24/11/2016 11:29 GMT+7

Sao lại xem thường hai chữ 'quốc phục' đến vậy?

NGUYỄN DUY XUÂN
NGUYỄN DUY XUÂN

TTO - Có thể xem bộ trang phục có một không hai này của nhà thiết kế Lê Long Dũng là một sáng tạo của cá nhân ông, nhưng xin đừng gắn cho nó những chữ "quốc phục" hay "trang phục dân tộc".

Bộ "quốc phục" Sen vàng Việt Nam - Ảnh: T.L.

Xung quanh bộ trang phục "Sen vàng Việt Nam" của nhà thiết kế Lê Long Dũng dự thi Hoa hậu siêu quốc gia 2016, nhiều bạn đọc cho rằng có điều gì đó sai sai khi gọi đây là quốc phục.

Thậm chí có ý kiến cho rằng các nhà quản lý văn hóa nên lên tiếng về chuyện này bởi không thể đem sáng tạo cá nhân áp đặt cho cả quốc gia.

Dưới đây là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Duy Xuân gởi đến Tuổi Trẻ Online phản hồi về việc này..

Dư luận mấy ngày qua rộ lên chuyện bộ trang phục mang tên "Sen vàng Việt Nam" của nhà thiết kế Lê Long Dũng dành cho siêu mẫu Dương Nguyễn Khả Trang dự thi Hoa hậu siêu quốc gia 2016.

Theo nhà thiết kế Lê Long Dũng, bộ "quốc phục" này là sự "kết hợp vẻ đẹp truyền thống xưa và những nét mới mẻ của thời hiện đại".

Còn dư luận thì quan tâm, bàn tán đến cái sự "độc" của "quốc phục": Cao hơn 3m, đuôi áo dài hơn 3,5m, nặng 45kg với đủ hình khối, hoa văn, màu sắc lòe loẹt.

Ai quy định đó là "quốc phục"? Mấy ông nghệ sĩ vẽ bậy vẽ bạ ra đó rồi chụp hình đăng báo rồi nói quốc phục. Sao lại xem thường hai chữ "quốc phục" đến vậy?

Phan Nam

Về phần mình, tôi đã cố xem kỹ bộ trang phục qua ảnh cũng như clip biểu diễn của người mẫu mà vẫn không thể nào cảm nhận được cái mà nhà thiết kế gọi là sự "kết hợp giữa sự mạnh mẽ của cha Lạc Long Quân và mềm mại, thanh thoát của mẹ Âu Cơ" để hi vọng hiểu được phần nào ý tưởng cao cả của ông khi "kết hợp vẻ đẹp truyền thống xưa và những nét mới mẻ của thời hiện đại".

Còn độc giả thì hầu hết đều nhất trí cho rằng VN làm gì có "quốc phục" kiểu như thế, cho dù là cách điệu đi chăng nữa.

Có lẽ dư luận đã phản ứng đúng dù đã đọc, đã học về lịch sử, văn hóa dân tộc nhưng mấy ai thấy ở đâu lối trang phục diêm dúa, lòe loẹt, nặng nề như thế ngoài sân khấu tuồng chèo, cải lương?

Thời vua Hùng thì không thể có, về sau này càng không có. Có độc giả còn bình luận vui: "Nhà thiết kế là một game thủ chuyên sâu, nhiễm game võ lâm... nặng lắm đây!".

Cách tân, sáng tạo rất đáng hoan nghênh. Nhưng cách tân, sáng tạo trong trường hợp này phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, không làm biến dạng, méo mó hoặc lai căng thì cách tân, sáng tạo mới đem lại giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ đích thực.

Có thể xem bộ trang phục có một không hai này của nhà thiết kế Lê Long Dũng là một sáng tạo của cá nhân ông nhưng xin đừng gắn cho nó những chữ "quốc phục" hay "trang phục dân tộc".

Sự tùy tiện trong việc sử dụng những cụm từ này vô hình trung làm méo mó những giá trị quốc hồn, quốc túy mà ông cha đã tạo ra từ hàng ngàn năm nay.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, ngoài những cụm từ như "quốc phục", trang phục dân tộc", còn những từ ngữ đao to búa lớn nào hiện nay bị sử dụng tùy tiện? Cách thức trị tận gốc căn bệnh này?

Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

NGUYỄN DUY XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên