nói gì với bị hại không, bị cáo Chính quỳ sụp xuống dưới vành móng ngựa. Đôi vai run run, bị cáo nói: “Cháu xin lỗi cô, cháu biết đã làm cô đau buồn nhưng cháu khổ rất nhiều. Cháu đã sai đường lạc lối, cháu dính vào ma túy đá và mất tất cả. Cháu ân hận quá! Em Hằng đã mất và một nửa cuộc đời cháu cũng đã mất. Cháu muốn làm gì đó để bù đắp cho cô. Cháu xin cô mở tấm lòng bao dung để cháu được thay em Hằng chăm sóc cho cô. Cháu và em Hằng có tình cảm với nhau nhưng cháu đã sai đường lạc lối...”.
“Tôi không bao giờ chấp nhận lời xin lỗi ấy” - mẹ bị hại nói với tôi trong giờ nghị án. Bà cứ xoa đôi bàn tay xơ cứng, đen thui vì bẻ măng rừng của mình vào nhau rồi bảo: “Tôi có nên đề nghị lên tử hình không, án tù chung thân thì có nhẹ quá không?”.
Sở dĩ bà phân vân điều ấy vì đại diện viện kiểm sát chỉ đề nghị mức án tù chung thân với bị cáo. Vài người dự khán khuyên bà đừng kiến nghị tử hình bị cáo nữa vì dù sao người mất cũng đã mất rồi, có lấy oán báo oán thì chị Hằng cũng không thể nào sống lại được nữa.
Mẹ bị hại kể từ lúc quen Chính, bà thấy tâm trạng con gái thất thường, mỗi lần về nhà thì hay cáu gắt. Nghĩ con ra trường chưa tìm được việc làm nên bà bảo con nộp hồ sơ học cao đẳng y để theo nghề bán thuốc của mẹ. Chị Hằng nhận lời, tiếp tục học thêm ở Hà Nội.
“Có lần mấy ngày liền tôi điện thoại cho con không được, phải nhờ bạn bè nó ở Hà Nội đi tìm. Sau này khi con tôi chết rồi, bạn nó kể lại lúc đến phòng trọ của Chính để tìm con tôi thì Chính đóng kín cửa. Nó đập cửa, dọa báo công an thì Chính mới mở cửa. Vào nhà thì nó thấy Hằng ngồi ngơ ngác. Nó đưa con tôi về, suốt cả quãng đường về nhà con tôi cứ lơ ngơ không biết gì. Sau này khi Hằng mất rồi nó mới dám kể cho tôi nghe” - bà kể lại.
Mặc dù đại diện viện kiểm sát chỉ đề nghị tù chung thân nhưng hội đồng xét xử vẫn tuyên án tử hình đối với bị cáo. Khi án tử hình được tuyên, có người gia đình bị hại cười thở phào: “Mạng đổi mạng, vậy là được rồi. Nếu nó khắc phục hậu quả thì gia đình mình sẽ xem xét việc kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt”.
Gia đình bị hại không ai nặng lời câu nào, nhưng lúc bị dẫn đi bị cáo vẫn cúi gằm mặt, không dám ngẩng đầu lên nhìn bất cứ ai. Lúc đến xe tù, bị cáo len lén nhìn lên rồi vội vàng cụp mắt xuống khi thấy mẹ bị hại đứng dõi theo chiếc xe tù. Không có sự níu kéo, khóc lóc của người thân nào dành cho bị cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận