14/07/2011 07:40 GMT+7

Sao lại tiếp tục thu phí cầu Cỏ May?

ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN
ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN

TT - Đến hết ngày 18-7-2011, trạm thu phí cầu Cỏ May (quốc lộ 51 đi Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ kết thúc thu phí theo hợp đồng BOT. Nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại đồng ý cho Công ty TNHH Hải Châu (nay là Tập đoàn Hải Châu - chủ đầu tư cầu Cỏ May) kéo dài thêm thời hạn thu phí, khiến dư luận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất bất bình...

Ngày 16-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có công văn trả lời UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc kéo dài thời gian thu phí cầu Cỏ May. Trước đó, ngày 13-11-2009 bộ cũng có công văn “đồng ý tính toán điều chỉnh thời gian thu phí cho nhà đầu tư do mất nguồn thu phí xe máy từ ngày 25-4-2006 theo nghị định 24/2006 của Chính phủ”.

Lý do không thuyết phục

"Điều chúng tôi muốn nói là Nhà nước đã đầu tư gần 70km quốc lộ 51 và xây hàng chục cây cầu trên tuyến đường này nhưng chỉ đặt một trạm thu phí. Trong khi đó, nhà đầu tư chỉ xây một chiếc cầu Cỏ May nhỏ nhưng có mức thu phí cao hơn so với tuyến quốc lộ 51"

Theo Bộ GTVT, việc không thu phí xe máy khi đi qua các trạm thu phí là “yếu tố bất khả kháng do khách quan đưa lại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến số thu hoàn vốn” của nhà đầu tư. Với lý do này, bộ đồng ý kéo dài thêm thời hạn thu phí cầu Cỏ May. Đáng chú ý, trong văn bản ngày 16-6 Bộ GTVT còn nêu rõ: “Trong trường hợp nhất thiết phải dừng thu phí, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xử lý nguồn vốn hoàn trả cho dự án”.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến ngày 18-7, trạm thu phí cầu Cỏ May đã kéo dài thời hạn thu phí tới 12 năm một tháng. Ban đầu, thời hạn thu phí cầu Cỏ May được cho phép hơn tám năm. Nhưng sau đó, do chủ đầu tư tăng chi phí từ 78 tỉ lên 113 tỉ đồng nên thời gian thu phí đã được Bộ GTVT gia hạn lên 12 năm một tháng (145 tháng). Dự án này cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo...

Đã thu hồi vốn từ... năm 2005

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến tháng 6-2011 tổng lợi nhuận sau thuế của chủ đầu tư xấp xỉ 250 tỉ đồng. Từ năm 2005, chủ đầu tư cầu Cỏ May đã thu hồi đủ số vốn đầu tư là 113 tỉ đồng. Một cán bộ của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết chi phí khấu hao tài sản và chi phí lãi suất ngân hàng được Nhà nước chấp nhận tính vào chi phí trước thuế cho chủ đầu tư. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện hằng ngày có xấp xỉ 10.000 lượt xe qua trạm. Vào những dịp lễ tết, con số này tăng gấp rưỡi, có lúc gấp đôi.

Phân tích bảng chiết tính các khoản thu của trạm thu phí cầu Cỏ May, một cán bộ có trách nhiệm của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết: “Cách đây hơn mười năm dự án cầu Cỏ May cũng như các dự án đầu tư BOT khác chỉ khống chế thời gian thu phí mà không khống chế mức lợi nhuận của nhà đầu tư. Do đó đã xảy ra trường hợp dự án thu phí đường Trường Sơn (đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM) do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư chỉ hơn ba năm thu phí đạt mức lợi nhuận cao và dù chưa hết hạn thu phí UBND TP.HCM vẫn yêu cầu dẹp bỏ trạm thu phí này.

Qua số liệu của ngành thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi cho rằng nhà đầu tư cầu Cỏ May đã đạt được lợi nhuận quá cao. Do đó, các cơ quan thẩm quyền cần xem xét kỹ ở hợp đồng BOT của cầu Cỏ May, nếu nhà đầu tư đã đạt được mức lợi nhuận như trong dự báo của phương án thu phí giao thông thì nên chấm dứt thu phí”. Trong khi đó, ông Đặng Phúc Chỉnh, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói: “Tôi không đồng tình với việc kéo dài thời gian thu phí cầu Cỏ May, bởi điều đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Theo luật sư Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, lâu nay nhiều doanh nghiệp than phiền công trình xây dựng cầu Cỏ May có vốn đầu tư không lớn nhưng thời gian thu phí kéo quá dài gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp. “Tôi cho rằng đã hết thời hạn thu phí ở trạm thu phí cầu Cỏ May thì nhà đầu tư cũng cần chấm dứt việc thu phí ở trạm này” - ông Chung nhấn mạnh.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của trạm thu phí cầu Cỏ May Đơn vị tính: tỉ đồng (lấy tròn số)

Năm<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Doanh thuchưa thuế

Lợi nhuận sau thuế

Ghi chú

1999

13,40

4,40

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

2000

26,80

17,20

Miễn thuế TNDN

2001

29,70

22,60

Miễn thuế TNDN

2002

34,10

24,40

Miễn thuế TNDN

2003

38,18

20,40

Miễn sáu tháng,giảm 50% sáu tháng

2004

39,66

16,10

Giảm 50%

2005

37,78

14,70

Giảm 50%

2006

34,26

12,48

Giảm 50%

2007

39,04

17,90

Giảm 50%

2008

35,48

21,20

Giảm 50%

2009

42,13

29,28

Giảm 50%

2010

53,50

36,60

Giảm 50%

2011(ước tính)

22,80

17,03

Tổng cộng

446,83

254,29

Nguồn: Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu

Phí ôtô qua cầu Cỏ May cao hơn trạm khác

Giá vé xe bốn chỗ qua trạm thu phí cầu Cỏ May là 12.000 đồng/lượt, cao hơn trạm Long Thành 2.000 đồng, giá vé xe 16 chỗ cao hơn 1.000 đồng (16.000 đồng/15.000 đồng). Ở trạm Cỏ May chỉ có giá vé xe container thấp hơn trạm khác 1.000 đồng (15.000 đồng/16.000 đồng) nhưng hằng ngày không có xe container về Vũng Tàu.

Theo ông Lê Văn Huệ - giám đốc Công ty dịch vụ du lịch vận tải Hoa Mai, do trạm thu phí cầu Cỏ May không chịu bán vé tháng nên mỗi tháng công ty ông phải mất trung bình gần 1,5 triệu đồng tiền phí/xe. Cụ thể, trung bình mỗi ngày một chiếc xe khách 16 chỗ của Công ty Hoa Mai đi qua trạm Cỏ May bốn lượt, mỗi lượt phải mua vé 16.000 đồng thì một tháng phải tốn hết 1,92 triệu đồng/xe. Trong khi đó, cùng trên tuyến quốc lộ 51, trạm thu phí T1 (Long Thành, Đồng Nai) bán vé tháng một xe 16 chỗ chỉ 450.000 đồng.

ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên