04/03/2023 17:40 GMT+7

Sáng chế tàu USV tự hành thông minh, giành giải nhất thi sáng tạo khoa học

Đây là thiết bị tích hợp ba tính năng, gồm đo độ sâu, lấy mẫu nước và thu vớt rác thải, do nhóm năm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Sáng chế tàu USV tự hành thông minh, giành giải nhất thi sáng tạo khoa học - Ảnh 1.

Sáng chế tàu USV tự hành thông minh của nhóm The F.I.R.S.T. trưng bày tại triển lãm vòng chung kết "Sáng tạo trẻ 2022" - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Sáng tạo vì cuộc sống

Ngày 4-3, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, vòng chung kết cuộc thi "Sáng tạo trẻ 2022" đã diễn ra với phần tranh tài bằng những dự án khoa học của năm đội thi.

Với chủ đề "Sáng tạo vì cuộc sống", cuộc thi năm nay hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp về giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…

Để đến với phần thi thuyết trình về dự án tại vòng chung kết, năm nhóm thi đã trải qua 8 tháng nghiên cứu, phát triển dự án. Giải nhất năm nay thuộc về sáng chế tàu USV tự hành thông minh của nhóm The F.I.R.S.T.

Bạn Cao Thị Quỳnh Trâm, thành viên nhóm The F.I.R.S.T., chia sẻ để giám sát và xử lý chất lượng môi trường sông, hồ, cần các công việc khảo sát độ sâu, phân tích mẫu nước và thu dọn rác. Tất cả các công việc này hiện đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công, không chỉ gây tốn kém tiền bạc, công sức mà còn tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn cho con người.

Vì vậy, sáng chế tàu USV tự hành thông minh của nhóm là thiết bị tích hợp ba tính năng đo độ sâu, lấy mẫu nước và thu vớt rác thải.

Sáng chế này sẽ được ứng dụng trong khảo sát địa hình lòng sông hồ, tự động hóa mọi công việc nằm trong vấn đề quản lý chất lượng môi trường trên phạm vi rộng; giúp quản lý một vùng sông nước lớn.

Sáng chế tàu USV tự hành thông minh, giành giải nhất thi sáng tạo khoa học - Ảnh 2.

Nhóm The F.I.R.S.T. giành giải nhất cuộc thi với sáng chế tàu USV tự hành thông minh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ươm mầm đam mê khoa học công nghệ

PGS Huỳnh Đăng Chính, phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay trong những năm gần đây, số lượng đề tài nghiên cứu của sinh viên nhà trường có sản phẩm thực tế gắn liền với xu hướng và nhu cầu xã hội ngày càng tăng, đạt mức 100 sản phẩm mới/năm.

"Sáng tạo trẻ là một ví dụ sinh động của việc thực hiện chủ trương xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ kỹ thuật hướng tới khởi nghiệp", thầy Chính nói.

Việc tổ chức cuộc thi thường niên sẽ tạo điều kiện cho sinh viên vận dụng, kết nối kiến thức với suy nghĩ sáng tạo để triển khai những ý tưởng thú vị thành những sản phẩm thực tiễn cho cuộc sống, dựa trên công nghệ tiên tiến và đậm chất kỹ thuật.

Thầy Chính cho biết thêm, tham dự cuộc thi, sinh viên vừa có cơ hội giới thiệu, phát triển ý tưởng của mình, vừa được đào tạo, rèn luyện với các cố vấn, chuyên gia ươm tạo, vừa được học hỏi, thể hiện bản thân và nhận những phần thưởng khuyến khích.

Sân chơi này ngày càng hấp dẫn đối với sinh viên các ngành trong trường, cũng như sự quan tâm của các sinh viên ngoài trường và xã hội thông qua các sản phẩm sáng tạo và trẻ.

5 dự án vào chung kết "Sáng tạo trẻ 2022":

- Máy chiếu cảm ứng tiện lợi sử dụng công nghệ đồng bộ tần số quét và xử lý hình ảnh có chọn lọc;

- Exoskeleton Suit - ý tưởng nghiên cứu khoa học từ khung xương dưới của người sắt Tony Stark;

- Tàu USV tự hành thông minh;

- Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hóa vận chuyển trong logistics;

- Tận thu xà cừ ngọc trai.

Học sinh TP.HCM nghiên cứu đề tài Học sinh TP.HCM nghiên cứu đề tài 'Tôi là ai?' tại cuộc thi khoa học kỹ thuật

'Tôi là ai?' là kết quả nghiên cứu của Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Cẩm nang đã được công bố tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCM ngày 4-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên