22/07/2015 06:00 GMT+7

Sao chỉ người dân đóng quỹ bình ổn giá xăng?

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG

TTO - Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự băn khoăn với mức giảm chỉ 260 đồng/lít xăng vào chiều ngày 20-7. Tại sao giá xăng luôn tăng nhanh, giảm nhỏ giọt, còn doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng?

Tại sao giá xăng luôn tăng nhanh, giảm nhỏ giọt, còn doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng? Ảnh: Hữu Khoa

Theo Bộ Công thương, bình quân giá xăng dầu trong 15 ngày qua đã giảm khá mạnh. Tuy nhiên, mức giảm thực tế cho người dùng là 260 đồng lít.

Theo lý giải của Bộ Công thương, sở dĩ quyết định mức giảm như vậy vì Liên Bộ Công thương-Tài chính đã dừng xả quỹ bình ổn. Trước khi điều chỉnh, quỹ bình ổn đang bù đắp cho xăng là 527 đồng/lít.

Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng xung quanh câu chuyện quỹ bình ổn xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn quỹ này đi.

Sao chỉ người dân đóng, doanh nghiệp thì không?

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ (TS) Ngô Trí Long chỉ ra một bất cập hiện nay là quỹ bình ổn chỉ do người tiêu dùng đóng góp, trong khi doanh nghiệp thì không.

Ông Long cho rằng để tạo ra sự công bằng, minh bạch với người tiêu dùng thì đơn vị điều hành cũng phải quy định doanh nghiệp có phần đóng góp vào quỹ bình ổn từ lợi nhuận của mình.

TS Ngô Trí Long phân tích với mức lợi nhuận bình ổn 300 đồng/lít xăng như hiện nay thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ.

“Trong nền kinh tế thị trường sao lại có những doanh nghiệp lúc nào cũng chắc chắn lời như thế? Và tại sao chỉ người tiêu dùng đóng góp trong khi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng là hai đối tác trên thương trường?”, TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác, theo TS Ngô Trí Long, trong khi người tiêu dùng còn khó khăn thì nên giảm mạnh chứ không phải “khóa van” quỹ bình ổn như hiện nay.

“Phần tiền lẽ ra có thể giảm thêm cho người tiêu dùng thì nay lại bù vào quỹ bình ổn. Lúc này, người dân phải chi hơn 800 đồng/lít xăng cho quỹ bình ổn”, ông Long nói.

Với mức lợi nhuận bình ổn 300 đồng/lít xăng như hiện nay thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ.

Lý giải vì sao giá xăng thế giới giảm 40% nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm 20%, TS Ngô Trí Long cho rằng có hai nguyên nhân: một là những loại thuế, phí hiện nay mà một lít xăng phải “cõng”, hai là đóng góp cho quỹ bình ổn.

“Khi tăng thì tăng cao hơn hoặc tăng tương xứng giá thế giới, nhưng khi giảm thì không bao giờ giảm tương xứng”, TS Ngô Trí Long nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với cơ chế điều hành giá xăng dầu như hiện nay thì phần thiệt luôn thuộc về người tiêu dùng, bất kể giá lên hay xuống.

Nên bỏ hẳn quỹ bình ổn?

Trao đổi với TTO, phó giáo sư (PGS), TS Nguyễn Minh Phong, giảng viên ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng có sự không rành mạch giữa các yếu tố cấu thành giá cơ sở.

Giá cơ sở không chỉ được cấu thành từ giá nhập khẩu mà còn có thêm các loại thuế, phí, quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức.

“Do vậy, kể cả giá xăng dầu nhập khẩu xuống thấp mà những chi phí khác điều chỉnh lên thì giá bán đến tay người dùng vẫn tăng”, ông Phong nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phong, giá cơ sở chỉ nên được cấu thành từ giá nhập khẩu và các chi phí về kỹ thuật vận chuyển, không nên có các khoản thu của Nhà nước và phần lãi của doanh nghiệp. “Như vậy sẽ minh bạch và giá cả sẽ thật sự lên xuống theo thị trường”, ông Phong nhận định.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì nó không có tác dụng và làm nhiễu thị trường

Về quỹ bình ổn xăng dầu, PGS.TS Nguyễn Minh Phong cho biết "nên bỏ từ lâu mới đúng vì là tiền của dân mà dân chẳng được lợi gì”.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong phân tích, về bản chất, quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân đóng vào để “lúc giá xăng thấp thì họ phải mua với giá cao và khi giá cao thì được hạ xuống một tí”.

“Theo tôi, đã đến lúc phải bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì không có tác dụng gì. Chưa kể nó còn làm nhiễu thị trường”, PGS.TS Nguyễn Minh Phong kết luận.

Sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp

Trong phiên chất vấn ngày 11-6-2015, một đại biểu quốc hội đã đặt vấn đề về sự bất hợp lý cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, để đảm bảo hài lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cơ chế giá xăng dầu hiện nay.

Trả lời, bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết điều hành giá xăng dầu bao giờ cũng phải kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo bộ trưởng Hoàng, nghị định 83 được thực hiện từ tháng 11-2014, bên cạnh những mặt tốt thì vẫn còn những điểm cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, trong giá cơ sở có chi phí định mức và lợi nhuận định mức.

“Tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ cùng với Bộ tài chính trong quá trình điều hành giá xăng dầu sẽ phát hiện và đề xuất với Chính phủ những bất cập để nếu cần thiết thì có sự bổ sung, sửa đổi, để đáp ứng được mục tiêu như đại biểu đã nêu là kết hợp hài hòa ba lợi ích”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Người tiêu dùng... phát khùng vì giá?

Độc giả Việt Hưng viết: “Giá xăng dầu thế giới hạ, VN cứ treo đó không hạ, có hạ cũng chỉ 100, 200 đồng. Xăng dầu thế giới tăng, nước ta tăng theo 2000, 3000, 4000 đồng. Doanh nghiệp xăng dầu làm ăn kiểu vậy sao không lãi lớn, đưa giá nào Bộ công thương kiểm tra cũng hợp lí thôi!”

Một bạn đọc khác cho rằng: “Xăng dầu lúc nào không lãi khủng, người tiêu dùng lâu lâu phát khùng vì giá tăng! Các con số lãi công bố chỉ là nhỏ, con số lãi thực sự không chừng lớn lắm”

Bạn đọc Nam Anh nói: “Quỹ bình ổn xăng dầu; giá bình quân 15 ngày,...có phải đang làm cho việc quản lý khó khăn và thiếu minh bạch, đi ngược với xu hướng thế giới ? Những khoản tiền này trước giờ đều do người tiêu dùng chi trả, thiệt cũng là người dân chúng tôi. Kinh doanh xăng dầu lời thì các vị hưởng, lời 1.105 đồng/lít mà”.

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Nga, phó khoa kinh tế Đại học Kinh tế - luật TP.HCM cho rằng doanh nghiệp xăng dầu đạt lãi suất hơn 5%.

Với vòng quay giả định chu kỳ là một tháng, kinh doanh xăng dầu có lãi tới 60% một năm bằng cách tính thông thường. Để so sánh, lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng trong thời điểm kinh tế diễn biến tốt cũng chỉ tầm 30%, các ngành sản xuất kinh doanh khác tầm 10 - 20%”.

Nghe các phát biểu trong bài

>> Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

>> Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

>> Tiến sĩ Ngô Trí Long

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên