26/05/2021 10:10 GMT+7

Sân khấu cho thiếu nhi - Kỳ 2: Gấp rút giành lại khán giả trẻ

TIẾU TÙNG
TIẾU TÙNG

TTO - Trong thế giới giải trí thiếu hụt chương trình bổ ích và YouTube ngày càng là sân chơi chủ đạo của trẻ em, việc sân khấu khủng hoảng khán giả trẻ - vốn được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua - trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sân khấu cho thiếu nhi - Kỳ 2: Gấp rút giành lại khán giả trẻ - Ảnh 1.

Là nhà hát dành cho thanh thiếu niên nên Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam là một trong số ít đơn vị “không khủng hoảng khán giả trẻ” so với bình diện chung. Trong ảnh: bà tiên và bầy muông thú trong vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi "Bầy chim thiên nga" do nhà hát dàn dựng - Ảnh: NHTTVN

Nói với Tuổi Trẻ, NSND Thúy Mùi - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho biết hội đang gấp rút hoàn thiện đề án xây dựng và phát triển lực lượng khán giả trẻ cho sân khấu. Sau đó, sẽ gửi trình Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ VH-TT&DL thông qua.

Một cuộc tọa đàm quy mô toàn quốc về chủ đề này dự kiến diễn ra tại Hà Nội, thời điểm còn tùy vào tình hình dịch bệnh. Hội cũng sẽ phát động một cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi để có thể tổ chức một liên hoan sân khấu phục vụ các em.

"Chúng ta phải có những khán giả hiểu và yêu nghệ thuật. Đó chính là yếu tố quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể ở đây là ngành nghệ thuật biểu diễn. Muốn vậy, chúng ta phải giáo dục nghệ thuật, phải phát triển khán giả ngay từ nhỏ. Không thể bỗng dưng có khán giả được.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Giành lại các em khỏi những hiện tượng mạng độc hại

"Không ít phụ huynh phàn nàn đời sống văn hóa giải trí nghèo nàn, trẻ em không có gì để nghe/xem/chơi. Có chắc không?" - NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến, phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, đặt câu hỏi. 

Trước COVID-19, hằng năm nhà hát diễn khoảng 200 suất lớn nhỏ, trong đó khoảng 50 suất diễn đi tỉnh hoặc về các trường học; có tới 50-60% vở diễn được sản xuất mới, phục vụ cho đối tượng này.

Theo bà Mùi, thiếu nhi là một đối tượng rất quan trọng nhưng nhiều năm qua, ngành sân khấu gần như đã bỏ quên. Giờ nhìn lại mới giật mình, khán giả của sân khấu đang dần mai một, trong khi ta lại chưa xây dựng được những lớp khán giả mới.

Liên hệ tới vụ YouTuber Thơ Nguyễn hay những trường hợp trước đó, bà Mùi chia sẻ: mục đích của đề án này là "góp phần giảm tải sự phụ thuộc của các con trẻ vào thế giới ảo. Đã đến lúc nghệ thuật, trong đó có sân khấu, phải tìm cách "giành" lại các em khỏi những hiện tượng mạng độc hại, những trò tiêu khiển, giải trí phản giáo dục".

Đề án này tương đối rộng, không đơn thuần là việc của riêng ngành sân khấu mà mang tính liên ngành, cả xã hội phải vào cuộc thì "may ra mới có được một lớp công chúng mới" đúng nghĩa. Dù muộn vẫn phải làm.

Một thương vụ hời to

Có một thực trạng hiện nay là không ít đơn vị, nhất là đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh, "bỏ rơi" sân khấu thiếu nhi vì họ cho rằng đây không phải là đối tượng "hái" ra tiền. Bà Mùi phản bác: "Ai/nơi nào nghĩ vậy là một sai lầm. Do họ chưa có trải nghiệm "hái" ra tiền từ đối tượng khán giả này; hoặc bản thân tác phẩm đó chưa hay, chưa hấp dẫn các em nhỏ". 

Bà Mùi kể lại những năm cuối làm giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đơn vị này đã xây dựng khoảng 10 vở diễn cho thiếu nhi. Giờ nhớ lại chính những tác phẩm đó mới là những tác phẩm có đời sống lâu bền nhất, kiếm tiền tốt nhất.

Khán giả của sân khấu thiếu nhi không chỉ là một đứa trẻ mà cả những người lớn đi cùng. Chỉ tính riêng từ giữa tháng 5 tới tháng 6 là khoảng thời gian cao điểm vui chơi hè, nối sau đó là Tết Trung thu, nhu cầu giải trí của các em tăng mạnh; nhưng xem gì, đi đâu? Hiện có bao nhiêu tác phẩm sân khấu mới được dàn dựng kịp "bung lụa" hè này? Không nhiều.

"Không nên tính lãi dựa vào số tiền thu được mà ở chỗ ta đã gieo vào lòng con trẻ được những gì. Không chỉ tình yêu với tác phẩm, với nhân vật, mà còn cả những giá trị nhân văn tưởng chừng khuất lấp ở đâu đó trong thời đại này. Để khi lớn lên, tình yêu sân khấu, nghệ thuật ngày một lớn dần. Sau 15 - 20 năm nữa, chúng ta sẽ có một thế hệ công chúng đúng nghĩa. Phát triển lực lượng khán giả trẻ, phải xây từ cốt nền khi các em còn nhỏ là vì vậy" - bà Mùi nói và cho rằng đây là "một thương vụ hời to từ phía sân khấu thiếu nhi".

Trong nhiều nội dung liên quan đến đào tạo và phát triển khán giả trẻ, ông Tiến lưu ý: "Ta không đổ lỗi nhưng vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Trẻ em chưa định hình được suy nghĩ cũng như nhận thức; các em cũng không tự đến nhà hát được. Phụ huynh hoặc phía nhà trường phải là những người định liệu, đồng thời tự trang bị kiến thức nền và cập nhật đời sống văn hóa nghệ thuật đang diễn ra để hướng dẫn, dắt các em đi".

Thuận lợi từ sân khấu học đường

Đề án xây dựng lực lượng công chúng trẻ có đề cập việc phối hợp với ngành giáo dục để đưa sân khấu vào nhà trường, không phải theo kiểu đại trà mà dựa vào đặc trưng văn hóa từng vùng miền.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF - Nhà hát Nụ Cười cho biết khoảng 2 năm nay, việc áp dụng giảm tải chương trình học đã tạo điều kiện cho các đơn vị đưa chương trình thiếu nhi vào học đường.

"Các hiệu trưởng cho chúng tôi biết buổi chiều họ có dư dả thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, vì vậy tạo nên nhu cầu có thật là trường cần những chương trình nghệ thuật chất lượng phục vụ cho học sinh. Sở VH-TT TP.HCM mỗi năm hỗ trợ chúng tôi 30 - 35 suất phục vụ kịch rối lịch sử trong học đường, bên cạnh đó chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm thêm suất diễn để biểu diễn kịch thiếu nhi, rối nước trong các trường học.

Tình hình rất khả quan. Sân khấu thiếu nhi vừa có cơ hội hoạt động. Các em có cơ hội xem sản phẩm phù hợp, đồng thời là điều kiện tốt để xây dựng lớp khán giả kế thừa" - ông Tuấn nói.

Không chỉ IDECAF, các đơn vị khác như Nhà hát Phương Nam, Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội... cũng được Sở VH-TT TP.HCM hỗ trợ các suất diễn đưa vào học đường. Sự hỗ trợ này như một cách thiết thực tiếp thêm sức cho những đơn vị đang còn mặn mà với sân khấu thiếu nhi.

Dù vậy, ở góc độ đào tạo khán giả trẻ, ông Nguyễn Sỹ Tiến cho rằng: "Sân khấu học đường chỉ là một trong rất nhiều việc cần làm trong vấn đề đào tạo khán giả trẻ từ trường học".

LINH ĐOAN - T.TÙNG

Sân khấu cho thiếu nhi: Biết xem gì ngoài Sân khấu cho thiếu nhi: Biết xem gì ngoài 'Ngày xửa ngày xưa'?

TTO - Cứ mỗi mùa hè, nếu tìm một chương trình cho thiếu nhi... offline, phụ huynh và các bé cũng chỉ biết chờ đợi mỗi 'Ngày xửa ngày xưa'.

TIẾU TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên