07/05/2018 16:42 GMT+7

Sáng chế không biên giới

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Từ Ấn Độ, Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Jordan, gần 100 kỹ sư, nhà sáng chế nghiệp dư gặp gỡ tại TP.HCM để cùng sáng tạo những sản phẩm hữu ích cho kinh tế và môi trường.

Sáng chế không biên giới - Ảnh 1.

Giám đốc fablab Ấn Độ hỗ trợ chủ cửa hàng 3T làm lò sấy ống hút cỏ - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Hội nghị mạng lưới Fablab châu Á lần 4 vừa bế mạc cuối tuần qua tại TP.HCM quy tụ hàng chục phòng thí nghiệm chế tác kỹ thuật số trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào đời sống và giáo dục sáng tạo.

Ống hút cỏ, xe đạp lọc nước

"1kg chanh bán tại vườn có khi chỉ được vài ngàn đồng nhưng một ống hút xanh có giá 600 đồng", anh Trần Minh Tiến - chủ cửa hàng 3T ở Đức Huệ, Long An chia sẻ tại hội nghị.

Để đem lại thu nhập tốt hơn cho nông dân quê mình, anh Tiến đã nhiều năm bền bỉ theo đuổi mô hình kinh doanh đồ tái chế, cây mọc dại. Hiện tại, ống hút cỏ hay ống hút tre của 3T được thị trường đón nhận tốt, góp phần giáo dục ý thức về rác thải nhựa.

Tuy nhiên cách làm thủ công vướng phải một số hạn chế, anh Tiến mang "đứa con tinh thần" đến hội nghị và được TS. Yogesh Kulkarni - giám đốc fablab Ấn Độ, gợi ý thiết kế "máy" sấy cỏ tươi bằng sức nóng mặt trời, che nắng mưa, giữ màu xanh, hạn chế tối đa tình trạng nứt giòn, tiết kiệm diện tích phơi.

Anh Tiến không giấu nổi vui mừng khi tìm ra giải pháp đơn giản, hiệu quả cho quy trình sản xuất, đồng thời có một người thầy mới.

Trong khi đó, lặn lội từ Trà Vinh, nhóm hoạt động cộng đồng Eco Việt Nam mang xe đạp lọc nước đến sự kiện nhằm tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, sớm đưa xe đạp vào sử dụng.

Đây là dự án nghiên cứu tình nguyện của nhóm sinh viên Singapore thực hiện trong tháng 1-2018 tại Trà Vinh. Khi xe đạp hoạt động, dòng điện được tạo ra làm máy bơm hoạt động, đưa nước vào lõi lọc gắn bên hông yên sau.

Thời gian đầu sau khi nhóm sinh viên Singapore về nước, thiết bị ngừng hoạt động nên chưa thể phục vụ người dân địa phương.

Sáng chế không biên giới - Ảnh 2.

Xe đạp chuyển đổi dòng điện xoay chiều thành một chiều để lọc nước và sạc pin dự phòng - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Sau ba ngày làm việc với Fablab Sài Gòn, xe được thay đổi nguyên lý tạo ra dòng điện. Bằng cách lắp thêm hệ thống nam châm điện từ trường, xe tạo ra điện xoay chiều với hiệu suất tốt hơn, đồng thời không ma sát lên bánh xe.

Ở đầu cuối, dòng điện xoay chiều đi qua bộ chỉnh lưu trở thành điện một chiều với hiệu điện thế điều chỉnh được từ 1-20V tùy theo mục đích sử dụng. Nhờ vậy, người dân có thể dùng để sạc pin dự phòng, bơm lọc nước...

Chị Châu Mỹ Ngọc đại diện Eco Việt Nam group chia sẻ: "Với sự hướng dẫn kỹ thuật, nhóm rất mong có thể hoàn thiện xe, chạy thử nghiệm để kiểm tra năng suất lọc nước, nếu thuận lợi sẽ phổ biến cho người dân ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh".

Thiết kế chương trình giáo dục sáng tạo

Không chỉ miệt mài chế tác, hội nghị còn lắng nghe nhiều phần chia sẻ về giáo dục sáng tạo tại các fablab Philippines, Jordan, Nhật Bản. Trong đó câu chuyện đầy cảm hứng từ ngôi làng Pabal, Ấn Độ khiến người nghe ngưỡng mộ.

Sáng chế không biên giới - Ảnh 3.

Hộp thức ăn tự động cho mèo trên nền tảng IoT do học sinh 7 tuổi ở Nhật thực hiện - Ảnh: TƯỜNG HÂN

"Nông thôn đầy rẫy vấn đề, mỗi vấn đề là một cơ hội. Chúng tôi cố gắng tìm ra giải pháp công nghệ cho vấn đề nông thôn" - đó là phương châm của Trung tâm đào tạo thanh thiếu niên nông thôn Vigyan Ashram do TS. Yogesh Kulkarni điều hành.

Trung tâm thuộc Viện giáo dục Ấn Độ (IIE) hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng công nghệ. Năm 2016, TS. Yogesh được ghi nhận về thành quả lan tỏa chương trình tiền đào tạo nghề với tên gọi "Giới thiệu Công nghệ cơ bản" tại 122 trường học Ấn Độ.

Không nghĩ có sự khác biệt giữa trình độ học sinh ở làng quê và thành thị, TS. Yogesh cho rằng: "Khoa học là tìm hiểu tự nhiên và học sinh ở nông thôn lại gần gũi thiên nhiên. Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn các em học hỏi từ môi trường xung quanh, cách lao động năng suất và có ích.

Chẳng hạn khi học sinh tham gia hoạt động sản xuất nông nghiêp, các em sẽ hiểu về sinh học, quang hợp, đất đai, sinh trưởng cây trồng. Chúng tôi cố gắng cho học sinh những trải nghiệm không có được ở trường hay gia đình".

Sáng chế không biên giới - Ảnh 4.

Máy ấp trứng dùng năng lượng sạch với sức chứa 500-5000 trứng - Ảnh: NVCC

Trước đó, để dân làng nhận ra lợi ích từ giáo dục, trung tâm bắt đầu từ việc chế tạo máy ấp trứng cho cơ sở nuôi gà vừa và nhỏ, chuyên cho giống gà địa phương, có thể hoạt động bằng năng lượng tái tạo; hay máy sấy củ quả cho trường nội trú đề phòng mùa lương thực tăng cao…

"Hiện tại, cha mẹ sẵn sàng đăng kí cho con cái vào trung tâm để học cách làm dự án khoa học. Chúng tôi tận dụng bìa carton, gỗ, củi và một số máy móc từ nhà tài trợ, dần dần tự thiết kế một số công cụ cắt, khắc cơ bản", TS. Yogesh chia sẻ.

Những công nghệ mang dấu ấn Việt Những công nghệ mang dấu ấn Việt

TTO - Vẽ bản đồ chất lượng không khí, cảm biến sinh học phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, giải mã gen để phát hiện và điều trị ung thư là những dự án ba nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu ở nước ngoài muốn mang về quê hương.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên