
Chim cắt Peregrine, sát thủ nhanh nhất hành tinh - Ảnh: LONDON ECONOMIC
Không chỉ nổi bật với tốc độ, chim cắt Peregrine, hay chim cắt lớn, còn sở hữu những đặc điểm sinh học và hành vi đáng kinh ngạc, giúp nó trở thành một trong những kẻ săn mồi hiệu quả nhất trong thế giới động vật.
Phát hiện mục tiêu xa 1km, săn mồi ở tốc độ kinh hoàng
Chim cắt Peregrine có thị lực siêu việt, gấp khoảng 4-8 lần so với con người. Chúng có thể phát hiện con mồi từ khoảng cách hơn 1 km. Loài chim này thường chọn các loài chim khác làm con mồi, bao gồm bồ câu, chim sẻ, chim én và đôi khi cả dơi.
Chúng thường quan sát con mồi từ trên cao hoặc khi bay lượn trên bầu trời, dùng đôi mắt sắc bén để theo dõi đường bay và hành vi của con mồi.
Sau khi xác định được con mồi, chim cắt Peregrine bổ nhào xuống từ trên cao, tận dụng trọng lực và đôi cánh khí động học để tăng tốc nhanh chóng.

Chim cắt thu mình để đạt tốc độ tối đa - Ảnh: SCIENCE OF BIRDS
Chim bay lên độ cao từ 300 - 1.000 mét, sau đó thu gọn đôi cánh để lao xuống với tốc độ lên đến 389km/h - tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận ở một loài động vật.
Lực tác động khi va chạm vào con mồi có thể đủ mạnh để gây chấn thương nặng hoặc giết chết ngay lập tức.
Một chiến lược khác là "tấn công ngang". Khi con mồi đang bay ngang ở tầm thấp, chim cắt Peregrine có thể đuổi theo với tốc độ trung bình khoảng 100-130km/h.
Tuy không nhanh bằng khi bổ nhào, nhưng nó vẫn là một trong những loài chim nhanh nhất trong trạng thái bay thường.
Chim cắt Peregrine không dùng móng vuốt để quắp con mồi ngay lập tức. Thay vào đó, khi tiếp cận với vận tốc cao, chúng sử dụng móng vuốt sắc nhọn để tung một cú đánh cực mạnh vào con mồi, thường vào vùng đầu hoặc cánh, khiến con mồi mất kiểm soát và rơi xuống đất.
Sau khi con mồi rơi, chim cắt sẽ nhanh chóng bay xuống, dùng móng vuốt giữ chặt và mỏ sắc bén để "kết liễu" hoàn toàn.
Trong môi trường thành phố, chim cắt Peregrine săn bồ câu, sáo đá và các loài chim nhỏ khác trên các tòa nhà cao tầng hoặc cầu lớn. Chúng lợi dụng những cấu trúc cao giống như vách đá tự nhiên để thực hiện các cú bổ nhào từ trên cao.

Một màn "chạm trán" trên bầu trời giữa chim cắt Peregrine và bồ câu - Ảnh: PHYS.ORG
Sống "khỏe" ở cả nơi hoang dã lẫn đô thị
Chim cắt Peregrine có phạm vi phân bố rộng lớn, xuất hiện trên hầu hết các lục địa ngoại trừ Nam Cực.
Đặc biệt ở khu vực Bắc Mỹ, chúng làm tổ từ vùng lãnh nguyên Bắc Cực của Canada và Alaska đến miền nam nước Mỹ. Nhiều quần thể ở Bắc Mỹ di cư về phía nam trong mùa đông, đến Trung và Nam Mỹ.
Ở châu Âu, chim cắt Peregrine cũng phân bổ rộng rãi, từ vùng Scandinavia ở phía bắc đến khu vực Địa Trung Hải ở phía nam. Một số quần thể ở châu Âu là loài định cư, trong khi những quần thể khác di cư đến châu Phi trong mùa đông.
Ban đầu chúng thường làm tổ trên vách đá cao, tuy nhiên với sự đô thị hóa, chúng đã thích nghi bằng cách làm tổ trên các tòa nhà chọc trời và cầu cao, nơi có điều kiện tương tự như môi trường tự nhiên của chúng.

Chim cắt Peregrine có khả năng thích nghi môi trường sống đa dạng - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Ngoài ra, chim cắt Peregrine còn được con người huấn luyện trong nghệ thuật săn bắn bằng chim ưng, một truyền thống có từ hàng nghìn năm trước.
Dù từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do ô nhiễm thuốc trừ sâu DDT vào giữa thế kỷ 20, nhưng nhờ các chương trình bảo tồn mạnh mẽ, số lượng chim cắt Peregrine đã phục hồi đáng kể.
Hiện nay chúng không còn nằm trong danh sách loài nguy cấp, tuy nhiên bảo vệ môi trường sống của chúng vẫn là một nhiệm vụ quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận