13/02/2022 09:58 GMT+7

Sau 'cơn mưa' tiền thưởng, bóng đá nữ có gì?

ANH NGỌC
ANH NGỌC

TTO - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trở về nhà trong vòng tay của những người hâm mộ, những buổi đón tiếp và gặp gỡ với Thủ tướng, những buổi lễ mừng công, những cuộc diễu hành trên xe buýt mui trần như ở TP.HCM.


Sau cơn mưa tiền thưởng, bóng đá nữ có gì? - Ảnh 1.

Các cầu thủ nhận bằng khen của Thành đoàn TP.HCM và huy hiệu “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Báo chí đưa họ ra trang nhất và hình ảnh của họ tràn ngập trên các mạng xã hội. Họ trở thành niềm tự hào và đề tài bàn luận của những người hâm mộ.

Chưa bao giờ kể từ khi bóng đá nữ tồn tại ở Việt Nam, các cầu thủ nữ với chiếc áo đội tuyển trên mình được yêu thương và quan tâm đến thế. Sự quan tâm ấy không chỉ trên lời nói, mà còn ở tiền bạc và các hiện vật. Hơn 20 tỉ đồng và nhiều hiện vật có giá trị khác đã được hứa thưởng và thưởng cho đội tuyển. 

Con số có lẽ sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới và không ngạc nhiên nếu "cơn mưa" tiền thưởng ào đến, nhiều hơn nhiều những gì các tuyển thủ nữ đã được hưởng sau chiếc huy chương vàng bóng đá nữ SEA Games 2019.

Xét cho cùng, điều đó hoàn toàn xứng đáng, bởi họ đã làm một điều phi thường là đoạt chiếc vé đi dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, điều mà bóng đá nam chưa bao giờ làm được.

Chính Thủ tướng và sau đó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nói trong những buổi mừng công đội tuyển nữ rằng cách quan tâm và đối xử với bóng đá nữ chưa tương xứng, chưa công bằng. Không cần phải nói ra, ai cũng biết là chưa tương xứng với tiềm năng, chưa công bằng với sự hy sinh và đóng góp của bóng đá nữ với thể thao nước nhà. 

Nhưng xa hơn nữa, vẫn luôn có một sự so sánh với bóng đá nam, vốn có nhiều tài trợ hơn, được quan tâm hơn và các cầu thủ cũng giàu có hơn. Nhưng so sánh nào cũng khập khiễng và câu chuyện chênh lệch đầu tư và quan tâm của bóng đá giữa hai giới là điều dễ thấy cả ở những nền bóng đá phát triển.

Điều quan trọng hơn cả sau khi đội tuyển đoạt vé trở về không phải là tiếp tục đặt bóng đá nữ và nam cạnh nhau để so sánh, mà làm thế nào để những mối quan tâm và đầu tư cho bóng đá nữ tương xứng hơn với tiềm năng của họ. 

Nhìn rộng ra hơn nữa, tiếp tục mở rộng nền móng của bóng đá nữ, với việc phát triển từ lứa trẻ, cấp câu lạc bộ và giải vô địch quốc gia nữ, vốn khá èo uột và đã rơi vào tình trạng khó khăn về việc tổ chức và nâng cao chất lượng trong những năm qua. 

Số tiền mà xã hội tặng cho đội tuyển, sẽ chỉ có tác dụng với họ trong một quãng thời gian nào đó, chứ không có ý nghĩa lâu dài đối với cả nền bóng đá. Một nền bóng đá phát triển dựa trên sự đầu tư căn cơ, bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và lâu dài chứ không phát triển nhờ tiền thưởng.

Còn hơn một năm nữa là trái bóng World Cup nữ sẽ lăn trên sân cỏ Úc và New Zealand. Trước đó sẽ là hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch bóng đá nữ SEA Games vào tháng 5-2022. Nghĩa là hiệu ứng bóng đá nữ vẫn còn kéo dài một thời gian nữa. 

Phải coi đây là điểm khởi đầu chứ không phải đích đến của một hành trình. Sẽ là một điều tiếc nuối vô cùng nếu không biết tận dụng thời điểm này cho một sự phát triển thực sự và lâu dài hơn.

Tuyển nữ Việt Nam mặc áo dài giao lưu tuổi trẻ TP.HCM: Thật đáng yêu! Tuyển nữ Việt Nam mặc áo dài giao lưu tuổi trẻ TP.HCM: Thật đáng yêu!

TTO - Lần đầu tiên mặc áo dài giao lưu với bạn trẻ TP.HCM 'Hành trình đến World Cup 2023' chiều 12-2 tại Nhà văn hóa Thanh niên, các cầu thủ tuyển nữ Việt Nam không khỏi ngượng ngùng nhưng rất đáng yêu. Đây là món quà báo Tuổi Trẻ gửi tặng đội tuyển.

ANH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên