14/09/2020 20:20 GMT+7

Sáng tác kịch bản phim: Nếu thấy hay, đừng sợ 'nhạy cảm' mà vội gạt đi...

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - "Tôi vẫn rất e ngại ban giám khảo thấy kịch bản hay nhưng chỉ vì hơi nhạy cảm đã sợ và gạt đi", đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ trong lễ phát động cuộc thi 'Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020' tổ chức hôm 14-9.

Sáng tác kịch bản phim: Nếu thấy hay, đừng sợ nhạy cảm mà vội gạt đi... - Ảnh 1.

Bộ phim Ròm đã phải cắt sửa rất nhiều mới ra rạp vì có nhiều yếu tố bị cho là "nhạy cảm" - Ảnh: ĐPCC

Sau 10 năm, Cục Điện ảnh mới tổ chức lại cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: "Theo kế hoạch năm do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phê duyệt cho cục không có cuộc thi này. Cục đã rất cố gắng để tổ chức cuộc thi bởi kịch bản là vấn đề quá cấp bách của điện ảnh".

Cần thoát khỏi nỗi sợ hai từ ‘nhạy cảm’

Là một đạo diễn đã làm nhiều phim do nhà nước tài trợ, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết chị nhận thấy từ lâu các hội đồng thẩm định kịch bản của các cơ quan nhà nước đã bị sa vào lối mòn.

"Có những phim có đề tài tốt nhưng tiếc là nghệ thuật viết kịch bản thấp, câu chuyện hơi nhạt. Với những giám khảo an toàn, họ sẽ có xu hướng chọn kiểu kịch bản dạng này. Khi giám khảo sợ phim có yếu tố "nhạy cảm", vô tình họ sẽ gạt đi những tác phẩm tốt.

Tôi chỉ lấy ví dụ tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh có rất nhiều chất liệu để khai thác, nhưng đáng tiếc lâu nay văn chương của anh ấy vẫn bị coi là "nhạy cảm".

Sáng tác kịch bản phim: Nếu thấy hay, đừng sợ nhạy cảm mà vội gạt đi... - Ảnh 2.

Cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020" tổ chức hôm 14-9 tại Cục Điện ảnh - Ảnh: NGỌC DIỆP

Nhìn ra thế giới sẽ thấy thay vì ca ngợi chiến tranh, từ lâu họ đã chuyển sang làm phim với góc nhìn phản chiến. Chiến tranh đã qua 50 năm rồi, giờ đây chúng ta nên nhìn bằng con mắt của người đương thời. Có rất nhiều cách để nhìn về cuộc chiến mà vẫn thấy nhân văn, tự hào, thay vì chỉ làm phim ca ngợi chiến tranh mãi", đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ thẳng thắn.

Cục Điện ảnh năm nay ngoài chọn các kịch bản nhà nước vẫn chú trọng đặt hàng như đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi, chủ trương tìm kiếm các đề tài của cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. "Tất nhiên theo nguyên tắc nhân văn", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đánh giá quyết định của Cục Điện ảnh: "Vẫn sẽ có những phim đề tài xã hội có tính nhân văn cao, vẫn phản ánh được những yêu cầu của Đảng và Nhà nước, đâu nhất thiết cứ phải làm phim đề tài chiến tranh, cách mạng. Vấn đề cuối cùng vẫn chỉ là có phim hay không thôi".

Cần minh bạch, tránh ‘nể tình’ chọn kịch bản của nhau

Tham gia buổi lễ, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói ông nhận thấy nếu các cuộc thi không làm chặt quy chế chấm giải thì nghệ sĩ ngay lập tức có xu hướng xuê xoa, nể tình mà bầu chọn cho nhau. Ông Thọ cho rằng hình thức bầu phiếu kín rất nguy hiểm vì không ai chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình, dễ rơi vào lợi ích nhóm.

"Cục nên yêu cầu giám khảo chọn phim nào thì phải ký vào phiếu bình chọn, giám khảo phải tranh luận với nhau công khai đến cùng thì may ra mới chọn được kịch bản tốt", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết năm nay cục sẽ cố gắng tìm một hội đồng tuyển chọn kịch bản cho cuộc thi tốt nhất có thể. 

"Chúng tôi không dám hứa sẽ có hội đồng tuyệt hảo, nhưng sẽ là tốt nhất có thể. Giám khảo chấm phải ghi điểm ra phiếu và phải bảo vệ quan điểm trước toàn hội đồng", ông Vi Kiến Thành cho biết thêm.

Thời gian phát động cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020" kéo dài từ ngày 14-9 đến hết ngày 1-11. Sau vòng sơ tuyển (2-11 đến 2-12), chấm thi trao giải vào ngày 22-12 đến 24-12.

Duyệt phim theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm?

Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết Cục Điện ảnh sẽ chuẩn bị trình Chính phủ dự luật Luật điện ảnh sửa đổi vào tháng 4-2021 và trình Quốc hội vào tháng 10-2021.

"Chúng tôi cũng đang cân nhắc xem việc duyệt phim phát hành sẽ nên duy trì chế độ tiền kiểm (nhà nước thẩm định phim trước khi phim phát hành) hay hậu kiểm (phim ra rạp rồi, nếu có vấn đề mới thanh tra).

Cách nào cũng có ưu có nhược.

Với tiền kiểm thì nếu phim có vấn đề hội đồng vẫn có thể yêu cầu cắt sửa, rồi cho phát hành. Còn với hậu kiểm, nếu phim đó có vấn đề thì dừng không sửa chữa gì nữa, coi như kinh phí phim đó đổ sông đổ bể", ông Vi Kiến Thành nói.

Công bố 24 kịch bản xuất sắc nhất của Nhà biên kịch tài năng 2017 Công bố 24 kịch bản xuất sắc nhất của Nhà biên kịch tài năng 2017

TTO - Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2017 vừa công bố danh sách 24 thí sinh có ý tưởng kịch bản xuất sắc tham gia vào giai đoạn 2 của cuộc thi từ hơn 3000 ý tưởng kịch bản gửi về cho chương trình.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên