Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV - Ảnh: TTXVN
Sau phiên thảo luận ngày 8-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định dời kế hoạch thông qua luật này vào kỳ họp cuối năm 2018 đến kỳ họp giữa năm 2019 để lấy ý kiến rộng rãi.
Ngày xưa thi nghiêm túc hơn
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, GS.TS Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - khẳng định giáo dục phổ thông là một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) lần này.
Ông cho biết trước yêu cầu của thực tiễn, vấn đề về thi tốt nghiệp THPT đặt ra yêu cầu phải xem xét lại quy định hiện hành và đang có hai luồng ý kiến.
Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục bậc cao hơn tổ chức tuyển sinh.
Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi, mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.
Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
"Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng tổ chức thi mà 98% đỗ thì có nên thi hay không? Nên chăng chỉ tổ chức xét tốt nghiệp. Nhiều cán bộ ngành giáo dục cũng đề xuất như vậy. Có một băn khoăn cần đặt ngược lại là nếu không tổ chức thi thì việc dạy và học có được như hiện nay hay không?
Tôi nghĩ rằng nếu Bộ GD-ĐT khẳng định là bỏ thi mà công tác dạy và học vẫn nghiêm túc, vẫn chất lượng như vậy thì nên ủng hộ quan điểm bỏ thi vì tổ chức một kỳ thi rất là tốn kém" - trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích.
Bà Hải bình luận: "Tôi từng giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội 15 năm, đi chấm thi nhiều năm, tôi thấy việc để các trường tự tổ chức thi, chấm thi và chọn lọc sinh viên cho mình nên rất nghiêm túc, các học sinh thi ĐH cùng phòng vì phải cạnh tranh nhau nên thi cũng nghiêm túc.
Tôi nghĩ rằng sự nghiêm túc trong thi ĐH trước đây đã không được áp dụng tốt trong kỳ thi quốc gia vừa qua, đặc biệt là khi giao về địa phương. Tôi ủng hộ thi 2 trong 1, nhưng việc tổ chức như hiện nay thì tôi rất băn khoăn".
Bà Hải đề nghị nên nghiên cứu thêm phương án thứ 3, đó là vừa tổ chức kỳ thi quốc gia làm nền tảng cho tuyển sinh ĐH, nhưng các trường ĐH nếu muốn vẫn có quyền tuyển sinh riêng.
Thí sinh tranh thủ ôn bài trước giờ thi tổ hợp môn KHXH kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Xã hội đồng thuận mới thông qua luật
"Vừa qua tổ chức thi tại địa phương thì thấy rất phức tạp, phát hiện những vi phạm rất nghiêm trọng" - tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề.
Ông Phúc kiến nghị: "Tôi nghĩ rằng cần cân nhắc thật kỹ, lắng nghe thêm ý kiến nhân dân, các chuyên gia. Chúng ta không nên vội vàng thông qua luật ngay tại kỳ họp cuối năm nay".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình: "Đây là vấn đề tác động xã hội rất lớn, nên cần lấy ý kiến xã hội rộng rãi. Chúng ta đã có Luật trưng cầu ý dân, cần lấy ý kiến rộng rãi để khi quyết định thì Quốc hội quyết đúng với ý dân".
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì "đề nghị dự án luật này vẫn đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay nhưng cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, để đến kỳ họp giữa năm 2019 Quốc hội mới xem xét thông qua".
Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Tôi đề nghị sau khi nghe Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới, giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân (như với Luật đất đai trước đây), sau đó tiếp thu ý kiến nhân dân và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019".
Sau khi chủ tọa đã kết luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vẫn giơ tay xin nêu ý kiến. Ông "xin tiếp thu hết" ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật.
Đồng thời "xin nêu nguyện vọng được lùi đến kỳ họp thứ 7 (bỏ qua kỳ họp cuối năm 2018 - kỳ họp Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - PV) để trình Quốc hội xem xét sau khi đã tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, lúc đó sẽ chuẩn bị rất chắc chắn".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng việc lùi thời gian thông qua dự án Luật giáo dục (sửa đổi) là "rất sáng suốt", bởi việc sửa đổi toàn diện luật này là nhiệm vụ quan trọng, cần có thời gian thảo luận kỹ.
Ghi nhận nguyện vọng của bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định có hay không bỏ qua việc trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2018, mà yêu cầu Chính phủ "vẫn phải khẩn trương hoàn thiện dự án luật".
Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, do đã được chuẩn bị đảm bảo yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2018.
Cử tri cần giáo dục ổn định
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu: "Trước đây, từ các bộ trưởng đang ngồi ở đây chúng ta đều thi hai kỳ, đó là thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH nhưng chất lượng đều tốt đấy chứ.
Đó là trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, kinh tế còn hạn chế. Vậy tại sao hiện nay khi điều kiện tốt hơn, đổi mới liên tục mà gia đình, rồi các em học sinh lại băn khoăn vì thiếu ổn định. Sách giáo khoa cũng vậy, ngày xưa tôi học xong mấy năm sau đến em tôi học lại sách giáo khoa ấy vẫn tốt.
Bây giờ chúng ta cứ thay đổi nhiều như vậy, rất vất vả. Tôi đề nghị cần tiếp thu kinh nghiệm tốt của nước ngoài, phải ổn định chương trình sách giáo khoa, ổn định thi cử, tránh tâm lý hoang mang cho xã hội".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đi tiếp xúc cử tri thì thấy cử tri đòi hỏi phải có một nền giáo dục ổn định.
"Chúng ta cứ liên tục đổi mới, sách giáo khoa cũng thay đổi thường xuyên, thi cử cũng vậy, rất tốn kém. Đổi mới là cần thiết nhưng phải có tính ổn định, chứ đừng để không biết năm nay thi làm sao, năm sau thi thế nào. Tuy nhiên, nói như vậy không phải phủ nhận những thành quả của nền giáo dục, mà là để hướng đến cái tốt hơn, ổn định hơn" - chủ tịch Quốc hội nói.
Học sinh phổ thông không phải học ngày thứ bảy
"Hiện nay, thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch học vào ngày thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên, do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật.
Vì vậy, thường trực ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia các hoạt động của gia đình và cộng đồng".
GS.TS PHAN THANH BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận