15/01/2015 06:00 GMT+7

Sao Việt tố nhau trên mạng xã hội

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - Gần đây độc giả "ngợp" với những dòng trạng thái của sao Việt tố nhau trên mạng. Nào là ca sĩ này bị quỵt tiền, diễn viên kia bị lừa tình...

Không biết từ khi nào mạng xã hội được xem như một kênh để người ta tố những tật xấu, những lần quỵt nợ, những chiêu trò của nhau.

Tố cáo đủ chuyện

Gần đây nhất, nghệ sĩ hài Thúy Nga đã dùng Facebook để “công khai sự thật về mối quan hệ với chồng cũ”. Trên trang cá nhân, nghệ sĩ này đã viết một “tâm thư” khá dài kể về người đàn ông từng đám cưới với chị vào năm 2010.

Thúy Nga cho biết dù trên danh nghĩa là vợ chồng nhưng hai người chẳng có một ngày nào sống chung cho đúng nghĩa và người đàn ông này chính là nỗi sầu não lớn nhất của chị trong suốt ba năm qua.

Thúy Nga còn kể rằng chị từng giúp người đàn ông này trong hoạn nạn nhưng sau khi nhận được 6 tỉ đồng từ tiền thế chấp nhà của nữ nghệ sĩ, người này đã thay đổi thái độ.

Thúy Nga chia sẻ sau những gì đã giãi bày, chị cảm thấy như trút được phần nào gánh nặng và nỗi uất ức của mình. Bên cạnh đó, Thúy Nga cảm thấy rất áp lực, lo lắng vì phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận những ý kiến phản hồi từ phía công chúng.

Tâm thư của nghệ sĩ Thúy Nga trên Facebook

Trước đó, nghệ sĩ này cũng có một status (dòng trạng thái) đề cập đến một diễn viên đang vướng vào scandal tình - tiền là Angela Phương Trinh. Thúy Nga viết: “Em trẻ, em đẹp nên trai cho em 6 tỉ. Chị già, chị xấu nên trai lấy của chị 6 tỉ. Nghĩ lại tức hộc máuuu!”.

Chia sẻ lý do vì sao chọn facebook là nơi giãi bày mọi chuyện, nghệ sĩ Thúy Nga nói: "Tôi nghĩ, facebook là một mạng xã hội đang rất phát triển. Khi tôi công khai chuyện này lên facebook thì đó là cách nhanh nhất để bạn bè và fan hâm mộ hiểu rõ và chia sẻ. Từ đó, báo chí sẽ có thông tin chính xác nhất để truyền tải thông tin đến độc giả. Với lại tôi thấy hiện nay các báo đều cạnh tranh thông tin với nhau, nên tôi muốn đăng lên facebok đầu tiên để các báo cùng có thông tin cùng lúc, đăng tải cùng lúc, chính xác nhất".

Lại nói về chuyện Angela Phương Trinh và một vị bác sĩ thẩm mỹ. Vài ngày sau khi cuộc thi  Bước nhảy hoàn vũ mà Angela Phương Trinh là thí sinh mở màn, trên Facebook một bác sĩ thẩm mỹ đã đăng những dòng tâm sự chia sẻ chuyện tình yêu của mình và nữ diễn viên.

Sau đó, Angela Phương Trinh cũng đôi lần trả lời trên các phương tiện truyền thông về mối quan hệ này. Cả Anglela Phương Trinh và vị bác sĩ đều đưa ra bằng chứng là những tin nhắn qua lại giữa hai bên, một người để chứng minh mối quan hệ mặn nồng là có thật, một người lại khẳng định rằng đã chấm dứt tình yêu.

Những chia sẻ của một bác sĩ thẩm mỹ trên trang cá nhân dành cho Angela Phương Trinh

Cách đây không lâu, cựu người mẫu, diễn viên Vĩnh Thụy cũng chia sẻ trên trang cá nhân về số tiền lấn cấn giữa anh và người mẫu Doãn Tuấn.

Vĩnh Thụy cho rằng mình đang phải “cay đắng nhắc lại kỷ niệm ở một tình thế chẳng đặng đừng như thế này”.

Sau đó, cả Doãn Tuấn và vợ mình là ca sĩ Quỳnh Nga cũng đăng trên trang cá nhân những dòng chia sẻ phủ định điều Vĩnh Thụy nói.

Facebook của cựu người mẫu Vĩnh Thụy chia sẻ câu chuyện về Doãn Tuấn

Khi người nổi tiếng tham gia các chương trình truyền hình thực tế mang tính thắng - thua, không ít lần qua trang cá nhân của họ, khán giả biết được những điều mà ban tổ chức chương trình không hề đề cập đến như chuyện nhà sản xuất không công bằng, ưu ái một vài thí sinh nào đó hoặc chuyện biên tập quá tay, làm sai lệch bản chất sự việc…

Tố nhau có giải quyết được vấn đề?

Chia sẻ về câu chuyện người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để tố nhau, Th.S Đào Lê Hòa An, phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, cho rằng trang cá nhân là của mỗi người, chính họ sẽ quyết định điều mình đăng tải là gì, có ảnh hưởng ra sao đến những người khác.

Bên cạnh đó, trang cá nhân của người nổi tiếng có rất nhiều người theo dõi và đó cũng là một kênh xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân. Vì thế, việc lựa chọn đăng tải bất cứ điều gì cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

>> Th.S Đào Lê Hòa An 

Khán giả, những người luôn mong muốn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật hay, đôi khi lại bị cuốn vào những câu chuyện bên lề của người nghệ sĩ mà họ yêu mến.

Nhiều độc giả cho rằng những chuyện tố qua tố lại trên Facebook không phù hợp lắm với những người được gọi là của công chúng.

Bạn đọc Khuyên Phạm chia sẻ: “Dù biết họ có cuộc sống riêng, cũng cần có một nơi để chia sẻ quan điểm, bộc lộ cảm xúc, nhưng rõ ràng có nhiều cách để giải quyết những mâu thuẫn về tình yêu, tình đồng nghiệp, tiền bạc… chứ không phải cái gì cũng cho lên Facebook cho thỏa cơn giận”.

>> Khuyên Phạm

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng trang cá nhân là cuộc sống riêng của mỗi người, dù có là người nổi tiếng đi chăng nữa thì cũng có những hỉ, nộ, ái, ố bình thường. 

Bạn đọc Trần Long bày tỏ: “Mình thấy chuyện nghệ sĩ tố nhau là vì họ “tức nước vỡ bờ” chứ người nổi tiếng nào lại chẳng muốn giữ hình ảnh”.

>> Trần Long 

Một độc giả khác cho rằng mình đã theo dõi khá nhiều những vụ tố nhau trên Facebook nhưng “hầu như chẳng thấy vụ nào được giải quyết êm đẹp. Chỉ thấy người tố nói một đằng, người bị tố cũng “trả đũa” lại một nẻo rồi lại lôi nhau lên báo. 

Th.S Đào Lê Hòa An cho rằng việc “nói qua nói lại” trên mạng xã hội sẽ đẩy sự việc đi xa và có sự tham gia bàn tán, góp ý, thậm chí là khích bác, giật dây của rất nhiều người không liên quan.

>> Th.S Đào Lê Hòa An 

Theo Th.S Đào Lê Hòa An, cũng có những người sử dụng chuyện đời tư, những mâu thuẫn cá nhân như một chiêu trò nhằm hâm nóng tên tuổi của mình và đối phương được nhắc đến.

>> Th.S Đào Lê Hòa An 

Ngoài những bức xúc cá nhân khiến nghệ sĩ phải đưa câu chuyện đời tư của mình lên trang cá nhân tìm hướng giải quyết, đâu đó vẫn còn những người sử dụng chuyện đấu tố nhau để hâm nóng tên tuổi, đánh bóng bản thân bằng những thứ không thuộc phạm trù tài năng hay nghệ thuật.

Câu hỏi đặt ra là liệu có người nghệ sĩ nào lại muốn được khán giả nhớ đến chỉ bằng những điều bên lề cuộc sống thay vì những sản phẩm nghệ thuật?  

Bạn đọc Trần Long cho rằng ở góc độ khán giả, họ cần những tác phẩm nghệ thuật hay chứ không muốn nhớ đến nghệ sĩ vì những xì căng đan của họ.

>> Trần Long 

Liên quan đến việc xử lý người có hành vi “nói xấu”, bêu rếu người khác trên trang mạng xã hội Facebook mà những thông tin này là bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác, những hành vi này là vi phạm pháp luật và hiện nay pháp luật nước ta có đủ các chế tài để xử lý đối với người có hành vi nêu trên.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

- Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại khoản 3 Điều 66 nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000 đồng.

- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc phạm tội đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1- 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10i triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Trong đó, hành vi bịa đặt được hiểu là việc tự nghĩ ra một điều gì đó không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Còn hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt là trường hợp tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sao chép làm nhiều bản gởi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), kể lại cho người khác nghe, đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên Facebook...

- Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật dân sự 2005, người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu rếu, nói xấu trên Facebook có quyền yêu cầu yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

LS Nguyễn Văn Hậu

(phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên