Gia đình bà Giúp vẫn phải “sống chung với người chết” hai năm nay - Ảnh: Tấn Đức |
An Giang kiên quyết loại trừ khai thác cát lậu và việc xây dựng mới nhà cửa ven sông rạch |
Phó chủ tịch tỉnh An Giang Lâm Quang Thi |
Sống chung với người chết
Đó là tình cảnh trớ trêu của mẹ con bà Trần Thị Giúp ở điểm nóng sạt lở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) suốt hai năm qua. Cách đây hơn hai năm, một trận lở lớn đất sụp tới chân, không còn chỗ để lùi nên bà phải dỡ nhà, cất mái tôn trùm lên phần mộ của chồng (an táng cách đây 18 năm, khi đó nơi đây còn là sân vườn).
Trong “căn nhà” chừng vài chục mét vuông này, bà dùng tấm màn mỏng có hình hoa cà làm vách ngăn rồi đặt chiếc giường ngủ sát mộ chồng. Phía sau và bên trái mộ đặt bếp ăn và mấy cái giá treo quần áo.
“Sống chung với người chết” cũng chưa yên. Ngày 7-4 vừa qua, “hà bá” lại tìm đến. “Trưa hôm đó tui đang ngồi lặt ớt trước hiên nhà thì trời bất chợt nổi dông, sóng vỗ ầm ầm. Rồi đất đá, cây cối bắt đầu sụp đổ xuống sông. Sực nhớ cái môtơ điện bơm nước từ sông lên sử dụng hằng ngày đang để mé sau nhà, tui liền chạy lại tháo ống, gồng gân kéo lên. Bỗng ùm một cái, đất dưới chân sụp xuống kéo tuột cái máy, may là tui kịp bám víu vô mấy nhánh cây, bò lên...” - bà Giúp kể.
Sau trận lở mới nhất này, bà được thông báo phải di dời khẩn cấp vì nhà nằm sát bờ sông, nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện tại mẹ con bà vẫn phải chờ vì khu dân cư mới của xã chưa làm xong. “Đêm nằm nghe gió lùa không dám ngủ, nhưng đành phải nấn ná để đợi chứ biết đi đâu bây giờ. Tui già rồi, lỡ có bề gì cũng cam, chỉ lo cho vợ chồng đứa con trai cũng có nhà bị sạt lở, đang trong cảnh chờ có nơi ở mới như tui” - bà Giúp lo lắng.
Sạt lở khắp nơi, người dân bất an
Ông Nguyễn Văn Dân, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Bình Thành, cho biết cung đoạn sạt lở bờ sông Tiền thuộc ấp Bình Hòa, xã Bình Thành trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua có chiều dài đến 2,3km, ảnh hưởng trực tiếp 227 hộ dân trong vùng.
Qua khảo sát, có 108 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp do nằm trong cự ly 0-28m so với bờ sông. Thế nhưng hơn tháng sau vụ sạt lở, mới chỉ có 10 hộ di dời khỏi vùng cảnh báo nguy hiểm.
“Hiện tại địa phương đang khẩn trương phát quang, san lấp mặt bằng sân bóng đá xã để làm cụm dân cư, khả năng bố trí khoảng 57 hộ, nhưng nhanh lắm cũng phải hai tháng nữa mới xong. Trong thời gian chờ đợi, nếu có tình huống nguy cấp sẽ đưa dân vào ở tạm tại các điểm trường học trên địa bàn xã” - ông Dân nói.
Tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang), đoạn bờ sông Hậu từ ấp Châu Giang đến ấp Vĩnh Lợi dài hơn 700m cũng đang bị sạt lở mạnh, đặt hàng trăm hộ dân vào tình thế bất an, nhiều căn nhà chỉ còn cách mé sông Hậu 3-4m.
“Địa phương đã đề xuất làm tuyến dân cư khẩn cấp từ năm 2011 nhưng tới giờ vẫn chưa động tĩnh, nghe đâu phải chờ vốn trung ương rót về” - ông Nguyễn Trung Giang, phó chủ tịch UBND xã Châu Phong, cho biết.
Ông Giang cho biết trong khi tuyến sạt lở này chưa giải quyết xong, gần đây kênh xáng Tân An (nối sông Tiền với sông Hậu) đoạn qua ấp Vĩnh Lợi 2 cũng bị sạt lở lấn sâu vào lộ liên xã Châu Phong - Long An với tốc độ 7-10m/năm. Càng đáng lo hơn khi tuyến lộ này là đê bao bảo vệ hơn 3.300ha đất sản xuất cùng nhiều công trình dân sinh, trong đó có khu dân cư dành cho 88 hộ dân vùng ngập lũ, bị sạt lở của xã.
Trên địa bàn huyện Chợ Mới, ngoài điểm sạt lở gây thiệt hại hoàn toàn 16 căn nhà, hơn 100 hộ tại xã Mỹ Hội Đông phải di dời khẩn cấp, gần đây xuất hiện thêm nhiều điểm xói lở đáng báo động, trong đó có khu vực ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ.
Tập quán cất nhà dựng chợ ven sông rạch của người dân miền Tây - Ảnh: Chí Quốc |
Tập quán khó bỏ
Do điều kiện tự nhiên, tập quán sinh sống và làm ăn đặc thù của vùng sông nước nên người dân miền Tây thường xây cất nhà dọc các bờ sông, kênh rạch.
Sau này để tiện lợi việc đi lại, vận chuyển nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng... bám theo mặt sông, mặt kênh, dần dà hình thành những khu vực dân cư, phố chợ ngày càng đông đúc.
Ông Lữ Cẩm Khường, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết thống kê ban đầu toàn tỉnh có hơn 30.000 hộ sống ven sông từ lâu đời tại những nơi hiện có khả năng sạt lở, phần lớn do trước đây làm nghề nông, đánh bắt thủy sản, nay không có điều kiện thay đổi chỗ ở.
“Ngày xưa đất rộng người thưa, sông lở tới đâu dời nhà vào tới đó. Còn gần đây đất chật người đông, nếu bị nạn “bà thủy” thì coi như tiêu tan cơ nghiệp” - ông Khường nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết từ 12 năm nay tỉnh đã ra chỉ thị nghiêm cấm và không cho cấp phép xây dựng nhà cửa trên hành lang ven sông, kênh rạch, nhất là với những nơi có nguy cơ sạt lở.
Tuy nhiên, do các khu vực dân cư ven sông hình thành lâu đời, người dân vẫn xây dựng, cơi nới thêm, thay đổi kết cấu nhà cửa bằng vật liệu kiên cố.
Ngoài nguyên nhân biến đổi dòng chảy thì do xây dựng nhà cửa gây áp lực lên bờ sông cũng góp phần làm sạt lở.
Theo ông Thi, trước mắt tỉnh tiếp tục khảo sát rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở để cảnh báo, chủ động di dời dân, triển khai các biện pháp khẩn cấp như chỉnh trị dòng chảy, lấp hố xoáy để bảo vệ các khu vực xung yếu.
An Giang sẽ gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hệ thống hạ tầng, các khu dân cư... phù hợp với sinh kế của người dân và tình hình sạt lở gia tăng.
“An Giang kiên quyết loại trừ khai thác cát lậu và việc xây dựng mới nhà cửa ven sông rạch” - ông Thi nói.
Theo kết quả quan trắc mới nhất, tỉnh An Giang có 51 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 162km, chiếm 40% tổng số đường bờ sông của tỉnh; trong đó 15 đoạn (30km) thuộc dạng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của khoảng 20.000 hộ dân. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tới 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng sạt lở. Trước tình hình sạt lở đang có xu hướng gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 82 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh việc di dời dân cư ở các khu vực sạt lở đến nơi an toàn. |
____________________________
Kỳ tới: Khóc cười với “bà thủy”
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 1: Những cù lao... lở |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận