Điểm mặt truyền thông "xúi giục" nghệ sĩ phản cảmThẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảmChính khán giả "thôi thúc" nghệ sĩ khoe thân?Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm phải dừng biểu diễn
Phóng to |
Đã có khoảng 30 tham luận được các đại biểu gửi tới, trong đó có 18 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội nghị nhưng hầu hết đều nêu thực trạng, ít đề cập đến giải pháp. Dẫu có sự tham gia góp ý nhiệt tình từ các cơ quan ban ngành, đơn vị biểu diễn nhưng hội nghị lại khá buồn tẻ bởi thiếu phần tranh luận, đặt câu hỏi cũng như vắng sự hiện diện của “các nhân vật cần được nâng cao thẩm mỹ” - các nghệ sĩ đang gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua.
Thời của “thảm họa nghệ thuật”?
Như Tuổi Trẻ từng đề cập trong loạt bài “Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm” (21, 22-12), những vấn đề riết róng của thực trạng biểu diễn nghệ thuật hiện nay liên tục được các đại biểu trình bày trong tham luận hoặc phát biểu tại hội nghị. Nào là chuyện nghệ thuật sân khấu cũ kỹ, mất người xem và bị lấn át bởi tấu hài, kinh dị, ma quỷ; chuyện phòng the tế nhị và kín đáo nay được công khai phô diễn trong các video clip ca nhạc tầm thường; những “thợ hát”, “thợ diễn”, “thợ nhảy múa” cứ mặc sức tung hoành trên sân khấu; những “nghệ sĩ tự phong” ngày càng nhiều với đủ thứ chiêu trò, xìcăngđan, phát ngôn gây sốc; gần đây lại còn có cả những ban giám khảo hồn nhiên nhận xét theo ý thích...
Nhạc sĩ Hồ Quang Bình (chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội) trích ra những đoạn lời hát tiêu biểu của dòng nhạc “té ghế” với lời cảnh báo “cấm người lớn trên 18 tuổi nghe” như: “Cái ông thầy gì đâu mà lúc nào cũng nghiêm nghị, lên trả lời bài mà cứ cho zê-rô...”. Nhà viết kịch Chu Thơm (nguyên phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn) lại liệt kê ra những “thảm họa nghệ thuật” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây: thảm họa nhạc Việt, thảm họa phim Việt, thảm họa thời trang... và ngao ngán với cái tiêu chí kỳ lạ của showbiz Việt hiện nay: “Không “thảm họa” bất thành nổi tiếng”!
Có một điều đặc biệt là tại buổi hội thảo, ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) đã mời hai nhà báo lên đọc tham luận đầu tiên, cho thấy vai trò quan trọng của báo chí và truyền thông trong vấn đề này. Nhà báo Lương Xuân Đức (báo Nhân Dân) cho rằng trong một thế giới phẳng với độ phủ sóng và lan truyền quá nhanh của thông tin là một mảnh đất màu mỡ cho những sự nổi tiếng nhờ tai tiếng. Đời sống riêng tư, “tai nạn” trong biểu diễn là những đề tài gây sốt được báo chí hướng tới. Tin nào càng giật gân, càng câu khách thì càng được báo chí đua nhau mổ xẻ, phân tích, bình luận.
Nhà báo Phan Tùng Sơn (báo Quân Đội Nhân Dân) thì có lời... xin lỗi trước khi trình bày tham luận vì nghĩ rằng ý kiến của mình có thể sẽ động chạm đến nhiều đồng nghiệp. Chẳng hạn chuyện hình ảnh một nghệ sĩ nhân dân chỉ xuất hiện khiêm tốn ở một góc nhỏ trên trang tin, nhưng hình ảnh một ca sĩ vô danh “khoe hàng” trên sân khấu thì được đặt to tướng trên phần chính của giao diện. Hay chuyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo cũng được đề cập. Và còn cả sự nuông chiều và tôn vinh một cách thái quá của truyền thông với các danh xưng: danh hài, diva, nữ hoàng đồ lót, ngôi sao điện ảnh, top này top kia...
Tiến tới luật nghệ thuật biểu diễn
Một vài giải pháp hết sức căn cơ nhưng không dễ thực hiện được các đại biểu như ca sĩ Thanh Thúy, nhạc sĩ Đinh Linh, ông Trần Minh Phương... đưa ra trong hội nghị. Các giải pháp tập trung vào ba nội dung: bồi dưỡng, đào tạo một thế hệ trẻ những người làm công tác quản lý, phê bình, biên tập các chương trình nghệ thuật và đội ngũ những người biểu diễn; nâng cao “sức đề kháng” cho công chúng trước các tác phẩm văn hóa, biểu diễn độc hại; thắt chặt sự quản lý của Nhà nước với báo chí - truyền thông về văn hóa nghệ thuật, cần luật hóa hành vi tuyên truyền phản văn hóa; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng như các hình thức khen thưởng - chế tài nghiêm minh để khuyến khích, động viên các lao động nghệ thuật nghiêm túc, dẹp bỏ tận gốc các “thảm họa văn hóa”.
Kết thúc hội nghị vào cuối giờ chiều, ông Vương Duy Biên cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn đã hoàn tất nghị định về nghệ thuật biểu diễn và đang chờ Chính phủ thông qua. Riêng những góp ý thiết thực trong hội nghị sẽ được đưa vào thông tư sắp tới để thực hiện các nghị định thật tốt. Ông Biên cũng cho hay cục đang tiến hành các bước cho sự ra đời của luật nghệ thuật biểu diễn, sẽ được bàn bạc tại Quốc hội khóa tới. Nếu vậy, đây sẽ là văn bản luật chính thức và đầy đủ nhất để có thể giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn sôi động trong đời sống nghệ thuật cả nước.
* Chỉ có hai trường hợp ở TP.HCM bị phạt Ông Trần Minh Phương - trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở VH-TT&DL TP.HCM - cho biết: “Bình thường mỗi năm Sở VH-TT&DL cấp phép công diễn khoảng 400 chương trình biểu diễn sân khấu, ca múa nhạc và thời trang”. Đáng ngạc nhiên là trong năm bùng nổ “thảm họa” này, chỉ có hai trường hợp (Công ty Venus và Công ty TNHH nghệ thuật giải trí Bạch Kim) bị Sở VH-TT&DL TP.HCM xử lý vì tự ý thay đổi trang phục không đúng với nội dung giấy phép công diễn. * Truyền thông về giải trí phát triển ô hợp Thực tế đang có những “vùng trắng” về quản lý văn hóa trong hoạt động truyền thông. Thế nên một nghệ sĩ ăn mặc phản cảm khi biểu diễn có thể bị ngành chức năng xử phạt, nhưng các website, các tờ báo, tạp chí đăng nội dung, hình ảnh phản cảm thì không thấy ai đụng đến. Sự buông lỏng, dễ dãi này khiến hoạt động của truyền thông - báo chí về lĩnh vực giải trí, nghệ thuật biểu diễn phát triển ô hợp, thích gì đưa nấy, không quan tâm đến hậu quả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận