Nguồn: Quang Khải - Đồ họa: Tấn Đạt |
Tuy nhiên các chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn phải dừng ở ga Sóng Thần, sau đó hành khách lên ôtô trung chuyển đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình.
Với việc chạy tàu như trên, khoảng cách trung chuyển hành khách bằng ôtô sẽ giảm còn một nửa so với việc trung chuyển ôtô từ ga Sài Gòn do khoảng cách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa khoảng 30km, còn từ ga Sóng Thần đến ga Biên Hòa khoảng 15km.
Theo ông Đỗ Quang Văn - giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, kể từ ngày 23-3 sẽ tổ chức nhận hành lý ký gửi (hàng hóa lẻ) ở ga Biên Hòa thay vì từ ga Sài Gòn như trước đây.
Ông Văn cũng cho hay ở chiều ngược lại, khi hành khách xuống tàu tại ga Biên Hòa sẽ được trung chuyển ôtô về tới ga Sóng Thần rồi tiếp tục lên tàu về ga Sài Gòn.
Thiếu toa nên bỏ một số chặng
Ngày 22-3, ga Sài Gòn tiếp tục tổ chức trung chuyển bằng ôtô cho hơn 800 hành khách (chia làm nhiều chuyến và thời gian đi khác nhau) đi ga Biên Hòa. Số lượng hành khách này ít hơn so với những ngày trước đó từ 100-400 hành khách/ngày.
Về việc nhiều người cho biết khi lên ga Biên Hòa phải chờ thêm nhiều giờ mới được tiếp tục hành trình, ông Văn cho rằng sau khi cầu Ghềnh bị sập thì Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn có điều chỉnh, sắp xếp lại lịch chạy tàu nên có một số chuyến xuất phát từ Biên Hòa có độ trễ thời gian nhất định.
Cụ thể như hành khách mua vé tàu SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn là 6g sáng, khi được trung chuyển lên tới Biên Hòa (mất thêm khoảng 1 giờ) thì phải đổi sang đi tàu SE6 - tàu này lại có thời gian xuất phát từ 9g.
Tuy nhiên ngành đường sắt đang có những kế hoạch sắp xếp chạy tàu hợp lý, khoa học hơn để hạn chế đến mức thấp nhất thời gian đợi chờ cho khách hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ có kế hoạch điều chỉnh, sắp xếp lại lịch chạy tàu do sau thời điểm sập cầu Ghềnh, một số lượng lớn toa, đầu tàu, kể cả toa chở hàng, hiện bị “nhốt” ở ga Sài Gòn.
Trong kế hoạch chạy tàu sắp tới, Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết quyết định bỏ một số tàu chặng ngắn, lấy toa ráp vào những chặng dài nhằm ưu tiên đáp ứng nhu cầu hành khách đi xa.
Cụ thể như từ ngày 23-3 đổi tàu SNT1 (Sài Gòn - Nha Trang) thành tàu SNT5, đồng thời tạm ngưng chạy các tàu SPT1 - SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết).
Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, việc hành khách trả vé sau sự cố sập cầu Ghềnh đã giảm. Trong ngày đầu tiên có trên 300 trường hợp trả vé, qua ngày thứ hai có 115 trường hợp trả vé.
Trong khi đó, ghi nhận trên hệ thống bán vé của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn trong ngày 20 đến 22-3 có khoảng 2.000 trường hợp hành khách trả vé, tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Các ga tiếp nhận hàng chuẩn bị ra sao?
Trưa 22-3 tại ga Hố Nai (khu phố 3, P.Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai), tàu hàng ra vào vẫn như thường lệ, chỉ có một tốp công nhân đang bốc hàng từ tàu sang xe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hạnh - trưởng ga - cho biết trong hai ngày nay từ sau khi cầu Ghềnh bị sà lan tông sập, lượng hàng hóa tại ga vẫn bình thường, trung bình mỗi ngày ga xếp dỡ khoảng 17 toa hàng.
Theo ông Hạnh, nếu được hỗ trợ đủ nhân lực và phương tiện cần thiết, ga có thể nâng công suất lên 30 toa hàng/ngày đêm.
Một lãnh đạo ở Đồng Nai cho biết tuyến đường vận chuyển để áp tải hàng ra vào ga Hố Nai đang là một nỗi lo của cơ quan chức năng. Lý do là tải trọng đường cho phép chỉ 13 tấn và đường đang xuống cấp, trong khi xe vào chở hàng có tải trọng lớn.
Trong khi đó tại ga Trảng Bom (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom), một nhóm công nhân đang san lấp mặt bằng. Theo đại diện của ga, đây là ga nhỏ (ga xép), không phục vụ đón trả khách hay hàng nên chưa có các điều kiện để nhận hàng hay hành khách.
Đại diện ga cho hay có đoàn công tác đã về khảo sát, yêu cầu ga giải phóng mặt bằng chờ kế hoạch cụ thể, nhưng đến trưa cùng ngày vẫn chưa có chỉ đạo nào từ cấp trên.
Hơn 12 tỉ đồng trục vớt cầu Ghềnh Tại cuộc họp triển khai kế hoạch khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh ngày 22-3, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông số 1 tập trung nhân lực, vật lực trục vớt dầm cầu Ghềnh bị sập. Việc trục vớt phải hoàn thành trước ngày 2-4 để có thể thi công trụ, dầm cầu mới. Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT đã thống nhất phương án xây mới hai trụ cầu, ba nhịp và dầm cầu mới, đồng thời nâng độ tĩnh không cầu thêm 2m, dự kiến toàn bộ công trình hoàn thành và thông tuyến đường sắt trước ngày 15-7. Về phần trục vớt cầu Ghềnh bị sập, có đơn vị đưa ra chi phí hơn 12 tỉ đồng, ông Đông cho rằng đây chỉ là những tính toán sơ bộ ban đầu. Việc trục vớt dầm cầu Ghềnh bị sập thực hiện theo dạng cứu hộ, cứu nạn nhưng cũng sẽ được lập dự toán kinh phí theo đúng quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận