Theo chương trình kỳ họp, phiên bế mạc bắt đầu từ 8h sáng 18-1 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi.
Theo đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi; Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Đồng thời, sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5. Dự kiến, sau phiên bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tổ chức họp báo thông tin về kết quả kỳ họp.
Đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước.
Dự luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại 4 kỳ họp Quốc hội, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).
Đến nay, dự thảo luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của nghị quyết số 18, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Dự luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, tránh xung đột cho quá trình tổ chức thực hiện.
Còn với dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng tổ chức tín dụng.
Quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu.
Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức tín dụng; điều khoản chuyển tiếp; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý nhiều điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận