16/12/2016 11:06 GMT+7

Sáng chế nâng cao giá trị cá ngừ cho ngư dân

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sản phẩm “Túi bảo quản lạnh, thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ”, đội HQT (ĐH Duy Tân -Đà Nẵng) khiến ban giám khảo cuộc thi Thử thách sáng tạo có mục tiêu bất ngờ.

Nhóm HQT (Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng) với hệ thống “Thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ” - Ảnh: T.Trung
Nhóm HQT (Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng) với hệ thống “Thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ” - Ảnh: T.Trung

Mẫu chạy thử gồm hai phần: “Bảo quản cá ngừ ở nhiệt độ thấp trong túi làm lạnh” và “Thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ”.

Trong đó phần bảo quản lấy ý tưởng từ cấu tạo chiếc mũ bảo hiểm, đội HQT thiết kế một loại túi bảo quản lạnh với chín lớp từ các chất liệu nhựa composit, xốp ép để nâng cao độ bền và khả năng bảo quản lạnh.

Để cách tân sản phẩm, nhóm này còn thiết kế chiếc túi với màu sắc dễ nhận biết, khi rơi xuống nước có thể nổi, phát tín hiệu SOS (ánh sáng, âm thanh hoặc gửi tín hiệu qua Internet, điện thoại).

Trong khi đó, phần quản lý dữ liệu, nhóm HQT nghĩ ra giải pháp trang bị một thẻ mang mã số ID gắn vào đuôi mỗi con cá ngừ. Tấm thẻ này như “hộ chiếu” của mỗi con cá ngừ từ lúc được đưa lên khỏi mặt nước đến khi vào bếp chế biến.

“Chúng tôi đọc báo thấy những con cá ngừ đại dương được bà con câu tay với cân nặng hàng chục ký được mệnh danh là sản phẩm số 1 trên Biển Đông. Rõ ràng là quá quý, đến nỗi người Nhật cũng sang đây tìm nguồn cung.

Nếu con cá nào cũng được bảo quản tốt và đánh bắt ở những vùng biển rõ ràng được mang “con dấu” là mã số ID thì giá trị thương hiệu càng cao.

Nếu có thể đầu tư nâng cao chất lượng bảo quản và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để phục vụ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc thì cá ngừ đại dương do ngư dân mình đánh bắt có thể tham gia những chợ đấu giá với giá bán rất cao, ngư dân có động lực vươn khơi bám biển làm giàu” - sinh viên Lê Quang Thành, trưởng nhóm, nhận định.

Trong khi đó, năm cô gái và một chàng trai đội Dreamers (ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội) đưa ra ý tưởng của sáng chế là một hệ thống làm mát thông minh được sử dụng trên những chiếc thuyền nhỏ.

Hệ thống làm nhiệm vụ “kép” vừa bảo quản các loài cá (đặc biệt là cá ngừ) trong điều kiện thích hợp, vừa có thể truy xuất nguồn gốc và định vị vị trí của cá.

Ông David Saiia, thành viên ban giám khảo cuộc thi Thử thách sáng tạo có mục tiêu (TIC do Công ty Frontier Law & Advisory phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng vừa tổ chức tại VN), nhìn nhận các nhóm có những hướng đi mới để giải quyết vấn đề bảo quản lạnh cá ngừ ở điều kiện tiêu chuẩn để đưa lên máy chủ.

"Kỹ thuật bảo quản cá ngừ của ngư dân còn rất yếu, làm giảm chất lượng và giá cá ngừ trên thị trường. Những sản phẩm này đương nhiên rất nhiều tiềm năng bởi sẽ giúp cải thiện ngành đánh bắt cá ngừ của ngư dân Việt Nam" - ông Saiia nói.

Các thành viên ban giám khảo cùng nhận định ngành xuất khẩu cá ngừ đại dương hiện có nhiều tiềm năng, nhất là khi có thị trường Nhật Bản đang xúc tiến mua các loại cá do ngư dân Khánh Hòa, Phú Yên đánh bắt nên những bước đi như thế này là rất cần thiết trong thời gian tới.

Ban giám khảo cũng mong muốn sau cuộc thi, các đội sẽ đầu tư thêm để hoàn thiện sản phẩm, lưu ý tìm các giải pháp đỡ tốn kém hơn.

Thách thức của cuộc thi lần này là trong lĩnh vực đánh bắt cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu tay. Trong đó đề bài đưa ra sáng chế gốc của ông Stanley Boots - CEO của Frontier Law & Advisory - và yêu cầu các đội thi có ý tưởng hoặc sản phẩm nhằm mục đích bảo quản lạnh cá ngừ để cải thiện ngành đánh bắt cá ngừ tại Việt Nam.

Các đội sáng chế được trao quyền truy cập Gói thử thách trong 24 giờ để tìm hiểu sáng chế gốc bảo mật. Sau hai tháng tranh tài, giải nhất được trao cho đội HQT, giải nhì thuộc về đội Dreamers.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên