Những người ủng hộ tổng thống Uganda, Museveni, ăn mừng chiến thắng sau bầu cử tại Kampala, Uganda ngày 20-2-2016 - Ảnh: Reuters |
Theo The-star.co, theo tố cáo của một tổ chức nhân đạo ở Uganda, đã có 6 trường hợp trẻ bị tùng xẻo và sát hại trong nghi lễ hiến sinh cầu “may mắn” xảy ra trong đợt bầu cử vừa qua tại Uganda.
Bà Shelin Kasozi, thuộc tổ chức nhân đạo Kyampisi Childcare Ministries (KCM), một tổ chức bảo vệ những đứa trẻ may mắn sống sót sau các vụ hiến sinh này, cho biết: “Các vụ hiến sinh bằng trẻ em rất phổ biến trong thời gian bầu cử khi một số người tin rằng hiến sinh bằng máu người sẽ mang lại giàu sang và quyền lực”.
Bà Shelin Kasozi cũng nói các vụ việc này được ghi nhận trong thời gian từ tháng 10-2015 đến tháng 2 năm nay tại các khu vực Ssembabule, Mukono, Buikwe và Mubende ở miền trung Uganda. Bà cho biết tuy các nghi phạm liên quan đã bị bắt nhưng các vụ việc chưa bao giờ bị đưa ra tòa xét xử.
Tổng thống Yoweri Museveni đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 18-2 vừa qua, kéo dài thời gian tại nhiệm 30 năm của ông trong một cuộc bầu cử bị Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ trích.
Ông Moses Binoga, điều phối viên của lực lượng phòng chống các hoạt động buôn bán trái pháp luật thuộc Bộ nội vụ Uganda cho biết đã nhận được thông tin về việc mất tích của một số trẻ em trong thời gian bầu cử.
Tuy nhiên ông này không thể khẳng định báo cáo của KCM có chính xác hay không và cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.
Cũng theo ông Moses Binoga, năm 2015 có trường hợp 7 trẻ em và 6 người lớn bị thiệt mạng vì bị hiến sinh. Năm 2014, số trường hợp này là 9 trẻ em và 4 người lớn.
Ông cho biết người ta đã tìm thấy thi thể trẻ em và người lớn bị tùng xẻo, một số trường hợp còn bị móc tung cả tim, gan. Trong hai trường hợp năm ngoái, nạn nhân còn bị mất đầu.
Trong một vụ việc năm 2012, người bà 82 tuổi tên là Hanifa Namuyanja đã phải lãnh án 15 năm tù vì tội tham gia hiến sinh chính cháu gái của bà là Shamim Nalwoga.
Năm ngoái Liên hợp quốc cho biết các vụ tấn công những người bị bạch tạng tại châu Phi có xu hướng ngày càng tăng. Thực tế này có liên quan tới tâm lý cuồng tín của những kẻ tham vọng chính trị tin vào bùa chú trong cuộc chạy đua chốn quan trường ở nhiều nước châu Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận