Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh - Ảnh: Xuân An |
Có ý kiến cho rằng trước đó cầu Ghềnh đã có trụ chống va để bảo vệ cầu, nay không còn nữa, ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết trước giờ cầu Ghềnh chưa có trụ chống va nhưng có một đơn vị giao thông đường thủy ở tỉnh Đồng Nai tổ chức điều tiết giao thông thủy.
Theo ông Hoàng Văn Hùng - chi cục trưởng Chi cục Đường thủy phía Nam, thực tế lực lượng điều tiết giao thông thủy ở khu vực cầu Ghềnh chỉ hoạt động trong thời gian hồ thủy điện Trị An xả lũ.
Chẳng hạn trong năm 2015 lực lượng điều tiết giao thông thủy ở cầu này chỉ hoạt động trong 25 ngày nhằm bảo vệ an toàn cầu. Ông Hoàng Văn Hùng cho biết thời điểm sà lan tông sập cầu Ghềnh không có đơn vị giao thông đường thủy tổ chức điều tiết giao thông ở đây.
Theo Chi cục Đường thủy phía Nam, trong số các cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thì cầu Ghềnh và cầu Bình Lợi cần được tổ chức điều tiết giao thông thủy để bảo vệ cầu.
Trong đó, cầu Bình Lợi đã được tổ chức điều tiết giao thông thủy quanh năm nhằm bảo vệ an toàn cho chiếc cầu này.
Khi được hỏi tuyến đường sắt từ ga Sài Gòn đến ga tỉnh Bình Thuận còn bao nhiêu cầu yếu và ai chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn cầu đường sắt, ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết có bốn cầu gồm cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát (còn gọi là cầu Đồng Nai nhỏ), cầu Gò Dưa và cầu Bình Lợi.
Trong số bốn chiếc cầu trên, cầu Rạch Cát và cầu Gò Dưa nằm trên sông, rạch nhỏ chỉ có ghe, xuồng nhỏ đi lại nên không bị ảnh hưởng nhiều. Riêng cầu Ghềnh có độ tĩnh không 4m.
Tuy nhiên theo ghi nhận, khi mực nước triều cao chỉ cách cầu 1m. Còn cầu Bình Lợi có độ tĩnh không 1,8m và lúc triều lên cao nhất, mực nước có khi gần chạm đáy dầm cầu.
Tuy nhiên, cầu Ghềnh và cầu Bình Lợi có nhiều phương tiện thủy như tàu, sà lan có sức chở lớn đi lại nên cần phải tổ chức điều tiết giao thông thủy.
Ba phương án khắc phục sự cố cầu Ghềnh Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về hướng khắc phục sự cố cầu Ghềnh ngày 21-3, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo đến ngày 15-7, phải thông tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh Tại cuộc họp, các đơn vị trình bày ba phương án khắc phục sự cố. Phương án 1: khắc phục tạm để đi, chờ phương án làm mới sau. Phương án 2: xây trụ mới nhưng sử dụng dầm và tĩnh không như cũ (4m). Phương án 3: xây hai trụ mới, sử dụng dầm mới đồng thời nâng cao độ tĩnh không lên 6m đúng theo quy định giao thông đường thủy nhằm đảm bảo cho tàu bè qua lại. Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo giao Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông số 1 (Tổng 1) triển khai việc thiết kế thi công theo phương án 3, bỏ qua bước kiểm định lại chất lượng trụ cầu vì đã xây dựng quá lâu. Ông Trường yêu cầu Tổng 1 huy động mọi nhân lực, thiết bị phối hợp thi công trong thời gian nhanh nhất để công trình hoàn thành và thông tuyến đường sắt trước ngày 15-7. Bên cạnh đó, ông Trường đồng ý với Tổng công ty Đường sắt VN cải tạo mở rộng ga Biên Hòa để tăng khả năng đón trả khách, đồng thời cải tạo mở rộng ga Trảng Bom và Hố Nai để tăng khả năng vận chuyển hàng hóa thêm khoảng 60% so với hiện hữu. Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN đã quyết định sẽ cho các đoàn tàu ở ga Sài Gòn hoạt động trở lại để đưa hành khách đến ga Sóng Thần sau đó mới trung chuyển khách ra ga Biên Hòa nhằm rút ngắn thời gian trung chuyển. Ông Trường cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN đảm bảo tốt công tác vận chuyển, trung chuyển hành khách, không để hành khách phải chờ đợi lâu. Trường hợp hành khách muốn trả vé thì giải quyết hoàn tiền 100% ngay, kiểm tra xử lý tình trạng chèn ép giá trong dịch vụ vận chuyển hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên các chuyến tàu, đặc biệt trong dịp lễ 30-4 sắp tới. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, sự cố sập cầu Ghềnh làm cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa của đường sắt VN giảm tới 40% so với trước và còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. |
Xem clip cầu Ghềnh trước và sau khi sập nhìn từ flycam |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận