Phóng to |
Vô tư hút thuốc cạnh bảng cấm ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
*Khách mời buổi giao lưu gồm:
Ông NGUYỄN HUY QUANG - Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế
Ths Bác sĩ LÊ KHẮC BẢO - Phó Khoa Hô hấp BV ND Gia Định TP.HCM, chuyên gia tư vấn về phòng chống nguy cơ bệnh tật từ thuốc lá.
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
* Luật đã có hiệu lực, vậy cơ quan nào được phép xử phạt người vi phạm? Việc xử phạt có được thực hiện thường xuyên, liên tục như xử phạt vi phạm giao thông không? (Hoàng Văn Hữu, 45 tuổi, hoanghuulc@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt là Thanh tra y tế, công an, quản lý thị trường, và UBND các cấp.
Do tính chất, mức độ vi phạm giữa vi phạm Luật giao thông và vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá có khác nhau, nên không thể có đủ lực lượng để kiểm tra và xử phạt một cách thường xuyên, chủ yếu việc xử phạt mang tính chất răn đe, và có tác dụng giáo dục thuyết phục để người dân thực hiện là chính.
Việc hút thuốc lá tại các địa điểm cấm diễn ra khá phổ biến, trên diện rộng, và ở mọi đối tượng nên việc xử phạt cùng một lúc là rất khó khăn. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt lại không đủ, các cơ quan này cũng quá nhiều việc, vì vậy việc xử phạt không thể tiến hành thường xuyên được, mà chủ yếu dựa vào sự tự giác, ý thức pháp luật, hành vi văn hóa của người hút thuốc lá và sự nhắc nhở, cảnh báo của những người xung quanh.
Có như vậy việc chấp hành pháp luật về cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm mới từng bước được thực thi nghiêm chỉnh. Kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là các nước quanh ta trong việc xử lý vi phạm cũng vậy.
* Nếu ngày hút 1 gói thuốc lá thì tác hại như thế nào đối với bản thân và người xung quanh? Xin cảm ơn. (Giang Văn Thịnh, 31 tuổi, giangvanthinh@...)
- Bác sĩ Lê Khắc Bảo: Đối với bản thân, hút thuốc lá mang lại tác hại trước mắt và lâu dài như: hơi thở hôi, giảm khả năng gắng sức, hụt hơi, lâu dài tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư nhiều cơ quan như miệng, hầu, thanh quản, phổi, bàng quang... Đối với những người đang mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn, hút thuốc lá làm cho những bệnh này nặng lên vào đợt cấp thường xuyên hơn.
Đối với những người xung quanh, tác hại đầu tiên là gây khó chịu cho người xung quanh vì khói thuốc lá và mùi thuốc lá.
Cần biết rằng khói thuốc lá thụ động có hàm lượng chất độc nhiều hơn gấp 10 lần khói thuốc là hút chủ động. Vì thế những người xung quanh cũng có nguy cơ về sức khỏe không thua kém gì người hút thuốc lá chủ động. Những nguy cơ có thể là đối với phụ nữ có thai: sảy thai, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non.... Đối với trẻ sơ sinh: tăng nguy cơ đột tử; đối với trẻ em: tăng nguy cơ bị viêm tai giữa, hen suyễn...
* Xin liệt kê cụ thể các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn? Hút thuốc lá nơi vỉa hè, lề đường có vi phạm không? (Nguyễn Văn Thọ, 47 tuổi, ngvantho65@...)
Phóng to |
Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang (bên phải) đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc tại Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
- Ông Nguyễn Huy Quang: Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm nơi làm việc, trường CĐ, ĐH, học viện, địa điểm công cộng khác.
Luật cũng quy định những nơi bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn là ô tô, tàu bay, tàu điện. Bên cạnh đó, Luật có quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Đó là khu vực cách ly của sân bay, quan bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, và các cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy, tàu hỏa. Các nơi dành riêng cho người hút thuốc lá này phải bảo đảm cách biệt với khu vực không hút thuốc lá, có biển báo, dụng cụ chứa mẩu tàn, và các thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, người hút thuốc lá không được hút tại các địa điểm, nơi công cộng trên. Việc hút thuốc lá nơi vỉa hè, lề đường là không gian mở, nên không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, Luật cũng khuyến cáo tại các địa điểm này, các cơ quan chức năng cần bố trí các điểm để người hút thuốc lá hút tập trung và để tàn, đầu mẩu thuốc lá đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh chung, hạn chế ô nhiễm môi trường.
* Thuốc lá có lợi gì cho người hút mà người ta đã duy trì bao đời nay không bỏ được? Xin phân tích cho thấy cái lợi đó cần thiết trong cuộc sống hay không? (Nguyễn Nguyên Thông, 31 tuổi, nguyennguyenthong@...)
- Bác sĩ Lê Khắc Bảo: Thực sự hút thuốc lá, uống rượu mang lại những cảm giác hưng phấn sảng khoái nhất thời cho người sử dụng. Người ta trở nên hoạt bát, vui vẻ, thoải mái hơn khi hút thuốc lá, uống rượu...Ngoài ra còn chưa kể vô số những lý do "xác đáng" khác mà những người hút thuốc lá và uống rượu không ngừng đưa ra. Đó là những lí do biện minh cho sự tồn tại lâu dài của hút thuốc lá và uống rượu.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào việc tranh luận rằng những lí do đó đúng hay sai mà đi sâu vào việc cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và cái hại lâu dài của hút thuốc lá.
Đối với một người, vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống họ sẽ thấy cái lợi trước mắt của hút thuốc lá là lớn hơn nhiều so với cái hại về lâu dài, ví dụ như một thanh niên khi lớn lên và tập hút thuốc lá. Nhưng cũng người thanh niên này sau vài năm hút thuốc lá chứng kiến cha mình, chẳng hạn như vậy, chết vì ung thư phổi do hút thuốc lá, sẽ nhận ra rằng cái hại của hút thuốc lá lâu dài là lớn hơn rất nhiều so với cái lợi trước mắt của hút thuốc lá.
Như vậy có thể kết luận rằng cái lợi ích của hút thuốc lá có cần cho cuộc sống hay không là tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người vào từng thời điểm cụ thể trong cuộc sống. Đứng về quan điểm chung thì tác hại thuốc lá về lâu dài bao giờ cũng lớn hơn cái lợi trước mắt của hút thuốc lá.
* Làm thế nào bỏ được thuốc lá? Tôi năm nay 22 tuổi và hút thuốc từ năm 20 tuổi. Tôi muốn bỏ thuốc lá nhưng không biết làm cách nào? Mong được BS Bảo tư vấn. (Dương Minh Chức, 22 tuổi, minhchuc_nl@...)
- Bác sĩ Lê Khắc Bảo: Để có thể bỏ thuốc lá, anh cần làm những việc sau:
1. Tìm hiểu về tác hại của hút thuốc lá, lợi ích của cai thuốc lá để tăng quyết tâm từ bỏ thuốc lá.
2. Tìm hiểu về các khó chịu gặp phải khi cai thuốc lá và các biện pháp giải quyết để cai thuốc lá thành công: tăng cân, cáu kỉnh.
3. Tìm sự hỗ trợ của bác sĩ để được tư vấn thêm về các biện pháp giải quyết khó khăn khi cai thuốc lá, các thuốc sử dụng để cai thuốc lá như là: Nicotin dán, nicotin nhai, bupropion uống, varenicline uống. Đây là những thuốc đã được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo dùng để cai thuốc lá, giúp cho quá trình cai thuốc lá được diễn ra dễ dàng và hiệu quả cao hơn.
4. Để có thể có được tư vấn các biện pháp cai thuốc lá và toa thuốc cai thuốc lá, anh có thể đến các cơ sở y tế có dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá.
* Ở nhiều trường học, bệnh viện, công viên, trên tàu xe, cây xăng... người ta vẫn hút thuốc một cách bình thản. Người không hút rất bức xúc nhưng không biết phản ảnh cho ai? Ai sẽ chịu trách nhiệm xử lí việc này? Tôi là giáo viên, nhưng nói thật rất buồn vì nhiều thầy cô vẫn cấm hoặc xử lý học sinh vi phạm song thầy cô thì cứ hút vô tư. (Lê Quang Minh, 32 tuổi, kimhuynhmusic@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Các địa điểm như anh đề cập ở trên đều là các địa điểm được pháp luật quy định cấm hút thuốc lá. Như tôi đã đề cập, việc vi phạm diễn ra phổ biến, lại ở nhiều nơi, nên việc hút thuốc lá tại các địa điểm đó đòi hỏi sự tự giác của mỗi người dân.
Và nếu như các vi phạm này diễn ra thì những người xung quanh, lực lượng bảo vệ, kể cả nhân viên bán xăng đều phải có trách nhiệm nhắc nhở người hút thuốc lá đó là vi phạm pháp luật. Nếu ở đâu cũng làm như vậy thì chắc chắn việc vi phạm pháp luật về hút thuốc lá tại địa điểm cấm sẽ giảm.
Theo anh, người không hút thuốc rất bức xúc nhưng không biết phản ảnh cho ai. Trước hết, để giảm bức xúc, những người đó nên trực tiếp nhắc nhở, trao đổi với người hút thuốc lá, đồng thời phản ảnh trực tiếp với lực lượng bảo vệ, người đứng đầu các cơ quan công sở trên để chấn chỉnh.
Việc các thầy giáo hút thuốc nhưng vẫn cấm hoặc xử lý học sinh là hành vi thiếu văn hóa, không gương mẫu và đó chính là tấm gương xấu cho học sinh. Do đó, các thầy cô giáo, người đứng đầu nhà trường phải làm gương cho các cháu, có như vậy nhà trường mới thật sự là môi trường không khói thuốc.
* Mỗi ngày hút dưới 10 điếu thuốc có hại gì cho cơ thể không? (Nguyễn Thạch, 50 tuổi, phanngocthach1964@...)
Phóng to Ths Bác sĩ Lê Khắc Bảo - Phó Khoa Hô hấp BV ND Gia Định TP.HCM, chuyên gia tư vấn về phòng chống nguy cơ bệnh tật từ thuốc lá - Ảnh: Thanh Đạm
- BS Lê Khắc Bảo: Không thể chuyển sang loại thuốc lá "nhẹ", ít độc như các hãng thuốc lá quảng cáo, vì việc này không có ý nghĩa gì cả. |
- BS Lê Khắc Bảo: Hút thuốc lá gây hại cho cơ thể bất kể liều lượng hút nhiều hay ít. Như vậy cần phải rõ ràng trong tư tưởng những điểm sau đây:
1. Không thể chuyển sang loại thuốc lá "nhẹ", ít độc như các hãng thuốc lá quảng cáo, vì việc này không có ý nghĩa gì cả.
2. Không thể cai thuốc lá bằng cách giảm từ từ số lượng điếu thuốc lá hút vào được mà phải cai hoàn toàn. Việc cai hoàn toàn thuốc lá đột ngột có thể gây một số khó chịu cho người cai thuốc nhưng nếu sử dụng thuốc dán hay uống để cai thuốc lá thì các khó chịu này có thể giảm đi rất nhanh chóng, và đó cũng là cách giúp cai thuốc lá thành công có hiệu quả nhất hiện nay.
* Tại sao không cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá mà lại đi cấm hút thuốc lá? (Đinh Văn Loan, 43 tuổi, dinhvloan@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Đây là một câu hỏi hay. Ma túy, nicotin trong khói thuốc lá đều là chất gây nghiện, nhưng ở các mức độ khác nhau theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Ma túy tác động trực tiếp đến trung ương thần kinh, hủy hoại nhanh chóng sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Đồng thời hành vi của người nghiện ma túy cũng gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó chúng ta có Luật Phòng chống ma túy và không có Luật Phòng chống thuốc lá, mà chỉ có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Điều đó thể hiện sự khác nhau giữa ma túy và nicotin. Vì lý do trên, Luật không cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá, mà chỉ quy định các biện pháp làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ các nguồn cung cấp thuốc lá.
* Xin BS vui lòng cho biết làm thế nào để cai thuốc lá có hiệu quả nhất bằng phương pháp đơn giản nhất (Ngô Thành Diễn, 39 tuổi, ntdien.btr@...)
- BS Lê Khắc Bảo:Không có phương pháp nào được gọi là đơn giản nhất cho mọi người cai thuốc lá mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với từng cá nhân mà thôi.
Để có thể nhận ra được phương pháp cai thuốc lá nào là phù hợp nhất, cách hay nhất là đến gặp BS để được tư vấn. Trong quá trình tư vấn, BS thực hiện việc chẩn đoán đặc điểm nghiện thuốc lá của người được tư vấn và tùy theo đặc điểm nghiện thuốc lá này mà các biện pháp khuyến cáo sẽ thay đổi ví dụ như là:
1. Chỉ cần thực hiện việc thông báo cho mọi người xung quanh về quyết định cai thuốc lá của bản thân là đủ - biện pháp này dành cho đối tượng nghiện thuốc lá chủ yếu về nhận thức và hành vi (nghiện hành vi cầm điếu thuốc lá), không có nghiện thực thể (không nghiện chất nicotin).
2. Cần phải tập trung thực hiện chế độ ăn uống giảm cân nặng cho người cai thuốc lá bị tăng cân quá nhiều.
3. Phải sử dụng thêm thuốc cai thuốc lá dành cho người nghiện thuốc lá thực thể.
Như vậy biện pháp đơn giản nhất để cai thuốc lá hiệu quả nhất sẽ được thiết lập cùng với bác sỹ tư vấn cai thuốc lá. Không có biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất cho tất cả mọi người.
* Nơi có bảng cấm mà vẫn vô tư đốt thuốc lá, vậy vô số người lái xe 2-3 bánh trên đường phố phì phà khói thuốc và thản nhiên gạt tàn thuốc cho người đi sau lãnh đủ cả khói lẫn tàn thuốc thì ai xử lý và xử lý ra sao? Có vi phạm luật phòng chống thuốc lá không? (Vũ Huy Thao, 48 tuổi, thao_aia@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Như tôi đã đề cập trên, việc cấm hút thuốc lá chỉ được quy định ở các phương tiện giao thông công cộng là tàu bay, ô tô, tàu điện, và không quy định cấm đối với xe 2-3 bánh. Do đó, người lái xe 2-3 bánh hút thuốc lá trên đường không vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tuy nhiên, đây cũng là hành vi thiếu văn hóa và không tôn trọng người khác, nên cần phải được thông tin thường xuyên, liên tục, phù hợp với học vấn, nghề nghiệp của từng đối tượng. Nếu các hành vi này mà được người khác nhắc nhở, không vô cảm, thì chắc chắn những người lái xe hút thuốc lá trên đường sẽ cảm thấy ngượng, xấu hổ và giảm dần.
* Thưa ông, tình trạng hút thuốc hiện nay của những người nghiện thuốc càng gia tăng về số lượng và họ biết có hại nhưng vẫn hút. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? (Phạm Thị Lương, 29 tuổi...)
- BS Lê Khắc Bảo: Chính xác là những người hút thuốc lá vẫn tiếp tục hút mặc dù đa số họ đều biết thuốc lá có hại cho sức khỏe. Thậm chí những người bị tác hại do hút thuốc lá (ung thư phổi, ung thư thanh quản... vẫn tiếp tục hút.
Lý giải cho mâu thuẫn này nằm ở chỗ là nghiện thuốc lá không chỉ là thói quen mà còn là bệnh nghiện nữa. Mã số phân loại bệnh tật quốc tế phân loại nghiện thuốc lá là F.17, cùng nhóm với nghiện ma túy, nghiện rượu, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, lo âu... Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện là mặc dù biết là có hại nhưng vẩn tiếp tục làm.
Do đó đối với nghiện thuốc lá, biện pháp ngăn cấm xử phạt là chưa đủ. Nếu nghiện thuốc lá đã được xếp vào nhóm bệnh tâm thần thì cần phải được khám BS và điều trị cụ thể. Hiện nay đã có các thuốc có hiệu quả điều trị được bệnh nghiện thuốc lá như là: nicotin thay thế, bupropion uống, varenicline uống.
* Học sinh cần làm gì để phòng chống thuốc lá? (Đinh Tam, 13 tuổi, tam_phan@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Rất cám ơn câu hỏi của cháu. Đây là câu hỏi rất có trách nhiệm và tâm huyết. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để triển khai việc phòng, chống tác hại thuốc lá trong các trường học. Do đó, bản thân mỗi học sinh cần phải hiểu rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, những quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học và cùng nhắc nhở nhau để thực hiện nghiêm các quy định này.
Mặt khác, Luật cũng quy định cấm người dưới 18 tuổi hút thuốc lá, bán thuốc lá, mua thuốc lá, do đó các cháu không nên đua đòi thấy người khác hút thuốc lá mình cũng hút, nếu bố mẹ hoặc người lớn hút thuốc lá trong nhà, hoặc sai mình đi mua thuốc lá thì các cháu nên chủ động nhắc nhở cha mẹ không hút thuốc lá trong nhà hoặc từ chối không đi mua thuốc lá.
* Tôi làm tại 1 cơ quan nhà nước, hiện toàn thể ban lãnh đạo và rất nhiều anh có chức vụ tại đơn vị tôi hút thuốc, đặc biệt giám đốc đơn vị tôi 1 ngày bình quân hút 2 gói thuốc. Không khí trong cơ quan lúc nào cũng quyện mùi khói thuốc. Tôi là nhân viên thì phải xử lý ra sao. Tôi đã nhiều lần bỏ họp vì phòng họp mịt mù khói thuốc. (Vương Lan, 33 tuổi, dtvlan)
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại cơ quan, công sở. Do vậy, bất kỳ ai hút thuốc lá tại các địa điểm này cũng đều là vi phạm pháp luật, kể cả đó là giám đốc, là người đứng đầu đơn vị.
- Ông Nguyễn Huy Quang:
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại cơ quan, công sở. Do vậy, bất kỳ ai hút thuốc lá tại các địa điểm này cũng đều là vi phạm pháp luật, kể cả đó là giám đốc, là người đứng đầu đơn vị.Bên cạnh việc cơ quan đó phải triển khai việc cấm hút thuốc, thì các nhân viên cũng nên bày tỏ quan điểm của mình về những ảnh hưởng của việc hút thuốc lá trong công sở với sức khỏe của người không hút thuốc để lãnh đạo biết, điều chỉnh hành vi của mình và cùng với đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của luật.
* Thưa bác sĩ, em làm ban đêm nhiều quá, ngày hút khoảng hai bao thuốc. Xin bác sĩ cho biết làm cách nào có thể bỏ ngay lập tức thuốc lá? (Nguyễn Trường Giang, 24 tuổi, gianghatienland@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Nguyên tắc của điều trị cai thuốc lá là cai thuốc lá ngay lập tức, cai thuốc lá từ từ bằng cách giảm dần số điếu thuốc lá hút là không hiệu quả.
Tuy nhiên phải nhận thức rằng chuyển đổi từ việc đang hút đến 2 bao thuốc lá mỗi ngày sang không còn hút một điếu nào là một thách thức rất lớn đối với người cai thuốc lá.
Người cai thuốc lá trong giai đoạn đầu sẽ bị hội chứng cai thuốc lá "hành hạ": mất tập trung, cáu gắt, bực tức, mất ngủ, ăn nhiều, lên cân. Nhiều người bị hội chứng cai thuốc lá "hành hạ" nhiều đến mức họ buộc lòng phải hút trở lại thuốc lá sau một ngày.
Như vậy phải thấy rằng cai thuốc lá ngay lập tức là điều khó khăn, may mắn là y học ngày nay đã có các biện pháp điều trị để giảm nhẹ khó chịu này như là các thuốc nicotin thay thế, bupropion, varenicline uống. Kết hợp thuốc cai thuốc lá sẽ làm giảm nhẹ, thậm chí biến mất các khó chịu xuất hiện sau cai thuốc lá, làm cho cuộc cai thuốc lá trở nên nhẹ nhàng hơn là cai thuốc lá "chay".
Như vậy lời khuyên dành cho trường hợp của anh là đến gặp BS tư vấn và dùng thuốc cai thuốc lá để cai thuốc lá thành công và nhẹ nhàng hơn.
* Có ý kiến cho rằng "thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng, vừa nhiều nhiệm vụ thì lấy đâu ra người xử phạt?" Tôi nghĩ vấn đề không phải ở chỗ "vừa ít, vừa mỏng" mà vấn đề ở chỗ chính lực lượng thanh tra y tế, Ban Giám đốc Sở Y tế, và BGĐ Bệnh viện, y bác sĩ, bảo vệ bệnh viện, rồi sinh viên các trường y... cũng hút thuốc sai quy định thì Bộ y tế - thanh tra y tế xử lý ai?
Ông nghĩ thế nào về vấn đề này thưa ông Quang? (Lê Thanh Ngân, 35 tuổi, lethanhngan030605@...)
Phóng to |
Đại diện văn phòng Tuổi Trẻ tại Hà Nội trao hoa cho ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế. Ảnh: Việt Dũng |
- Ông Nguyễn Huy Quang: Như tôi đã đề cập, trong ngành y, các bác sĩ, điều dưỡng, đặc biệt là người đứng đầu ở các cơ sở y tế này hơn ai hết đều hiểu rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Hành vi hút thuốc lá sai quy định của những người này sẽ là tấm gương xấu nên cần phải được khắc phục, thậm chí phải xử lý nghiêm.
Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu người đứng đầu cơ sở y tế cả nước khẩn trương tổ chức triển khai việc cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm, vận động thầy thuốc, nhân viên y tế giảm dần và tiến tới cai nghiện thuốc lá, nếu còn nghiện thì phải hút thuốc lá đúng nơi quy định.
* Làm sao chống tái nghiện thuốc lá (Trịnh Hoàng Dũng, 48 tuổi, Trinhhoangdung@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Tái nghiện thuốc lá là một bước bắt buộc phải có trong quá trình cai thuốc lá thành công. 90% người cai thuốc lá sẽ tái nghiện thuốc lá. Tuy nhiên tái nghiện thuốc lá lại không phải là thất bại mà là một bước đệm cho thành công cai thuốc lá vĩnh viễn sau này.
Nguyên nhân và giải pháp chống tái nghiện thuốc lá gồm có:
1. Hội chứng cai thuốc lá quá nặng nề (cáu gắt, kích thích, bứt rứt, lên cân...) đặc biệt là nhừng người nghiện thuốc lá thực thể nặng (hút thuốc lá 30 điếu/ ngày, hút thuốc lá ngay khi thức dậy vào buổi sáng). Những người này sẽ bị tái nghiện sớm trong thời gian 4 - 6 tuần sau cai thuốc lá. Giải pháp là cai thuốc lá có dùng thuốc. BS sẽ phải lựa chọn liều lượng thuốc cai thuốc lá đủ mạnh để xóa bỏ tất cả các triệu chứng của hội chứng cai.
2. Tác dụng khó chịu lâu dài của quá trình cai thuốc lá - đặc biệt là tăng cân do cai thuốc lá - giải pháp là ngay từ khi bắt đầu cai thuốc lá đã phải thực hiện chế độ ăn giảm cân, vận động thể lực nhiều hơn. Cai thuốc lá bằng thuốc là một biện pháp hữu ích khống chế tăng cân do cai thuốc lá. Ngoài ra khi xuất hiện tăng cân quá nhiều lập tức phải đi tư vấn BS dinh dưỡng để điều chỉnh. Cuối cùng thì việc tăng 2-3 kg do cai thuốc lá cũng tốt hơn rất nhiều việc tiếp tục hút thuốc lá để chịu những tác hại do thuốc lá gây ra.
3. Tình huống "bất lợi" trong cuộc sống: vui, buồn, căng thẳng... giải pháp là phải chuẩn bị và ghi vào sổ tay ngay từ đầu khi khởi động cai thuốc lá những giải pháp sẽ phải làm để giải quyết mâu thuẫn, căng thẳng trong cuộc sống mà không dùng đến thuốc lá.
4. Quyết tâm cai thuốc lá giảm dần theo thời gian thực sự là lý do quan trọng làm tái nghiện. Giải pháp duy nhất là lặp đi lập lại với bản thân các lý do quyết định cai thuốc lá, những tác hại của việc hút thuốc lá trở lại
* Tại sao chúng ta không tăng thuế tiêu thụ thuốc lá lên gấp 3 lần hiện nay, vừa tăng thu ngân sách vửa giảm lượng tiêu thụ? Tại sao lại quy định giá tối thiểu bán thuốc lá quá thấp? Sao không quy định giá tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá liên doanh như "555", "Craven" bằng giá thuốc lá trong khu vực để tăng thu ngân sách, giảm chi nhập thuốc chữa bệnh?
Nhà nước có bị các doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài lobby để có chính sách giảm thấp để tăng sản lượng tiêu thụ cho các công ty nước ngoài hay không?(Long vo, 37 tuổi, nguyenlong@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Theo quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như của Bộ Y tế, việc tăng giá bán thuốc lá sẽ làm tăng khoản thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế việc tiếp cận với thuốc lá do giá thuốc cao. Hiện nay, thuế đánh vào thuốc lá là thuế tiêu thụ đặc biệt, và đang ở mức độ cao là 65% giá xuất xưởng.
Theo lộ trình mà nhà nước ta cam kết với quốc tế, việc tăng phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, bắt đầu từ 1-5-2013, bên cạnh việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá còn phải nộp khoản đóng góp bắt buộc trước mắt là 1% giá xuất xưởng, cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.
Như vậy, giá thuốc lá sẽ tăng thêm. Việc điều tiết thuế tiêu thụ đặc biệt đã được nhà nước cân nhắc, tính toán và đã có quy định phù hợp với cam kết quốc tế cũng như điều kiện thực tiễn ở VN.
* Thưa BS Bảo, tôi thường nghe nói hút thuốc lá bị hoại tử, nghĩa là sao, mức độ như thế nào thì gây hoại tử, thường hoại tử ở cơ quan nào trong cơ thể vậy? (Chân Hà, 55 tuổi, hatran65@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Hút thuốc lá sẽ gây "hoại tử" do thiếu máu nuôi đến cơ quan. Chúng ta biết là trong khói thuốc lá có nhiều chất độc có thề làm giảm máu nuôi đến cơ quan, những chất độc này làm mạch máu bị co thắt, thành mạch máu bị viêm và dày, phù nề, xơ vữa, hậu quả là lòng mạch máu bị hẹp lại.
Chất độc trong thuốc lá còn làm các tế bào máu bị đông vón lại trong lòng mạch, từ chuyên môn gọi là huyết khối trong lòng mạch máu, càng làm cho việc cung cấp máu cho cơ quan bị giảm nữa.
Các cơn quan có thể bị hoại tử do thuốc lá rất nhiều, nguy hiểm gây tử vong ngay như tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não gây nhồi máu não, không gây chết người ngay như là viêm tắc động mạch chi làm hoại tử các đầu ngón chân, ngón tay và gây rụng dần dần các ngón tay và chân.
Phóng to |
Ths Bác sĩ Lê Khắc Bảo - Phó Khoa Hô hấp BV ND Gia Định TP.HCM, chuyên gia tư vấn về phòng chống nguy cơ bệnh tật từ thuốc lá - Ảnh: Thanh Đạm |
* Thưa ông Nguyễn Huy Quang, khi triển khai công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá thì mỗi cơ quan đều thành lập Ban chỉ đạo. Vậy biện pháp nào cho trường hợp trưởng và phó trưởng Ban chỉ đạo đều là người hút thuốc lá? Trông cậy vào ý thức tự giác của người hút thuốc hay cần thêm những tác động nào để thực hiện được môi trường không khói thuốc? (Nha Trang, 40 tuổi, kimchungnt@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Luật không quy định mỗi cơ quan phải thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá, mà chỉ quy định trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tổ chức triển khai việc cấm hút thuốc tại địa điểm cấm và giao trách nhiệm ấy cho người đứng đầu.
Nếu cơ quan đó vi phạm thì người đứng đầu sẽ bị xử phạt. Luật cũng đã lường trước được việc cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm không chỉ trông cậy vào ý thức tự giác của người hút, mà phải có các biện pháp khác là thông tin, giáo dục truyền thông, là sự cam kết của từng cơ quan đơn vị, là sự nhắc nhở lẫn nhau của cán bộ nhân viên trong mỗi cơ quan, và nếu có vi phạm thì mỗi cơ quan nên có quy định riêng như trừ lương trừ thưởng hoặc phạt nội bộ thì việc thực thi luật sẽ hiệu quả hơn.
Ông Nguyện Huy Quang: người nước ngoài vi phạm pháp luật về hút thuốc lá tại địa điểm cấm vẫn bị xử phạt như người Việt Nam. |
* Luật phòng chống tác hại thuốc lá có điểm nào đề cập việc cấm du khách nước ngoài sử dụng thuốc lá trên lãnh thổ Việt Nam? Có chế tài xử phạt họ không? Nếu du khách nước ngoài vẫn muốn sử dụng thuốc lá thì có khu vực hay điểm nào dành riêng cho họ?( Đinh Văn Bá Phúc, 34 tuổi, thientoi79@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Luật không phân biệt người vi phạm là người Việt Nam hay người nước ngoài. Do đó người nước ngoài vi phạm pháp luật về hút thuốc lá tại địa điểm cấm vẫn bị xử phạt như người Việt Nam.
* Đã từng hút thuốc và đã bỏ hút từ lâu, tôi muốn góp chút ý kiến kinh nghiệm phải làm sao? Rất cám ơn(Võ Nhựt Ngộ, 84 tuổi, vonhutngo@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Xin cám ơn nhã ý muốn chia sẻ kinh nghiệm từ bỏ hút thuốc lá của bác. Để mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của bác thành hiện thực, bác có thể đến các câu lạc bộ giáo dục sức khỏe để chia sẻ cho mọi người.
Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, địa chỉ 59B Nguyễn Thị Minh Khai Q1 TP.HCM có tổ chức hoạt động truyền thông sức khỏe hô hấp cho mọi người dân. Ngày sinh hoạt gần nhất là 19-5-2013 từ 8g- 11g. Đề tài sinh hoạt lần này là: Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh hô hấp, trong đó có hút thuốc lá. Ý kiến chia sẻ của bác chắc chắn sẽ được nhiều người hoan nghênh.
* Con gái tôi còn nhỏ. Nhà tôi có người hút thuốc, sau khi hút thì tàn thuốc được đậy lại, nhưng tôi vẫn lo lắng cho con tôi. Tác hại đối với con tôi có ghê gớm không? (Hoàng, 55 tuổi, chuyenhoang@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Thuốc lá gây hại cho sức khỏe là do khói thuốc khi đốt ra đi vào môi trường và gây hại cho xung quanh. Tàn thuốc lá ngược lại không gây hại, vì thế sau khi hút thuốc lá đậy tàn thuốc lá lại thì cũng không có ý nghĩa gì.
Như vậy để bảo vệ con gái chị tránh khỏi tác hại thuốc lá thụ động thì cách hay nhất là toàn bộ các thành viên trong gia đình cai thuốc lá hoàn toàn. Trong thời gian chưa cai thuốc lá được thì tuyệt đối không được hút thuốc lá trong nhà, bất kể trong phòng nào. Phải ra khỏi nhà đến chỗ thoáng khí mới được hút thuốc lá. Một số bệnh nhân của tôi chia sẻ họ làm bảng: "Gia đình không khói thuốc" và dán trong gia đình để cảnh báo toàn bộ thành viên trong nhà và cả khách đến thăm không được hút thuốc lá trong nhà.
* Ở Việt Nam tôi thấy thuốc lá được trưng bày công khai dẫn đến việc tiêu thụ thuốc lá quá dễ dàng, bất cứ nơi đâu, bất cứ ai cũng có thể mua. Xin hỏi Bộ có biện pháp gì về việc này? (Vũ Đức Trung, 31 tuổi, ductrung800@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Đây là phản ánh rất đúng về thực trạng trưng bày thuốc lá hiện nay ở VN. Đứng trước thực trạng này, Luật đã quy định chỉ cho phép các cơ sở bán lẻ thuốc lá được trưng bày không quá 1 bao/tủ thuốc lá/mỗi nhãn hiệu thuốc lá. Và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trong luật.
* Muốn bỏ thuốc lá có phải uống thuốc không? Khi đến các bệnh viện sẽ được giúp đỡ thế nào hay chỉ là giải pháp tâm lý? (Trâm Anh, 30 tuổi, tramanh45@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Hai biện pháp cai thuốc lá luôn phối hợp với nhau là:
1. Tư vấn cai thuốc lá.
2. Dùng thuốc cai thuốc lá: nicotin dán, bupropion uống, varenicline uống.
Tùy theo đặc điểm nghiện thuốc lá mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nên dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, tư vấn thêm điều gì... Vấn đề là không phải mọi bệnh viện đều có phòng tư vấn cai thuốc lá.
Hiện tại tư vấn cai thuốc lá được thành lập tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y dược. Một số phòng khám ngoài công lập cũng có tư vấn cai thuốc lá như trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt.
* Tôi muốn hỏi nếu không cấm sản xuất thuốc lá, tại sao không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và giới hạn độ tuổi mua thuốc, ví dụ là tuổi 21? (Thai Ngan, 25 tuổi, taskan.ngan@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Việc bạn đề cập đã được pháp luật quy định cụ thể. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá hiện đang ở mức 65% giá xuất xưởng theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Và Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá.
* Cán bộ công chức đã tiên phong, gương mẫu trong việc không hút thuốc lá. Nhưng người nông dân do nhận thức và công việc lam lũ nên khó trong việc hạn chế hút thuốc lá. Vậy các ngành chức năng đã có biện pháp gì đối với nông dân chúng ta? (90% dân số xuất phát từ nghề nông) (Lê Quý Trường, 29 tuổi, hdqueson2010@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Kinh nghiệm của quốc tế cũng như ở VN, việc thông tin giáo dục truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống tác hại thuốc lá.
Luật đã quy định việc truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, để người dân từ chưa hiểu đến hiểu đầy đủ, và từ hiểu đầy đủ dẫn đến thay đối hành vi. Đối với nông dân, việc truyền thông phải có nội dung, cách thức phù hợp, dân dã, dễ hiểu và sự vào cuộc thường xuyên của chính quyền, đặc biệt là Hội nông dân cũng như các đoàn thể quần chúng ở địa phương.
* Xin chào bác sĩ Lê Khắc Bảo. Em hút thuốc khoảng 10 năm, giờ muốn bỏ luôn nhưng khó quá, xin bác sĩ cho em lời khuyên và những biến chứng khi hút thuốc. (Trương Thành Trung, 26 tuổi, thanhtrung2287@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Nghiện thuốc lá thực sự là một bệnh cần được chẩn đoán và điều trị thích hợp, cai thuốc lá "chay" là rất khó đặc biệt đối với những người nghiện nặng. Tư vấn bác sĩ để được chẩn đoán nghiện thuốc lá và điều trị cai nghiện thuốc lá là lời khuyên tốt nhất cho bạn trong lúc này.
Tác hại do hút thuốc lá quả thật rất nhiều, khó thể nói hết trong vài dòng, có thể tóm tắt là trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất độc gây ung thư. Có ít nhất 23 bệnh đã được chứng minh là do hút thuốc lá gây ra đi từ ung thư phổi, thanh quản, dạ dày đến nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ngay cả những bệnh nam giới (liệt dương, vô sinh)..., bệnh phụ nữ (mãn kinh sớm...).
* Gia đình tôi sống trong hẻm, cạnh một hộ bán cafe, thuốc lá. Từ sáng sớm họ đã phì phèo thuốc lá, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình. Khi gia đình tôi có ý kiến thì họ tỏ thái độ bất hợp tác, thách thức, dùng những lời lẽ khiếm nhã xúc phạm. Xin hỏi trong trường hợp này chúng tôi phải liên hệ với cơ quan nào để giải quyết? (Nguyen Thi Thuy Hanh, 58 tuổi, barneykid24@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Đây là câu hỏi rất thực tế. Việc bà và gia đình có ý kiến đối với người hút thuốc lá là rất tích cực trên tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhận thức, hiểu biết và có hành vi ứng xử phù hợp. Do vậy, bà cần vận động thêm những người xung quanh, người bán thuốc lá để nhắc nhở, đồng thời trao đổi với tổ trưởng dân phố, người đứng đầu đoàn thể ở địa phương để có các biện pháp linh hoạt, cụ thể trong trường hợp này.
* Có hình phạt và mức phạt nào cho hành vi cố tình phun khói thuốc vào mặt người khác gây tổn hại đến sức khỏe của họ không? (Nguyễn Đăng Hải, 42 tuổi, onedayone75@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Việc cố tình phun khói thuốc lá vào mặt người khác chính là hành vi làm nhục, gây rối trật tự công cộng. Do đó, nếu người bị phun khói thuốc lá vào mặt phản ảnh ngay với cơ quan công an thì người gây ra hành vi trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xã hội.
* Tôi hút thuốc lá cũng khá lâu, khoảng gần 10 năm nay nhưng không bỏ được. Biết hút thuốc có hại cho sức khỏe đối với bản thân và những người xung quanh, tôi bỏ nhiều lần nhưng vẫn tái hút lại. Bác sĩ cho lời khuyên làm cách nào bỏ được thuốc lá? (Lê Văn Khuyến, 35 tuổi tuổi, Hậu Giang)
- BS Lê Khắc Bảo: Cai thuốc lá sau đó lại tái nghiện xảy ra trên 90% trường hợp người hút thuốc lá, chính vì lẽ đó mà hút thuốc lá được xếp là bệnh nghiện.
Muốn tránh tái nghiện nên đi khám chẩn đoán mức độ, loại nghiện thuốc lá đang mắc, và thực hiện những lời khuyên và sử dụng thuốc để cai thuốc lá phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Suy nghĩ về các lý do tái nghiện trước đây có thể giúp bạn biết những "va vấp" trong những lần trước để rút kinh nghiệm cho lần cai thuốc lá sắp tới cũng rất có ích.
* Năm ngoái tôi chạy xe trên đường, bị tàn thuốc của người đi phía trước bay vào mắt bỏng rát, và tôi đã suýt gây tai nạn vì sự cố này. Tôi rất tức giận người không ý thức hút thuốc ngoài đường, nhưng cũng rất bức xúc vì chúng ta đã cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng lại không thi hành được (ngoài đường cũng là nơi công cộng).
Hiện CSGT đã thổi phạt người vừa chạy xe vừa nghe ĐTDĐ, thì tại sao không thêm luật cho họ phạt cả người vừa chạy xe vừa hút thuốc? (Hoàng Yến)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Hành vi cảnh sát giao thông thổi phạt người vừa lái xe máy vừa nghe điện thoại di động là do khi nghe điện thoại, người lái xe máy sẽ không tập trung, thiếu sự quan sát, không kiểm soát tốc độ nên rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Còn việc vừa lái xe máy vừa hút thuốc lá lại là hành vi khác, nếu người hút thuốc lá để tàn thuốc bay vào mắt người khác và gây thương tích thì người đó vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
* Làm sao chắc chắn được thuốc lá gây ra bệnh ung thư hay những bệnh nặng khác? Ông ngoại tôi hút thuốc nhiều nhưng vẫn khỏe hơn những người không hút thuốc khác, vì vậy thật khó để kêu gọi ông tôi bỏ thuốc, ý kiến BS thế nào?(Trương Trung, 25 tuổi, trungdungkiencuong@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Hút thuốc lá gây ung thư và các bệnh nặng khác là điều đã được khoa học chứng minh từ rất nhiều năm.
Tuy nhiên trên từng người thì tùy theo mức độ nhạy cảm mà tác hại sẽ hiển thị ra bên ngoài nhiều hay ít. Cũng giống như cùng nhiều người đi vào bệnh viện nhưng có người sẽ bị nhiễm trùng bệnh viện, có người lại không. Tuy nhiên không phải vì thế mà kết luận rằng vi trùng không gây bệnh.
Ông ngoại của bạn khỏe hơn những người khác dù có hút thuốc lá không có nghĩa là hút thuốc lá đã không gây hại gì cho ông. Bạn thử nghĩ nếu không hút thuốc lá thì ông có khỏe hơn hiện nay không.
Để khẳng định lại là ông đã bị tác hại do thuốc lá chưa, không có cách nào khác là đi khám tầm soát phát hiện bệnh, BS sẽ giúp phát hiện những bệnh do hút thuốc lá trên ông ngoại của bạn, một số xét nghiệm có thể giúp ích phát hiện sớm bệnh do thuốc lá gây ra như là đo chức năng hô hấp, đo điện tim, thử máu sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.
* Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, khi hút thuốc nơi công cộng, đông người... thì bị phạt rất nặng, còn ở Việt Nam thì không? Trong tương lai có hướng giải quyết điều này như thế nào? (Nguyễn Vĩnh Mẹo, 39 tuổi, vinhmeonguyen@...)
- Ông Nguyễn Huy Quang: Khi xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã tham khảo mức phạt ở các nước trong khu vực ASEAN. Mức phạt ở Việt Nam đã được cân nhắc vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục thuyết phục, và tính cưỡng chế nhà nước, lại vừa phù hợp với mức thu nhập của người dân để họ có đủ khả năng nộp phạt. Đồng thời, mức phạt này cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người ở mỗi quốc gia.
* Cán bộ Y tế cũng hút thuốc lá thì làm gương thế nào? BS Bảo nói gì về vấn đề này, ngành y tế có triệt để được đâu mà kêu gọi dân chúng? (Châu Lâm, 34 tuổi, lamdia@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Chính xác là cán bộ y tế cũng hút thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy vào năm 2004, 40% nhân viên y tế là nam giới tại bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội hút thuốc lá, nghiên cứu bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP.HCM năm 2008 cho thấy 32,6 % nhân viên y tế nam giới hút thuốc lá.
Thứ nhất, hút thuốc lá không chỉ là thói quen mà còn là bệnh nghiện nữa. Nếu đã là bệnh thì phải chẩn đoán và điều trị chứ không chỉ là mệnh lệnh hành chính hoặc là cấm đoán. Như vậy, song song với kêu gọi nhân viên y tế làm gương không hút thuốc lá thì phải tổ chức điều trị nghiện thuốc lá cho những nhân viên y tế bị nghiện thuốc lá nặng.
Thứ hai, trách nhiệm của ngành y tế là chăm lo cho sức khỏe người dân, ngành y tế biết rõ hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và các biện pháp điều trị cai thuốc lá, vì thế có trách nhiệm đánh động cho toàn bộ người dân biết.
Cuối cùng thì hút hay cai thuốc lá, điều trị hay không điều trị bệnh nghiện thuốc lá là quyết định của cá nhân và gia đình, cũng giống như điều trị hay không điều trị ung thư, điều trị hay không điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo vậy. BS chắc chắn không thể quyết định thay người dân được.
* Cai thuốc bao lâu mới được xem là đã bỏ được thuốc? Làm cách nào để không bị nhạt miệng, cảm giác thèm hút thuốc nổi lên? (Ngọc Lâm, 30 tuổi, lamsupham@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Cai thuốc lá 12 tháng liên tiếp thì được xem là cai thuốc lá thành công.
Nhai kẹo (đặc biệt nicotin nhai) điều trị cai thuốc lá có thể giảm được nhạt miệng và cảm giác thèm thuốc lá.
* Thưa bác sĩ, nhiều người cho rằng bỏ thuốc lá thì bị béo phì, hoặc tăng huyết áp... nên họ không bỏ thuốc. Họ nói vậy đúng sai như thế nào? Với những người này, liệu có nên thuyết phục để họ bỏ thuốc lá hay là mặc họ sống chung với thuốc lá? (Nha Trang, 40 tuổi, kimchungnt@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Cai thuốc lá gây tăng cân nhưng không gây béo phì, nhiều người không cai thuốc lá mà cũng béo phì. Cai thuốc lá không gây tăng huyết áp, ngược lại làm huyết áp giảm và dễ kiểm soát hơn. Giai đoạn đầu có tăng huyết áp là do kích thích bứt rứt - hội chứng cai thuốc lá mà thôi.
Cai thuốc lá có sử dụng thuốc để cai chứ không phải là cai "chay" sẽ khống chế được tăng cân và hội chứng cai thuốc lá.
* Cùng 1 điều thuốc lá, vì sao độ độc của khói đối với người hút thuốc thụ động gấp 10 lần người đang hút? (Nani, 35 tuổi, nani9798@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Vì khói thuốc lá thụ động là khói xuất phát ngay từ đầu điếu thuốc lá tỏa ra trực tiếp còn khói hút vào cơ thể là đã được hòa loãng với không khí xung quanh.
* Tại TP.HCM những cơ sở y tế nào đang tiếp nhận điều trị cho những người muốn cai nghiện thuốc lá? Người muốn bỏ thuốc lá cần theo các cơ sở y tế này bao lâu thì mới bỏ được thuốc? Chi phí để điều trị có cao không? (Hoàng Lân, 35 tuổi, hoanglan@...)
- BS Lê Khắc Bảo: Những cơ sơ tiếp nhận cai thuốc lá hiện nay tại TP.HCM.
Công lập: BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhân Dân Gia Định, BV Đại học Y dược
Ngoài công lập: Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt.
Chi phí thuốc cho cai thuốc lá toàn bộ khoảng 6 triệu (ít hơn tiền dùng để mua thuốc lá để hút trong 1 năm) và còn rẻ hơn chi phí phải trả để chẩn đoán và điều trị bệnh do thuốc lá.
Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định một số địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện… Ở những địa điểm công cộng cho phép hút thuốc lá, luật yêu cầu thành lập khu vực dành riêng cho người hút thuốc, có biển báo hướng dẫn, cách biệt với khu vực chung, có hệ thống thông khí hai chiều để không ảnh hưởng đến người xung quanh. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe ngay trên bao thuốc. Việc bán buôn, bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ. Mỗi điểm bán lẻ không được trưng bày quá một bao của một nhãn hiệu thuốc lá. Luật cũng quy định không được bán, cung cấp thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, tuy nhiên nhiều người bán lẫn người hút thuốc đều không biết đến điều này. Luật quy định thanh tra sở y tế các tỉnh, thanh tra Bộ Y tế được phân công làm nhiệm vụ xử phạt người hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá, còn xử lý thuốc lá giả, kém chất lượng, buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ của Bộ Công thương... Tuy nhiên vấn đề đặt ra là thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng, vừa nhiều nhiệm vụ thì lấy đâu ra người xử phạt? Nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho rằng rất khó thực thi luật này. Việc ra giấy phép bán thuốc lá chỉ để nảy sinh cơ chế "xin-cho" chứ không hề giải quyết được vấn đề gì. Cấm thuốc lá thì phải cấm từ gốc là khâu sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cả nhập lậu thuốc lá chứ không phải cấm phần ngọn mà buông lơi phần gốc. |
100 câu hỏi của bạn đọc đã gửi đến buổi giao lưu với nhiều thắc mắc thú vị, do thời gian có hạn nên các chuyên gia đã chọn trả lời những vấn đề được quan tâm và liên quan đến cộng đồng nhiều nhất. Trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, theo dõi.
Khám và tư vấn cai thuốc lá miễn phíCấm hút thuốc lá: khó; bỏ hút thuốc lá: dễ hơnMuốn bỏ thuốc lá phải lu buCấm hút thuốc lá nơi công cộng: các công sở hãy vào cuộc!Nói không với thuốc lá: nên bắt đầu từ gia đình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận