Tôi có nhiều lần tiếp xúc với các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở các nhà mở, mái ấm. Ở đó có những gương mặt u buồn và có lần tôi được hỏi một câu không dễ trả lời. Tại sao nhiều người lớn hay bực dọc, quát tháo, đánh đập, thậm chí bỏ đói trẻ em? Vì sao có những ba mẹ không yêu thương, ôm ấp em như những bạn khác?
Chúng tôi không thể nào ngăn được nước mắt khi nghe một số em thốt ra những câu hỏi ấy. Có em kể rằng sau khi ba mình bỏ đi với người phụ nữ khác, mẹ trở nên cay nghiệt hơn, dễ buông lời mắng chửi, em cố gắng ngoan hơn, không làm mẹ buồn thêm nhưng mẹ không nguôi những cơn giận.
Có em vì ba mẹ vay nợ lãi cao, ngày nào cũng nơm nớp lo sợ ngày mai không có cơm ăn, không được ngủ ngon giấc, cun cút đi bán vé số, phụ mẹ bày hàng xén ở chợ. Vậy mà em vẫn là "thùng rác" hứng những cơn giận dữ của mẹ vì thất bại của cha mỗi đêm.
Hỏi về ước mơ, có em đã tỉnh bơ bày tỏ mơ ước trở thành sát thủ. Hỏi ra mới biết em sống và chứng kiến bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên, cha đánh mẹ và em cũng bao lần là nạn nhân. Có em chỉ ước mơ được gặp mẹ, được mẹ ôm. Hầu hết em nào cũng thích nghe những lời nói nhẹ nhàng, động viên, khích lệ mỗi khi làm được điều gì đó tốt.
Những điều đơn giản vậy nhiều khi là xa xỉ với nhiều trẻ em vẫn đang sống cùng cha mẹ. Người lớn, một số ít người tâm tính hung dữ nhưng cũng không ít người cuộc sống không như ý, bao bực dọc, tức tối được dồn sang con trẻ. Họ đánh, chửi, nói lời xúc phạm con trẻ như một thói quen, chuyện bình thường trong nhà.
Ở những gia đình ấy không có khái niệm quyền trẻ em và cả ý thức pháp luật cũng thiếu. Không ít người đánh con tàn bạo bao lần vẫn không ý thức đó là chuyện phạm pháp, có thể bị xử tù.
Thực tế, người lớn có nhiều thương tổn mà cuộc đời với những thử thách nghiệt ngã đã làm họ mất đi thấu cảm dành cho con trẻ. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ, một gia cảnh đầy bạo lực, nợ nần..., người trong cuộc có thể mang trong lòng những gánh nặng tâm lý và trẻ con có thể hứng chịu thiệt thòi.
Phía sau câu chuyện bạo hành trẻ em là những người lớn không bình thường về tâm lý và hạn chế hiểu biết pháp luật.
Những video clip bạo hành trẻ em gần đây đã tố cáo thực trạng bạo hành trẻ em. Nhưng ngoài việc ghi hình cần nhiều cách lên tiếng khác, nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như thay vì thờ ơ trước một trận đòn của gia đình hàng xóm, mọi người có thể chọn cách can thiệp như nước ngoài: gọi người thi hành pháp luật đến, được không? Và cơ quan chức năng có thể can thiệp hoặc xử lý ngay không? Trẻ em có thể làm gì để được bảo vệ theo đúng luật?
Những điều này vẫn còn xa xôi. Cần những thay đổi ý thức pháp luật, không chỉ với những người quen thói bạo hành mà còn là cách nhìn của cả xã hội và sự nghiêm minh của pháp luật về việc này.
Khoảng trống quá lớn
Một người cha đánh con 4 tháng tuổi của mình đến xuất huyết não, gãy chân (TP.HCM)... Một đứa trẻ 3 tuổi lìa đời sau nhiều trận đòn của cha mẹ (Hà Nội). Ngày 28-5, trên mạng xuất hiện đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông ở Sóc Trăng đang trói, đánh đập tàn nhẫn con gái 6 tuổi của mình.
Ngày 29-5, người dân phát hiện một bé gái bị trói hai tay vào thùng một chiếc xe tải đậu ngay bên lề đường ở Quảng Bình, bên cạnh là tấm bìa cứng có ghi chữ "phạt trộm", đó là cách phạt của mẹ và ông ngoại cháu đã làm.
Những vụ bạo hành tiếp nối nhau và sẽ còn tiếp diễn. Có nhiều nguyên nhân, song trước hết vẫn còn quan niệm về "dạy" con bằng đòn roi ăn sâu khiến một số người lớn coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường.
Chúng ta không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em. Nhiều quy định pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang hoàn thiện. Nhưng từ văn bản đến những thay đổi thực tế là khoảng trống quá lớn.
CHUNG THANH HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận