17/10/2018 15:17 GMT+7

Sắp có đào tạo tiến sĩ 'kiểu mới'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của xã hội về tiến sĩ từ trước đến nay ở nước ta.

Sắp có đào tạo tiến sĩ kiểu mới - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Minh Kiều đề nghị chương trình đào tạo tiến sĩ ứng dụng nên triển khai ngay để đáp ứng nhu cầu người học - Ảnh: TRẦN HUỲNH

ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp ngành quản trị kinh doanh (DBA) và quản lý giáo dục (EdD).

Theo đó chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp gồm 35-45 tín chỉ các môn học, 45-55 tín chỉ luận án.

Thời gian đào tạo là 3-5 năm (toàn thời gian) và 4-7 năm (bán thời gian). Điều kiện tốt nghiệp: giống các chương trình đào tạo tiến sĩ nhưng phải có một dự án giải quyết vấn đề thực tế trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Thay đổi cách nhìn về đào tạo tiến sĩ

PGS.TS Vũ Phan Tú - trưởng ban sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết tại Việt Nam hiện chỉ có một loại chương trình đào tạo tiến sĩ và một loại bằng tiến sĩ. Trong khi đó trên thế giới theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng.

"Việt Nam hiện đang thiếu tiến sĩ ứng dụng, hoặc gom lại và đào tạo chung. Như vậy rất khó cho những người đang đi làm bên ngoài và chúng ta cũng không giải quyết được thực tế bài toán của họ khi họ đang làm việc ở môi trường bên ngoài", ông Tú nhận định.

Theo ông Tú, đặc điểm cốt lõi của tiến sĩ ứng dụng là đối tượng người học thường là những người có kinh nghiệm nghề nghiệp, học tập để phát triển chuyên môn nghề nghiệp, trong khi tiến sĩ hàn lâm học tập để giảng dạy ĐH, làm việc tại viện nghiên cứu và có khả năng tạo nên lý thuyết mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu đề án mà ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng được triển khai, đây sẽ là chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng sẽ làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của xã hội về tiến sĩ từ trước đến nay.

Sự lạc hậu của chính sách

PGS.TS Nguyễn Minh Kiều - Trường ĐH Mở TP.HCM, là một tiến sĩ ứng dụng tốt nghiệp tại Úc 20 năm trước và đến nay đã hướng dẫn không dưới 300 thạc sĩ, khoảng 5 tiến sĩ và chấm cỡ 100 luận văn tiến sĩ. Ông cho biết chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp không hề thua kém tiến sĩ hàn lâm.

"Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế nên những gì quốc tế làm thì chúng ta cũng nên làm và cần điều chỉnh cho phù hợp điều kiện trong nước. Tôi ủng hộ đề án này của ĐH Quốc gia TP.HCM và cho rằng chương trình đào tạo tiến sĩ ứng dụng nên triển khai ngay", ông nói.

GS.TS Nguyễn Thị Cành - Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng cần phải triển khai ngay đề án và sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì chương trình mới.

"Nhắc đến đào tạo tiến sĩ sẽ có nhiều băn khoăn từ dư luận. Tuy nhiên, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp là chọn những người đi học vì công việc không vì bằng cấp nên nếu thí điểm thành công sẽ được xã hội công nhận", bà khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng trong khung đào tạo trình độ quốc gia hiện nay, đào tạo bậc tiến sĩ được xếp vào luồng định hướng nghiên cứu, không có đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng. Đây là sự lạc hậu của chính sách.

"Đời sống kinh tế xã hội cần loại hình lao động nào thì các cơ sở đào tạo phải đáp ứng sự đòi hỏi đó. Xã hội cần những người làm quản lý, áp dụng lý thuyết vào thực tế ở trình độ tiến sĩ thì chương trình đào tạo cũng cần có chương trình đó và phải có đơn vị tiên phong thực hiện việc này. Chúng tôi hoan nghênh ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng định hướng này"- bà Phụng nói.

Bà Phụng cũng cho rằng để thực hiện đề án này, ĐH Quốc gia TP.HCM cần tập trung giải quyết 10 vấn đề: ngành, lĩnh vực nào áp dụng chương trình này; đầu vào; mục tiêu đào tạo; nội dung chương trình đào tạo; sự tương đương trình độ chương trình đào tạo tiến sĩ khác; phương thức giảng dạy; đào tạo trong hay ngoài trường; phương pháp kiểm tra đánh giá; liên thông với các chương trình tiến sĩ khác thế nào; việc công nhận văn bằng.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên