30/05/2010 04:36 GMT+7

Sân khấu thiếu nhi hè 2010: Đã có sự cạnh tranh

V.H.
V.H.

TT - Nếu như các năm trước kịch thiếu nhi gần như là "lãnh địa" riêng của sân khấu Idecaf thì năm nay đã có sự cạnh tranh từ các đơn vị sân khấu khác. Hè này, lần đầu tiên có đến hơn 10 vở kịch thiếu nhi đồng loạt ra mắt tại các sân khấu ở TP.HCM và Hà Nội.

uPMQ21bu.jpgPhóng to
Cảnh trong vở Chúa tể muôn loài - Ảnh: Gia Tiến

Nhìn vào kịch mục các vở diễn dành cho thiếu nhi năm nay có thể thấy ngay sự bùng phát đáng kể về số lượng. Có lẽ các ông bầu sân khấu đếu thấy rõ việc làm kịch cho thiếu nhi là một chiến lược khôn ngoan bởi cán cân cung - cầu vẫn còn chênh lệch lớn, lượng khán giả nhỏ tuổi rất đông đảo vào dịp hè nhưng luôn thiếu sân chơi, địa điểm giải trí.

Chưa có một sân khấu thiếu nhi đúng nghĩa nhưng nhiều vở diễn cho thiếu nhi cùng lúc ra đời cũng là một tín hiệu mang lại ít nhiều hi vọng.

Nở rộ với nhiều chiêu mới lạ

Ở thể loại náo kịch nhiều màu sắc phải kể đến "đại gia" Idecaf với vở Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên (tác giả Thanh Phương, đạo diễn Vũ Minh) tại nhà hát Bến Thành. Ðây là chương trình kỷ niệm 10 năm ra mắt thương hiệu Ngày xửa ngày xưa nên rất nhiều nhân vật công chúa, hoàng tử, phù thủy, bà tiên... sẽ cùng nhau xuất hiện trên một sân khấu hoành tráng, nhắc các em nhớ về những câu chuyện cổ tích từ Ðông sang Tây từng được dàn dựng suốt 10 năm qua (dịp này Idecaf đồng thời công diễn lại năm vở kịch thiếu nhi tại sân khấu số 7 Trần Cao Vân).

Tại rạp Hưng Ðạo, nghệ sĩ trẻ Gia Bảo đang đầu tư nhiều tâm huyết và tiền của để ra mắt vở kịch thiếu nhi đầu tiên trong sự nghiệp làm bầu của anh: vở Chúa tể muôn loài (tác giả Gia Bảo, đạo diễn Minh Nhí) cũng theo mô hình náo kịch. Lần đầu tiên cảnh trí trên sân khấu thiếu nhi sẽ được thể hiện bằng màn hình chiếu cỡ lớn chứ không phải những đạo cụ bằng xốp, vải như thường thấy.

Cảnh rừng cây, suối chảy, bầu trời... sẽ có sự chuyển động trên màn hình tạo cảm giác sống động như thật. Vở diễn huy động một lực lượng diễn viên khá hùng hậu với NSƯT Bảo Quốc, Thanh Thủy, Trung Dân, Anh Vũ, Kim Ngọc, Thanh Vân, Hòa Hiệp...

Ngôi nhà của bé 2010 là chương trình sân khấu thiếu nhi ở Hà Nội có vẻ bài bản duy nhất được đưa ra vào mùa hè này. Các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc nhẹ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã đưa lên một chương trình mang tên Chuyện của rùa và cáo với sự dàn dựng của NSND Lê Hùng. Vẫn là các bài hát sôi động, có thêm đối thoại giữa các nhân vật và giao lưu với khán giả tí hon về các con vật vui nhộn, năm nay các con vật sẽ là “Rùa tập đếm”, “Thằng cáo”, “Hai chú sóc con”, “Đàn gà trong sân”, “Chim vành khuyên”, “Rùa và cáo”... Các nghệ sĩ Tường Văn, Tuấn Nghĩa, Lưu Thiên Hương... cùng “lão nghệ sĩ” Hồng Kỳ hơn 30 năm diễn cho thiếu nhi sẽ tiếp tục phục vụ các em vui hè.

Chương trình bắt đầu từ 22-5 và kéo dài suốt hai tháng hè, với các suất diễn liên tục trong ngày từ 8g30-20g. Vé có hai loại 40.000 và 50.000 đồng/vé được bán tại rạp và theo hợp đồng với các cơ quan, trường học.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh tuy mới thành lập chưa lâu nhưng cũng quyết tâm phải có tên trong mùa kịch thiếu nhi năm nay. Vở diễn Nữ hoàng ngang ngược (tác giả Mỹ Dung, đạo diễn Tấn Phát) sẽ là một lời chào sân dễ thương với không gian biến ảo trong giấc mơ của cô bé Tâm tại vương quốc Sắc Màu và những màn "hợp xướng" của các loại rác tại vương quốc Bóng Ðêm...

Trong khi đó với những nỗ lực sáng tạo để đem lại món ăn mới lạ cho các bé, đạo diễn Hoàng Duẩn đã kết hợp kịch và xiếc trong vở Bầy quỷ và viên ngọc thần, công diễn tại rạp xiếc TP. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại kết hợp những bài bản cải lương đơn giản với nghệ thuật xiếc trong vở Mụ phù thủy và chiếc đũa thần...

Tại sân khấu Super Bowl của kịch Hồng Vân sẽ diễn ra chương trình kịch thiếu nhi Chuyện cái bồ được dàn dựng bằng song ngữ Việt - Anh do MC Trấn Thành và Lan Phương biểu diễn, với những tình huống kịch tương tác có sự tham gia trực tiếp của khán giả nhí.

Nhẹ nhàng những bài học

Ngày xửa ngày xưa của Idecaf những năm trước đây đôi lúc gặp phải phản ứng của phụ huynh vì lạm dụng những tiếng cười dễ dãi, không phù hợp trẻ nhỏ thì nay đã có sự tiết chế hơn. Thông điệp nhẹ nhàng, những lời thoại giản dị, những tình huống hài hước phù hợp tâm lý trẻ nhỏ (dù hơi chán với người lớn) là điểm nổi bật trong vở kịch lần này của Idecaf.

Còn vở Chúa tể muôn loài của nghệ sĩ Gia Bảo thì hướng khán giả nhí đến với thế giới rừng xanh bí ẩn và đầy thú vị, với cây cối, thú vật cũng có tình cảm như con người: sư tử thẹo, heo rừng nhút nhát, linh cẩu ngang ngược, chuột ham ăn, ốc nhũ mẫu, khỉ pháp sư... Sẽ không có nhân vật nào chết, các nhân vật ác sẽ nhận hậu quả là những bài học vui vui.

Ðiều ước thiêng liêng của sân khấu 5B với câu chuyện xúc động và ý nghĩa về Bác Hồ; hay cậu bé Ben 10 tuổi lãnh sứ mệnh bảo vệ Trái đất từ những việc nhỏ trong vở kịch Ben - cậu bé biến thể của nhóm kịch Xuân Bắc - Tự Long, diễn tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội cũng đều chứa đựng những bài học giản dị.

Trong khi đó sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh lại đưa ra bài học về một cô bé lớp 8 không chịu nghe lời, sống ích kỷ, cứ thích làm theo ý mình và luôn nói "Ta muốn vậy đó!". Khi những ý muốn ngang ngược của cô bé được thực hiện, mọi việc trở nên rối tung thì hậu quả "không ai chơi với" là điều dễ hiểu.

Lần đầu tham gia thị phần kịch thiếu nhi, đạo diễn Ái Như cho biết bên cạnh sự lung linh không thể thiếu, chị sẽ thử nghiệm dòng kịch tâm lý dành cho trẻ em với những vấn đề trong thế giới tuổi thơ, dẫu biết rằng đây sẽ là một cách làm mạo hiểm.

V.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên