12/08/2018 10:17 GMT+7

Sao lòng tự trọng không thể lớn hơn chuyện điểm số?

PHẠM VĂN VŨ
PHẠM VĂN VŨ

TTO - Những ngày qua, càng đọc những tin tức về gian lận thi cử, tôi lại càng nhớ những học trò cũ của mình - những người mà tôi đã học được nhiều điều trong những năm còn đi dạy.

Sao lòng tự trọng không thể lớn hơn chuyện điểm số? - Ảnh 1.

"Xin thầy đừng cho em được học lực giỏi!"

Năm học 2012-2013, đã vào cuối học kỳ II, tôi thông báo điểm tổng kết năm học cho học sinh lớp mình chủ nhiệm để tự các em kiểm tra, so sánh xem có sai sót nhầm lẫn gì không trước khi các thầy cô tổng kết vào sổ điểm cả năm học. 

Vẫn như thường lệ, một vài cô cậu nhăn mặt than vãn với thầy rằng kết quả này thì bố mẹ cho "ăn đòn" rồi, nhiều em cười toe toét hớn hở khoe thầy năm nay kết quả của em cao... Chuyện sẽ không có gì đáng kể nếu chỉ có vậy. 

Một cô học trò không chút băn khoăn tiến lên bàn thầy nêu ý kiến. Cô học trò thẳng thắn nói với tôi rằng xin thầy đừng cho em học lực giỏi, em chỉ được mức trung bình khá là hợp lý. Tôi trực tiếp dạy em, nên hiểu ngay rằng điều em nói cũng là... hợp lý.

Chuyện là một số thầy cô giáo đã vì áp lực chỉ tiêu kết quả dạy học mà nhẹ tay, ra đề dễ đi một chút, chấm điểm nâng lên một chút, cứ thế mỗi người mỗi lần nâng một chút và cô học trò kia chỉ học trung bình khá nhưng điểm tổng kết đạt loại giỏi.

Vấn đề đáng nói là chính bản thân em học sinh đó, chứ không phải ai khác, đã tự lên tiếng từ chối kết quả. Một sự từ chối quá can đảm và đàng hoàng mà nhiều thầy cô của các em cũng chưa làm được như thế. 

Đấy như một câu trả lời thể hiện thái độ rất rõ ràng của người học đối với những người dạy đang thiếu nghiêm túc, mà nói đúng là thiếu trách nhiệm, vô nguyên tắc.

Thật tiếc là đến giờ tôi cũng không được biết thông tin gì về cô học trò ấy, không biết em làm công việc gì, cuộc sống ra sao. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn tin một bạn trẻ như thế sẽ sống vững vàng.

"Thầy công nhận là em vui rồi"

Khoảng năm 2010-2011, cũng vào cuối năm học, một học sinh buồn bã nói với tôi rằng em thấy mình làm bài thi học kỳ tốt nhưng thông báo kết quả chỉ được 5 điểm môn văn. 

Là người đã đọc rất kỹ những bài viết của em trên lớp hằng ngày cũng như qua quá trình trao đổi các bài học, tôi biết năng lực và tư duy của em rất tốt, bị điểm số như vậy là hơi khó hiểu. Vậy nhưng khi tôi bảo em làm đơn xin nhà trường cho phúc khảo xem cụ thể thế nào thì em đã từ chối luôn. 

Cô học trò mới lớp 10, vừa 16 tuổi, nói rành rọt và chân thành rằng em được thầy công nhận là vui rồi, điểm số kia cũng không thành vấn đề.

Với tư cách là giáo viên bộ môn của em, tôi đã chủ động đề nghị nhà trường cho phúc khảo trường hợp này. Kết quả chấm lại, bài thi của em được 8,5 điểm. 

Em có bày tỏ rằng thấy vui nhưng phiền hà cho các thầy cô quá, thực ra cũng không cần thiết. Tôi không nói gì, nhưng thực lòng thấy rất trân trọng cô học trò "già trước tuổi" bởi cách nghĩ và hành xử rất "người lớn".

Đúng như dự đoán và mong muốn của tôi, em học sinh ấy đã rất trưởng thành. Hiện nay, em đang sống và làm việc một cách tự tin, đàng hoàng ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Lòng tự trọng xa xỉ thế sao?

Nghĩ đến học trò cũ của mình với những câu chuyện lớn hơn chuyện điểm số, tôi muốn đặt câu hỏi với những người liên quan đến gian lận và sai phạm trong thi cử vừa rồi.

Các em học sinh! Các em có biết trước là mình sẽ được nâng điểm thi không? Các em có bao giờ nghĩ và nói với cha mẹ là nên dừng chuyện đó lại không? Các em thấy sao khi mình chiếm mất cơ hội của những bạn khác xứng đáng hơn? Các bạn ấy cũng đang rất mong, rất cần đấy - ai chẳng mong, chẳng cần! Các em định sau này ra đời sẽ sống bằng điểm hay bằng gì?

Các bậc cha mẹ! Các vị có hỏi ý kiến con khi tìm cách lo lót nâng điểm cho chúng không? Nếu tình huống ngược lại, con nhà hàng xóm được nâng điểm và đỗ ĐH, con các vị vì không được nâng điểm nên trượt, các vị sẽ nghĩ gì và làm gì?

Khi giáo huấn cho con cái, các vị thường nói về điều gì? Có bao giờ các vị dám nói với chúng về sự thành thật và biết nói với chúng về lòng tự trọng không? Các vị muốn sau này con cái của mình sống bằng điểm, hay sống nhờ bàn tay o bế của cha mẹ mãi, hay sống bằng gì?

Các thầy cô giáo và những người làm giáo dục gian lận! Các vị thấy rằng sai phạm của mình đã và sẽ gây ra những hậu quả gì? Các vị làm điều này lần đầu tiên hay đã nhiều lần rồi?

Có phải ngày trước các vị cũng nhờ gian lận nên mới có bằng cấp, mới có vị trí như hôm nay để bất chấp trách nhiệm, nguyên tắc, tự trọng và lương tri?

Bị yêu cầu nâng điểm xét tuyển, các trường phản đối gay gắt Bị yêu cầu nâng điểm xét tuyển, các trường phản đối gay gắt

TTO - Nhiều trường cho rằng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học tốp trên công bố lại điểm xét tuyển cao hơn mức hiện tại là bất hợp lý, trái luật.

PHẠM VĂN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên