Phóng to |
57 năm đã qua kể từ ngày toàn dân đứng lên cướp chính quyền, đưa đất nước ra khỏi xiềng xích nô lệ. Rất nhiều trong số những con người của mùa thu lịch sử ấy đã thành người thiên cổ. Nhưng với những người còn sống như các ông, kí ức của những ngày cờ đỏ ấy vẫn trọn vẹn, tươi nguyên - nhất là vào những ngày tháng 8 này...
Chiến đấu vì gạo cho dân
Cuối tháng 5/1945, ông Lê Trọng Nghĩa được đồng chí Lê Đức Thọ (bấy giờ là uỷ viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách xứ uỷ Bắc kì) giao nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc cùng với đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách Hà Nội.
Ông Nghĩa kể: "Đầu tháng 8/1945, tình hình Hà Nội biến động dồn dập. Tôi vào ATK (An toàn khu) ở Hà Đông báo cáo về các cuộc tiếp xúc của tôi với ông khâm sai Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim. Tinh thần ông Toại đang chao đảo và có lời mời Việt Minh tham chính. Anh Nguyễn Khang và anh Trần Tử Bình lắng nghe, tỏ vẻ đắn đo…
Phóng to |
Ngay sau đó, ông Nghĩa cùng đoàn Việt Minh do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách và đồng chí Trần Đình Long (làm cố vấn) đã đến “nói chuyện” với ông Phan Kế Toại, bác bỏ việc tham chính và yêu cầu ông Toại từ chức, giao chính quyền lại cho Việt Minh.
Sáng ngày 19, khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa, ông Nghĩa là người trực tiếp phụ trách cánh biểu tình xông vào chiếm Phủ Khâm sai, đối mặt với người đứng đầu chính quyền trong Phủ.
Ông nhớ lại: "Trước Phủ Khâm sai, quần chúng biểu tình, bao vây, kêu gọi rồi quyết liệt xông lên, vượt rào; cùng lúc cổng Dinh được mở ra. Mọi người tràn vào. Binh lính bỏ súng, đầu hàng. Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuân Chữ bị giữ và đưa ngay ra ATK… Phủ Khâm sai - mục tiêu số 1, ở giữa Thủ đô - bị ta chiếm giữ hoàn toàn, rất chính đáng mà không gặp một sự chống đối hay kháng cự nào từ người cầm đầu chính quyền cho đến lực lượng bảo an binh của Phủ".
Quay trở lại câu chuyện ở “thì hiện tại”, ông nói thêm: Ngày đó, chúng tôi sở dĩ dám xông lên, nhân dân Hà Nội và cả nước dám xông lên cướp chính quyền là vì dân chủ thực sự!. Vì bản thân tôi, bản thân miền Bắc đói chết hơn 2 triệu người. Chúng tôi chiến đấu vì tin tưởng ở dân chủ ở Việt Minh do cụ Hồ lãnh đạo, là toàn thể nhân dân làm chủ. Nghĩa là có gạo ăn, người dân có quyền tự chủ…
Nhưng rồi giọng ông đột ngột chùng xuống: “Cứ mỗi độ tháng 8 về như thế này khoảng vài năm trở lại đây tôi lại hơi buồn. Tôi đã vào Sài Gòn sống một thời gian dài, giờ quay lại Hà Nội, ở đâu cũng vậy, có cảm giác, trong một lúc nào đó, trong dịp kỉ niệm nào đó, chúng ta rầm rộ mà chưa sâu…
Cầm gậy đánh Tây, quên máy ảnh
Trong những ngày tháng 8 này, có một cụ ông lại ngày ngày vác máy ảnh lang thang dọc tuyến đường hàng Khay, qua Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn. Ông bảo: Cả đời ông cầm máy, những ngóc ngách, những biến cố lớn của Hà Nội hơn 60 năm qua đều có trong kho ảnh nhà ông. Chỉ duy nhất những ngày cách mạng tháng 8 là ông bỏ máy để cầm... gậy đánh Tây. Cũng chẳng biết nên vui hay buồn, nhưng thi thoảng, lại thấy lòng nặng nặng vì điều đó...
Ông Phan Xuân Thuý sinh ra trong một gia đình làm ảnh từ những năm 1920. Hồi đó, tiệm ảnh nhà ông thuộc loại lớn nhất Bờ Hồ. Cũng thời gian đó, ông lặn lội lên Sa Pa mở tiệm ảnh đầu tiên ở chốn sương mù.
Ông kể lại những ngày máu me kiểu "vứt bút chì đi để cầm lấy súng" ấy...
Phóng to |
"Điều đáng tiếc nhất trong bộ ảnh Hà Nội lịch sử của tôi là thiếu những ngày Hà Nội khởi nghĩa", ông Nghĩa tâm sự. |
Đầu năm 1945, công việc quen thuộc của ông Thuý vẫn là ngày ngày chụp ảnh cho Tây ở trại bảo án binh, trước rạp Tràng Tiền vì ông nổi tiếng chụp theo kiểu tây, không như mấy hiệu ảnh hồi đó vẫn trung thành kiểu cổ điển.
Cho đến những ngày gần tổng khởi nghĩa, cụm từ "Nhật đi", "Việt Minh về", được nói nhiều. Rồi cán bộ Việt Minh qua lại cửa hàng ngày một đông. Dần dần, ông kết giao với những cán bộ Việt Minh, được ông Lâm Kính, Trung đoàn trưởng trung đoàn 308 động viên, ông bắt đầu tham gia vào phong trào "đuổi đánh viên chức tây" bằng gậy, bằng súng cao su trên đường Đồng Khánh (phố Hàng Bài bây giờ), các quán bar trước rạp công nhân.
Cứ thế, những ngày đó, cái nghiệp cầm máy của ông bị "treo" lại mà ông chẳng kịp nhận ra. Ông Thúy kể: Cho đến sáng 19/8, đứng trước rừng người trước Nhà hát Lớn, chứng kiến khoảnh khắc đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng kéo cờ Tổ quốc lên tôi mới sờ lên trước ngực... tìm máy ảnh. Lúc ấy mới biết, với nghề, mình đã lỡ mất một thời khắc tuyệt vời nhất. Có điều chưa kịp tiếc, tôi lại bị cuốn vào đoàn người biểu tình vòng qua Phủ Chủ tịch. Và đến tận bây giờ, mỗi lần lật tập ảnh Thủ đô những ngày toàn quốc kháng chiến, ngày quân giải phóng về tiếp quản, bất giác có ai hỏi: Sao không có ảnh nào ngày tổng khởi nghĩa, ông Thuý không khỏi chạnh lòng...
Nghệ sĩ "hoàn dân" như ông Phan Xuân Thuý, hay nhân vật cao cấp của chính quyền khởi nghĩa như ông Lê Trọng Nghĩa, đều nôn nao khó tả khi kể về Mùa thu tháng Tám. Các ông nói: "Cảm xúc ấy chỉ có trong những thời khắc quyết định, khi mà cá nhân hòa chung với vận mệnh của dân tộc để làm một cái gì đó lớn lao ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, thời ấy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận