15/02/2018 17:19 GMT+7

Sao giống gió Tết quá, rồi thấy nhớ da diết...

LÝ QUÍ TRUNG
LÝ QUÍ TRUNG

TTX - Thoáng một cái mà đã đến cái Tết thứ 5 của tôi ở Úc. Nói như thế nào nhỉ? Tết đến mà lại không thấy Tết. Trong khi bất chợt một cơn gió lành lạnh đi qua thì lại buột miệng nói sao giống gió Tết quá, rồi thấy nhớ da diết.

Sao giống gió Tết quá, rồi thấy nhớ da diết... - Ảnh 1.

Hoa mai vàng và bao lì xì được cộng đồng người Việt Nam trang trí trên phố Richmond, thành phố Melbourne, Úc vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm - Ảnh: TRỌNG CHÍNH

Lý do Tết đến mà không thấy Tết vì mọi thứ xung quanh nơi tôi sống vẫn diễn ra quá bình thường, không có gì là đặc biệt. 

Mà thiệt, người Úc đâu có ăn Tết ta, mà ăn Tết tây nên không cần phải ăn mặc đẹp hơn, hay chưng diện nhà cửa cho tươm tất hơn trong mấy ngày này. 

Cũng không có ai phải tất bật chạy đi mua cái này cái kia, nhiều khi chỉ để thỏa mãn cảm giác mua sắm ngày Tết. Vậy mà vui, mà háo hức, rộn ràng.

Ngày của người Việt

Cái cảm giác này không có ai mời làm sao nó đến. Đã vậy còn thiếu hẳn cái nắng nhè nhẹ đầu xuân mà người Sài Gòn một mực yêu quý nhưng không bao giờ nói ra, chỉ khi thiếu nó rồi mới thấy là thiếu. 

Rồi hoa mai, hoa cúc nữa, phải rực rỡ khắp nơi, phải nhuộm vàng kín mấy con đường chợ hoa mới gọi là Tết.

Đúng là cảm nhận và tâm trạng của mỗi người mỗi khác, nhưng cái hay của người Việt ở hải ngoại là sự chung thủy đối với việc gìn giữ cái Tết, ít nhất ở trong lòng.

Còn nếu ai muốn hòa mình vào cái Tết bằng da bằng thịt thì cứ đi đến các khu vực tập trung nhiều người Việt sinh sống như Cabramatta hay Bankstown chẳng hạn. 

Ở đó hầu như thứ gì cũng có, từ bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa, kẹo me đến mâm ngũ quả, câu đối, liễn thờ. Cộng thêm hội chợ, văn nghệ năm nào cũng có để phục vụ bà con cô bác. Toàn bằng tiếng Việt vì là ngày của người Việt.

Tính ra nước Úc cũng quá tốt bụng và cởi mở đối với người Việt mình, có lẽ một phần do chính sự hiểu biết của họ. Họ biết trân trọng và khuyến khích mọi sắc tộc hãy gìn giữ lấy bản sắc riêng của mình để đất nước này ngày càng phong phú hơn, phồn thịnh hơn. 

Chưa bao giờ tôi thấy họ tự hỏi tại sao cộng đồng người Việt ở đây không dời ngày ăn Tết cho trùng với ngày ăn Tết của họ.

Bởi vậy tôi mới không hiểu nổi tại sao ở ngay chính quê hương của mình mà lại có người nghĩ đến chuyện nhập chung cái Tết ta với cái Tết tây. Giống như món hột vịt thịt kho nước dừa của Sài Gòn mà đi dọn cùng chung một mâm với món pizza của Ý. Còn gì là ngon nữa.

Ở Úc vì điều kiện không cho phép, nên người Việt mình đành phải học cách pha chế một chút để duy trì cho bằng được cái Tết. 

Như ngày 30 Tết nếu không rơi vào cuối tuần thì đành phải tụ tập bạn bè trước đó vài ngày để mọi người tiện sắp xếp công việc. 

Cũng ăn uống hoành tráng, cũng có bánh tét bánh chưng, nhưng đa số lại thích làm thêm món đồ nướng BBQ kiểu Úc trong mấy ngày này. Vì ăn món này vừa vui lại vừa tiện, mỗi người một tay và không phải chuẩn bị gì nhiều.

Sao giống gió Tết quá, rồi thấy nhớ da diết... - Ảnh 2.

Những chiếc xích lô được trang trí đẹp mắt đặt trên phố Richmond, thành phố Melbourne, Úc vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Đây là thành phố có cộng đồng người Việt đông nhất tại Úc - Ảnh: TRỌNG CHÍNH

Không thể pha trộn

Nhưng làm gì thì làm, việc cúng giao thừa ngày 30 Tết là không thể pha trộn hay chế biến được. Nhà nào cũng cúng, đúng ngày đúng giờ. Riêng đối với gia đình nhỏ của tôi thì nghi lễ này tuy đơn sơ nhưng vô cùng quan trọng. 

Vợ chồng con cái phải có mặt đầy đủ để thắp hương khấn vái tổ tiên, trời đất và ôn lại những câu chuyện gắn liền với quê hương.

Nếu ai thích không khí tưng bừng của ngày lễ đêm giao thừa thì có thể đi chùa, hay đi nhà thờ dành cho người Việt lúc nào cũng có cả ngàn người ở đó. 

Đặc biệt là chùa Phước Huệ, năm nào cũng tổ chức bán pháo hoa và phục vụ tiệc chay gây quỹ. Nghe nói năm ngoái ở đây thu hút hơn cả chục ngàn người.

Qua sáng mùng một, nhiều người bắt đầu xuất hành bằng nhiều cách khác nhau chứ không nhất thiết phải đi đến nhà ông bà cha mẹ như ở Việt Nam (vì ông bà cha mẹ thường ở chung hay còn ở Việt Nam). 

Có người đi vô rừng, có người  đi ra biển. Chủ yếu là cùng gia đình, bạn bè đi ra ngoài trời cho vui, nhất là vào những ngày mùa hè oi bức của Sydney.

Phải nói ngày mùng một này mà đi Cabramatta hay Bankstown chơi thì vô cùng náo nhiệt. Nhất là tiếng trống múa lân thường rộn vang, cộng thêm tiếng pháo giòn tan quen thuộc của ngày Tết cổ truyền. 

Các cửa hàng thay phiên treo tiền tuốt trên cao để đoàn lân tha hồ múa và công kênh nhau lên lấy ở phần cuối buổi trình diễn. Rồi đốt các dây pháo dài đến 3-4m. Hết cửa hàng này lại đến cửa hàng khác nên không khí thật vui nhộn, tưng bừng.

Có ở nước ngoài rồi mới thấy cái Tết quan trọng như thế nào. Nó như một cái gì đó vô hình, nhưng lúc nào cũng hiện diện. Nó nhắc nhở mình là ai và từ đâu ra. 

Nó như lời ru, câu hò; như cây cầu nối liền dải đất hình chữ S với bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Nhiều lúc nó còn như một chiếc phao cứu hộ được quăng ra ngay đúng lúc mình đang bị cuốn đi giữa dòng đời của bao nhiêu điều xa lạ.

Cho nên cảm xúc nhớ nhà, nhớ quê hương tôi chưa bao giờ cố gắng làm cho nó vơi đi. Ngược lại, tôi vui mừng mỗi khi nhận ra nó, tuy lại thấy buồn ngay đó vì những ký ức ngày Tết tự nhiên ùa về.

lqt

Tác giả qua nét cọ của Thế Thông

Lý Quí Trung là doanh nhân được nhiều người biết đến thông qua thương hiệu Phở 24 và nhiều đầu sách, trong đó có Bầu trời không chỉ có màu xanh và gần đây là cuốn Chỉ có niềm đam mê. Năm 2013, Lý Quí Trung chuyển sang sinh sống tại Úc, tiếp tục mở nhà hàng và tham gia giảng dạy.

Đầy đủ vẫn thiếu thiếu một cái gì đó...

Tôi đặc biệt thích không khí chúc Tết của đại gia đình mình. Bất kể già trẻ bé lớn gì cũng phải đứng vòng tay thật nghiêm túc và lễ phép khi chúc Tết cho người lớn hơn. Được nghe những lời chúc Tết hay những lời nhắn nhủ đầu năm của cha mẹ thì thật đặc biệt, nó cảm động làm sao đó. 

Càng lớn tuổi càng thích, càng quý, mỗi một chữ cha mẹ nói ra là tôi nuốt vào và ghi nhớ, vì mình biết đó là những lời yêu thương và chân thành nhất mà tôi có được. Đó là những lời mà không còn bao lâu nữa thôi tôi sẽ không còn được nghe.

Và đúng là tôi đã không còn được nghe những lời chúc Tết của ba tôi nữa. Nhớ hoài cái Tết cuối cùng của ba trên giường bệnh, vừa đứng vòng tay nghe ba căn dặn mà nước mắt tôi cứ chảy dài. Lời chúc cha mẹ sống lâu trăm tuổi lần đầu tiên tôi không thể nói ra.

Tôi cũng nhớ đến mẹ rất nhiều mỗi khi Tết đến. Mẹ tôi là linh hồn của đại gia đình và gắn kết cả dòng họ lại với nhau. Và lúc nào trong lời chúc Tết của mẹ cũng có lồng vô câu anh em một nhà phải biết yêu thương nhau, lá lành đùm lá rách, tình cảm gia đình là trên hết.

Đúng vậy, tình cảm gia đình là trên hết. Không phải chỉ anh em chúng tôi lắng nghe, mà còn cả thế hệ con cháu đang đứng xung quanh đó cũng lắng nghe.

Cái Tết đối với tôi là như vậy, nó diễn ra trong nhà nhiều hơn ngoài đường, quá khứ nhiều hơn hiện tại. Nên từ ngày qua Úc đến nay ít khi tôi xuống Cabramatta hay Bankstown để vui Tết là vậy. Nếu có phải đi gặp cái Tết bằng xương bằng thịt đúng nghĩa thì chỉ có bỏ hết công ăn việc làm để bay một mạch về Việt Nam.

Nhưng nhân viên tôi thì lại khác, cứ Tết đến là mọi người cứ nhao nhao lên và rủ nhau về Việt Nam gần hết. Nên làm chủ nhà hàng ở đây đã cực nay lại cực hơn. 

Nhớ thời còn điều hành các công ty ở Việt Nam cũng vậy, cứ Tết đến là nhân viên lại rủ nhau về quê bất chấp tất cả. Vì đối với họ, ăn Tết ở Sài Gòn không bao giờ có đầy đủ hương vị.

Tết ở Úc cũng vậy, cũng có bánh tét bánh chưng, cũng có múa lân pháo hoa đầy đủ nhưng sao vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

Có lẽ là quê hương.

LÝ QUÍ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên