07/02/2022 10:59 GMT+7

Sân khấu TP.HCM: Nôn nao, nghèn nghẹn... ngày gặp lại khán giả

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau khi mất một mùa kịch Tết năm ngoái vì ảnh hưởng dịch bệnh, rồi kéo dài suốt 9 tháng trời không thể sáng đèn, Tết năm nay sân khấu mừng vui trở lại.

Sân khấu TP.HCM: Nôn nao, nghèn nghẹn... ngày gặp lại khán giả - Ảnh 1.

Khán giả xem vở "Rồi mắc cái gì cười" tại sân khấu 5B (TP.HCM) tối 4-2 - Ảnh: GIA TIẾN

Không ít nghệ sĩ đã có những cảm xúc khó tả sau gần cả năm trời mới gặp lại khán giả thân yêu.

Cay mắt ngày trở lại

NSƯT Hữu Châu Tết này trực chiến suốt tại sân khấu Idecaf từ mùng 1 đến mùng 6, mỗi ngày 2 suất. Hai vai diễn của anh trong vở Cậu Đồng (ông Phán) và Ngũ quý kỳ phùng (tướng cướp Hiền Thục) đều phải "tốn"... nội công để đem đến tiếng cười cho khán giả những ngày đầu xuân.

Hỏi anh những ngày gần hết Tết có đuối không, anh cười nói: "Ăn nhằm gì, mấy năm trước một mùa Tết kéo dài tới mười mấy ngày, mỗi ngày ba suất tôi còn gồng nổi mà!". 

Năm nay với Hữu Châu còn đặc biệt hơn. Bởi sau 9 tháng không được diễn trên sân khấu, mùa kịch Tết này với anh thật ý nghĩa. Anh cho biết nghe tin được diễn lại, anh như con lân bị vùi trong giấc ngủ, chợt tỉnh giấc vui mừng vì được múa. 

"Trước suất diễn đầu tiên tôi nôn nao lắm. Tưởng gặp khán giả mình sẽ nghèn nghẹn. Nhưng vô diễn vui quá quên mất điều đó. Tới chừng vãn hát, thấy khán giả ngồi im, họ đưa điện thoại lên quá trời và chụp hình, không ai chịu đứng lên. 

Tự nhiên lúc đó mình nghẹn lại. Khán giả còn thương nghệ sĩ, thương sân khấu quá. Không chỉ Idecaf, tôi nghe nói các sân khấu khác mùa Tết này cũng đông vui. Mừng lắm!" - nghệ sĩ Hữu Châu xúc động nói.

Với đạo diễn Chánh Trực của nhà hát kịch 5B thì như suất diễn đầu tiên mới vô nghề. Thật thanh xuân, hồi hộp chờ xem cách xa lâu như vậy khán giả còn chấp nhận mình không, mình có đáp ứng được đô cười của họ không. 

"Suất diễn ngày mùng 1 mình hồi hộp lắm, ai dè khán giả cười rung cả ghế làm mình sướng cả người. 

Làm sân khấu giờ khó giàu được vì catsê chẳng bao nhiêu nhưng những tràng pháo tay của khán giả, cảm xúc thể hiện trên gương mặt, ánh mắt của họ khi những mảng miếng của người nghệ sĩ trên sân khấu khiến họ hài lòng làm nghệ sĩ cứ lâng lâng mãi. 

Và cảm xúc giữa khán giả - nghệ sĩ và ngược lại là thứ cảm xúc không thể đong đếm được".

Chắt chiu từng phút giây trên sân khấu

Bà bầu Mỹ Uyên tâm sự cả năm qua ở vị trí người đứng đầu nhà hát, chị mang tâm lý như nấu một nồi bún bò, cất công chuẩn bị, chăm chút nhưng cứ mang ra bị bão phải dọn vô. Điều đó khiến nghệ sĩ cũng bất an và mất cảm xúc. 

Vậy là Tết này Mỹ Uyên lại tiếp tục điệp khúc cầm nhà vay mấy trăm triệu để đầu tư vào mùa kịch Tết. Dù không kín rạp nhưng không khí rất tốt như tiếp thêm động lực cho bà bầu và nghệ sĩ.

Cảm giác của nghệ sĩ Ái Như ở sân khấu Hoàng Thái Thanh khi gặp lại khán giả là sự mừng mừng tủi tủi. 

Trước mỗi suất diễn Tết này ở sân khấu là những lời sẻ chia chân tình của nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như với khán giả như là những giao cảm, những cái nắm tay thấu cảm với những niềm vui, nỗi buồn của sân khấu năm qua, những sẻ chia với từng khán giả với cả xã hội vừa vượt qua một cơn đau dịch bệnh.

Với cô đào Hoàng Vân Anh của sân khấu thì ngay những ngày anh em nghệ sĩ tập trung chạy lại đường dây các vở cũ để chuẩn bị cho mùa Tết, Vân Anh đã có những cảm xúc rất đặc biệt. 

Với Vân Anh nó hết sức quý giá và cô chắt chiu từng khoảnh khắc được đứng bên thầy cô, anh chị đồng nghiệp. 

Vì thời điểm đó tập vậy thôi nhưng cô không biết chắc những ngày tới như thế nào, có được diễn không vì liên tục 2 năm bị hoành hành, ai cũng lo ngại về bất trắc của dịch bệnh.

Suất diễn đầu tiên của Vân Anh vào ngày mùng 3 với vở Sài Gòn có một ngã tư, cũng là ngày với giới sân khấu là ngày ra mắt Tổ nghề. Cô tâm sự cảm giác vui và hạnh phúc lắm. 

Trong những ngày dịch bệnh cô nhận được những tin nhắn động viên, hỏi thăm từ khán giả. Và hôm nay được diễn lại sau khi lâu lắm rồi mới được gắn kết với tất cả mọi người một cách trực tiếp. Những cảm xúc khó tả đó đã khiến Vân Anh diễn như chưa bao giờ được diễn.

Và mùa kịch Tết đã vui trở lại

san khau

Nghệ sĩ Hữu Châu (bìa phải) vai tướng cướp Hiền Thục trong vở kịch tết Ngũ quý kỳ phùng - Ảnh: LINH ĐOAN

Sau một năm mất mùa kịch Tết vì ảnh hưởng dịch bệnh, Tết Nhâm Dần năm nay, làng sân khấu thành phố đã vui mừng đón khán giả trở lại sàn kịch.

Trái với sự lo lắng của một số ông bà bầu sợ bà con còn e ngại dịch bệnh sẽ né đến chỗ đông người, một số sân khấu năm nay tiếp tục thắng lớn.

Sân khấu Idecaf vẫn là "thương hiệu" gần như không có đối thủ khi trước Tết một tuần đã bán sạch vé các suất diễn từ mùng 1 đến mùng 6, dẫu năm nay sân khấu không có vở diễn nào mới.

Theo sau đàn anh là sân khấu Thế Giới Trẻ cũng kín rạp các suất diễn từ mùng 1 đến mùng 7. Các suất diễn sau đó cũng đang được bán rất tốt.

Hồi trước Tết bà bầu Hồng Vân cũng không mấy lạc quan với tình hình bán vé. Tết năm nay cả nhà chị sang Mỹ để cùng đón đứa cháu ngoại đầu tiên nên sân khấu ở nhà để nhân viên lo, nhưng bất ngờ lượng khán giả mua vé tăng đột ngột khiến Hồng Vân hết sức vui mừng.

Từ Mỹ, trao đổi với chúng tôi, Hồng Vân cho biết chỉ có suất mùng 1 hơi yếu, còn các suất diễn sau hết sức khả quan. Đặc biệt những vở có yếu tố kinh dị luôn kín rạp như Người vợ ma, 292, Điềm báo.

Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh cho biết các suất đầu hơi yếu, khoảng 200 vé, các suất sau đông hơn, khoảng hơn nửa rạp. Nhưng theo chị như thế cũng mừng rồi vì chứng tỏ khán giả vẫn còn yêu mến, vẫn còn thương sân khấu kịch.

Nhà hát kịch 5B mỗi suất được chừng 80 - 150 vé. Dù không đầy rạp nhưng nghệ sĩ Mỹ Uyên cho biết không khí rất tốt. Khán giả rất hào hứng khiến nghệ sĩ như được tiếp thêm động lực.

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam trước Tết cũng trong tình trạng hồi hộp không biết năm nay vé bán sẽ như thế nào. Thế nhưng trong mấy ngày Tết, rạp xiếc của nhà hát ở công viên Gia Định (quận Gò Vấp) hết sức đông vui khi khán giả xếp hàng đến xem.

Ông Lê Diễn - giám đốc nhà hát - cho biết chương trình xiếc chủ lực năm nay của nhà hát là vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí, mỗi ngày 2 suất. Dù không kín rạp (khoảng hơn 500 chỗ ngồi) nhưng trung bình mỗi suất đạt trên 300 vé.

Điểm diễn múa rối nước của nhà hát tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày diễn 3 suất với vở Cá chép hóa rồng và các trò múa rối cổ cũng thu hút khán giả. Với sức chứa 150 chỗ ngồi, mỗi suất nhà hát đạt được từ 70 - 100 vé.

Với ông Lê Diễn và các nghệ sĩ nhà hát, đó là sự thành công ngoài mong đợi, thỏa được cơn khát của nghệ sĩ sau một năm dài không được biểu diễn, mở ra một năm mới với những tia hy vọng sáng sủa.

Sân khấu mừng tủi trở lại mùa kịch Tết Sân khấu mừng tủi trở lại mùa kịch Tết

TTO - Cận kề những ngày Tết, các sân khấu mới được tin mùa kịch Tết năm nay có thể trở lại. Sau 8, 9 tháng tắt đèn và một mùa kịch Tết im ắng năm ngoái, làng sân khấu chộn rộn, mừng tủi chuẩn bị cho ngày về...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên