29/10/2005 00:04 GMT+7

"Sao Hàn" có khác "sao mình"?

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Cô bạn đồng nghiệp đến từ Thượng Hải, Trung Quốc sau hơn hai giờ chen lấn giữa một rừng vệ sĩ vừa chui được ra đã vui sướng hét lên: “Tôi chụp được ảnh Kwon Sang Woo rồi...!”, nhưng khi xem ảnh chỉ thấy những cái lưng to bè của các chàng vệ sĩ!

lsekGBOw.jpgPhóng to
Thứ hai và ba từ phải sang: ngôi sao điện ảnh Yoo Ji Tae và Kwon Sang Woo trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim Running wild - Ảnh: Hoài Nam
TT - Cô bạn đồng nghiệp đến từ Thượng Hải, Trung Quốc sau hơn hai giờ chen lấn giữa một rừng vệ sĩ vừa chui được ra đã vui sướng hét lên: “Tôi chụp được ảnh Kwon Sang Woo rồi...!”, nhưng khi xem ảnh chỉ thấy những cái lưng to bè của các chàng vệ sĩ!

Diện kiến “sao”!

Buổi tiệc dành cho khách mời và các nhà làm phim khối APEC trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Pusan chẳng khiến chúng tôi mặn mà. Lang thang trong hành lang khách sạn, chúng tôi phát hiện một căn phòng có vẻ rất bí mật khi có hai, ba vệ sĩ đứng canh trước cửa phòng. Mấy phút sau lại có một người hé cửa ra nhìn.

Tò mò, chúng tôi đứng lại. Cô bạn đi cùng giỏi tiếng Hàn Quốc (HQ) sau một hồi thăm dò, đã ồ lên: “Ngôi sao điện ảnh Kwon Sang Woo đang trong căn phòng này!”. Hỏi người phụ trách thông tin của ngôi sao này thì lại nhận được lời phủ nhận: “Không phải anh ấy, là người khác. Anh ấy ở lầu 1, chuẩn bị cho buổi họp báo sắp tới. Các anh chị xuống đó đi”.

Nhưng “tin mật báo” khuyên chúng tôi cứ đứng chờ... Cửa phòng bật mở, đích thị là Kwon Sang Woo bước ra, chúng tôi lật đật mở máy ảnh nhưng các vệ sĩ cao to của Kwon Sang Woo đưa tay lên che ngay: “Không được chụp ảnh. Không được chụp ảnh...”.

Bốn cận vệ của Kwon Sang Woo xếp thành một hàng đón anh vào... nhà vệ sinh và “bọc lót” anh trở lại căn phòng cũ rồi đóng cửa im lìm. Không chịu thua, chúng tôi “túm” được anh quản lý của Kwon Sang Woo nhưng anh này cũng lắc đầu từ chối: “Ở HQ có qui tắc nếu nhà báo muốn phỏng vấn các ngôi sao phải thông qua người quản lý, có hẹn trước và gửi câu hỏi trước. Dù chúng tôi biết bạn là nhà báo VN sang nhưng cũng không thể khác hơn. Hẹn gặp lại tại buổi họp báo lúc 8g...”.

Chúng tôi quay trở lại tiền sảnh khách sạn. Trời ạ, trước mắt tôi là bốn hàng người hầu hết là phóng viên trong và ngoài nước, ước chừng khoảng gần 500 người, xếp hàng từ 6g chiều để vào phòng họp báo ra mắt bộ phim Running wild của đạo diễn Kim Soong Soo (kinh phí 8 triệu USD) với sự tham gia của Kwon Sang Woo và Yoo Ji Tae (diễn viên trong phim Old boy).

Tôi nghĩ nếu xếp hàng thì mình thua. Thế là tôi quyết định “đi đường tắt”, len lỏi giả vờ đến chụp hình cái poster gần cửa phòng họp báo. Đúng lúc cửa phòng mở ra tôi lẻn vào trước tiên.

Chưa kịp đứng yên thì cánh nhà báo dồn ép nhau tới tấp. Lưng tôi đau nhói vì thân chiếc máy quay phim đập mạnh vào. Anh bạn Đài truyền hình MBC càu nhàu khi nhìn thấy cái máy chụp hình bé tí trên tay tôi.

Liếc cái máy quay phim to đùng, tôi hiểu anh ta nghĩ gì nên đưa ngay thẻ báo chí của mình cho anh ta xem, lúc đó anh ta mới chịu ngưng không đẩy tôi mạnh bạo nữa, “đồng nghiệp mà!”.

Đèn flash chớp liên tục dù Kwon Sang Woo chưa xuất hiện. Rồi sự chờ đợi cũng được đáp trả, nhiều tiếng hò reo “Kwon Sang Woo”. Và kia, đạo diễn Kim Soong Soo, Kwon Sang Woo và Yoo Ji Tae cùng các diễn viên đi từ cánh gà bước ra sân khấu.

Xung quanh là các cận vệ xếp thành hàng dài. Tuy phim sẽ ra mắt vào tháng mười hai nhưng nhân dịp liên hoan phim nhà sản xuất đã tận dụng ngay cơ hội để quảng bá, dù trước đó lúc bộ phim mới khởi quay đã được bán cho Hãng Amuse Entertaiment Nhật Bản tại Liên hoan phim Cannes với giá rất cao mà đến giờ nhà sản xuất vẫn chưa tiết lộ cho báo giới biết.

Nhưng có thể nói đây là bộ phim thứ ba của HQ bán cho nước ngoài với giá cao như vậy sau Spring day và Duelist.

Buổi ra mắt bộ phim đơn giản, ngắn gọn, các diễn viên phát biểu cũng rất ngắn, chủ yếu giới thiệu các vai diễn trong phim, làm dáng cho nhà báo chụp hình trước poster phim và... rút lui.

Các ngôi sao lại biến đi nhanh chóng làm nhiều người, nhất là giới phóng viên nước ngoài, ồ lên thất vọng. Tôi nhủ thầm: “Ngẫm ra diễn viên VN của mình sao dễ thương quá, gần gũi với người hâm mộ quá, hay tại họ chưa trở thành sao đích thực!”.

“Giá” của tài tử Hàn?

Tính đến tháng 10-2005 đã có 194 bộ phim HQ xuất khẩu trong năm nay, đạt doanh thu 58 triệu USD, tăng 88% so với 200.000 USD của 15 bộ phim năm 1995.

Một trong những bí quyết thành công của phim HQ là sự quan tâm đặc biệt của chính phủ dành cho điện ảnh như đầu tư 260 triệu USD cho điện ảnh, chi phí hỗ trợ 70% các phim trường, trường đào tạo, nhiều chính sách mở đối với sản xuất phim ảnh, duy trì 106 ngày/năm chiếu phim trong nước, thành lập ủy ban phim ảnh để giúp sản xuất và quảng bá, phân phối phim Hàn...

Đi theo chúng tôi trong suốt những ngày ở HQ, anh chàng hướng dẫn viên du lịch Melvin Kim luôn tự hào khi nhắc đến phim HQ cũng như các diễn viên xứ Hàn.

Kim kể rành rọt câu chuyện diễn viên Bae Jong Joon ký được hợp đồng quảng cáo trị giá 1 triệu USD với Công ty Sony của Nhật ngay trên đất Nhật, cao hơn cả Tom Cruise khi quảng cáo cho sản phẩm này trước đây ở Mỹ.

Có thể nói Bae là một trường hợp ngoại lệ và đầu tiên bởi Công ty Sony Nhật chưa bao giờ sử dụng hình ảnh người nước ngoài quảng bá cho sản phẩm của mình ngay trên xứ sở Phù Tang.

Và dĩ nhiên hợp đồng được ký khi công ty đánh hơi được tầm ảnh hưởng của Bae sau khi bộ phim Chuyện tình mùa đông phát sóng tại Nhật và hút được một làn sóng hâm mộ khổng lồ của giới trẻ Nhật.

Không những vậy Bae còn đem lại cho ngành du lịch HQ khoảng 1 tỉ USD. Bởi sau khi bộ phim Chuyện tình mùa đông của anh phát sóng tại Nhật, lượng khách bay từ Nhật sang Hàn tăng 30%, hằng ngày trung bình có khoảng 800 du khách Nhật bay đến đảo Nami nơi được chọn làm bối cảnh trong bộ phim Chuyện tình mùa đông để tham quan và chụp ảnh lưu niệm!

Nếu so sánh mức lương trung bình hằng tháng của dân xứ Hàn khoảng trên dưới 1,5 triệu won (tương đương 1.500 USD) thì cũng hiểu thu nhập của giới điện ảnh không thể thấp hơn, nhất là thời kỳ phim ảnh HQ đang nở rộ, sự cạnh tranh là quyết liệt.

Tuy nhiên giới điện ảnh HQ cho biết: tùy từng cấp độ diễn viên, từ thường thường bậc trung đến có chút tên tuổi thì catsê khoảng 1-10 triệu won cho một tập phim truyền hình.

Còn diễn viên hạng “siêu sao” như Kwon Sang Woo, Kim Nam Joo, Kim Hee Sun, Moon Geun Young, So Ji Sub, Lee Young Ae, Kim Hyun Joo... thì trên dưới 20 triệu won/tập.

Bae Jong Joon trước đây cũng chỉ được trả vài chục triệu cho một tập phim, nhưng từ sau bộ phim Chuyện tình mùa đông thu hút được khán giả châu Á thì đối với giới bầu show, không có lý do gì không cho “sao” này lên dàn phóng “hỏa tiễn catsê”, đỉnh điểm đến lúc này là bộ phim anh vừa tham gia Thái vương tứ thần ký dài 40 tập, catsê một tập là 100 triệu won.

Đó là chưa tính tổng hoa hồng doanh thu ăn theo phim, quảng cáo theo phim... Nếu tính nhẩm, sau khi bộ phim công chiếu thì số tiền Bae có được sơ sơ gần 5 tỉ won (tương đương khoảng 790 tỉ đồng VN!). Chưa kể việc Bae còn có lợi nhuận từ Công ty giải trí BOSP do anh làm chủ.

Đó mới chỉ là việc đóng phim, chưa tính đến việc các ngôi sao làm quảng cáo. Đứng đầu phái đẹp về quảng cáo hiện nay là ngôi sao trẻ Moon Geun Young. Cô đang được xem là nữ hoàng quảng cáo của xứ sở kim chi.

Ngay từ sân bay Incheon, nụ cười xinh xắn, điệu nhảy trẻ trung và khuôn mặt thiên thần của cô đã kéo ánh mắt của hàng ngàn du khách đến với nhãn hiệu điện thoại Samsung trên khắp các màn hình lớn ở sân bay.

Ngoài đường phố Pusan hay Seoul đều giăng đầy ápphích quảng cáo của cô cho nhiều nhãn hiệu sản phẩm thời trang, mỹ phẩm. Còn Kwon Sang Woo thì bận rộn với hàng loạt hợp đồng quảng cáo tới tấp mấy tháng qua với doanh thu không dưới con số 2 tỉ won.

Dĩ nhiên để có thu nhập như “sao” và để trở thành “sao” không phải là chuyện đơn giản. Mấy ai biết trước đây Bae chỉ là người cầm đèn trong đài truyền hình hay Kwon Sang Woo, Won Bin chỉ là những chàng trai xuất thân từ tỉnh lẻ.

Trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí VN tại Bộ Văn hóa - du lịch HQ, ông Park Yang Woo, cục trưởng Cục Công nghiệp phát triển văn hóa HQ, cho biết: “Điện ảnh vẫn là một kênh quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh của đất nước chúng tôi. Sự cảm nhận của mọi người trên thế giới về HQ qua điện ảnh khiến chúng tôi phải tìm hướng đi đúng và thiết thực. Chúng tôi sẽ có những chính sách thích hợp cho chiến lược dài hạn về điện ảnh. Những chính sách bảo hộ, luật điện ảnh, hỗ trợ nguồn nhân lực...”.

Kỳ 1:"Trang trại"...phim trường

-----------

Kỳ cuối: Phía sau công nghệ là... công nghệ

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên