25/05/2021 09:50 GMT+7

Sân khấu cho thiếu nhi: Biết xem gì ngoài 'Ngày xửa ngày xưa'?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Cứ mỗi mùa hè, nếu tìm một chương trình cho thiếu nhi... offline, phụ huynh và các bé cũng chỉ biết chờ đợi mỗi 'Ngày xửa ngày xưa'.

Sân khấu cho thiếu nhi: Biết xem gì ngoài Ngày xửa ngày xưa? - Ảnh 1.

Diễn kịch rối phục vụ khán giả nhí tại nhà hát Nụ Cười (Cung văn hóa Lao động TP.HCM) - Ảnh: LINH ĐOAN

Còn nhớ những năm từ khoảng 2010 đến 2015, 2016, làng sân khấu khá rôm rả kịch thiếu nhi. Rất nhiều sân khấu tung ra sản phẩm phục vụ khán giả nhí dịp hè như sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Thế giới trẻ, Trịnh Kim Chi, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... 

Nhưng theo thời gian cứ rụng dần và cuối cùng chỉ có "Ngày xửa ngày xưa" vẫn "kiên cường" đến hôm nay.

Năm nay là năm sân khấu Idecaf sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ra đời của chương trình này. Và 20 năm qua dường như thương hiệu này chỉ một mình một đường mà đi, không ai cạnh tranh.

Buông... chương trình cho thiếu nhi vì khó

Khoảng tháng 10-2020, Nhà hát kịch 5B ra mắt chương trình thiếu nhi định kỳ dành cho các bé mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Thế nhưng, từ dự định ban đầu là 8 suất/tháng, sau đó rút xuống còn 4 suất/tháng và đến gần đây phải tạm ngưng vì không bán được vé.

Bà bầu Mỹ Uyên băn khoăn về lịch học của các cháu dày đặc nên khó có thời gian đến với sân khấu. Phụ huynh cả ngày bận rộn với công việc, về đến nhà cũng mệt nhoài nên cũng... làm biếng chở con đến sân khấu. Các hình thức giải trí trên mạng lại quá đa dạng, hấp dẫn và tiện dụng. Ở nhà bật điện thoại, tivi lên là có hết.

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cũng hết sức khó khăn trong việc duy trì suất diễn hằng tuần, dù bộ môn xiếc khá dễ xem và có thể phục vụ cho cả gia đình. 

"Chúng tôi lên lịch một tuần 2 suất. Có suất chỉ bán mấy chục vé nhưng cũng ráng gồng, không dám hủy để mong duy trì được suất diễn tạo thói quen cho khán giả đến rạp xiếc" - ông Lê Diễn, giám đốc nhà hát, cho biết và bày tỏ thêm "có lẽ hiện tại kinh tế khó khăn nên cha mẹ dắt 2 con đến xem mà tiền vé không nhỏ nên người ta cũng ngại".

Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ Hoàng Thái Thanh đã có 5 mùa làm kịch thiếu nhi nhưng đến vở cuối cùng Lọ Lem và hoàng tử năm 2015 cũng chịu hết xiết, đành buông. Chị cho biết lúc Hoàng Thái Thanh còn hoạt động ở Nhà Thiếu nhi TP thì kịch thiếu nhi còn khả quan, nhưng khi dời về Nhà Thiếu nhi quận 10 thì nhiều khán giả ngại đi xa. 

"Và thật ra mình cũng tự thấy rằng làm kịch thiếu nhi không phải thế mạnh của sân khấu. Đầu tư một vở thiếu nhi tốn kém gấp 2, 3 lần vở người lớn vì phải đảm bảo màu sắc về trang phục, cảnh trí... Đến vở Lọ Lem và hoàng tử kinh phí đội lên hơn gấp ba lần mà không thể thu được nhiều nên chúng tôi ngưng lại. 

Khi đi xem "Ngày xửa ngày xưa" ở Idecaf thấy rõ không khí ngày hội, còn mình thì chưa làm được điều đó!".

Tiềm năng chỉ một nơi khai phá

Với những xây dựng căn cơ và tồn tại 20 năm nay, cứ khi năm học vừa kết thúc là Idecaf lại tung ra chương trình "Ngày xửa ngày xưa" mới và diễn suốt tại nhà hát Bến Thành một tháng 31-32 suất. Năm nào cũng làm (chỉ gián đoạn năm ngoái do dịch bệnh) nhưng lúc nào vé của chương trình cũng gây một cơn sốt. 

Năm nay, dù vẫn tiếp tục ảnh hưởng dịch bệnh nhưng mười mấy suất đầu của chương trình đã sạch vé từ dưới đất lên tới lầu. Ông Huỳnh Anh Tuấn thổ lộ trong giai đoạn sân khấu khó khăn, chính chương trình "Ngày xửa ngày xưa" đã choàng gánh nuôi cả sân khấu kịch cho người lớn.

Sự thành công của "Ngày xửa ngày xưa" theo nghệ sĩ Ái Như phân tích là khởi đầu từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có niềm đam mê sân khấu thiếu nhi với xuất phát điểm là múa rối cạn, rối nước, kịch rối lịch sử, việc đi lên từ từ đã cho ông nhiều kinh nghiệm để làm kịch thiếu nhi bài bản. 

Các diễn viên sân khấu Idecaf là những thành viên của nhóm Líu Lo gây ấn tượng trên sóng truyền hình như Thành Lộc, Bạch Long, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Đình Toàn... đã làm nòng cốt, phát triển đội ngũ diễn viên biết cách diễn kịch phục vụ cho thiếu nhi. Bởi không phải diễn viên nào cũng có khả năng diễn thu hút khán giả nhí.

Chứng kiến nhiều diễn viên của "Ngày xửa ngày xưa" phải thay mấy áo thun lót bên trong của mỗi suất diễn mới thấy họ phải lao động vất vả như thế nào suốt hơn 2 tiếng phải liên tục hát, nhảy múa, diễn... để giữ được sự vui nhộn, hấp dẫn cho vở diễn. 

Ông Huỳnh Anh Tuấn còn có thế mạnh là có đội múa rối Nụ Cười nên mỗi lần dựng "Ngày xửa ngày xưa" sẽ có sẵn quân bổ sung để tăng thêm độ hoành tráng cho chương trình. Đơn vị còn có khả năng tự may trang phục, tự làm cảnh trí nên tiết kiệm chi phí khá lớn.

Đưa sân khấu thiếu nhi vào trung tâm thương mại

Đã từng duy trì sân khấu thiếu nhi định kỳ ở Trần Cao Vân nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Tuấn xác định diễn kịch cho thiếu nhi chỉ theo hình thức giội bom, tập trung làm một chương trình lớn diễn suốt 1 tháng mùa hè.

Dù khó vậy nhưng ông Tuấn đang nghĩ đến việc có thể đưa sân khấu thiếu nhi vào trung tâm thương mại, siêu thị. 

"Những nơi này thường hiện đại, mát mẻ, có đủ từ mua sắm, ẩm thực đến chơi game giải trí... nên các phụ huynh hay chở con đến đây. Nếu có thêm một sân khấu thiếu nhi ở đây thì hay quá. Tôi đang tìm nhưng khá khó khăn vì đa số nơi này không có mặt bằng để làm sàn diễn, hoặc nếu có thể cải tạo được thì giá thuê lại rất cao...".

Ông Lê Diễn chia sẻ ông đã đề xuất với Sở VH-TT TP.HCM xây dựng khuôn viên trước rạp bạt của nhà hát Phương Nam một khu trải nghiệm, vui chơi cho trẻ.

Ở đó sẽ có khu vui chơi nho nhỏ gồm cầu tuột, bập bênh; có những con rối điện tử, xe xiếc lưu động để các bé lên đó trải nghiệm những trò xiếc nho nhỏ; có khu học cách diễn rối bóng, rối que, có hồ nước để các em trải nghiệm múa rối nước...

"Bọn nhỏ rất hiếu động, ngồi bí trong rạp hát có khi chúng không thoải mái. Khu trải nghiệm này sẽ giúp các cháu thư giãn, làm quen và có ý niệm trước về bộ môn nghệ thuật mình sẽ thưởng thức. Khi bước vào xem chương trình các cháu sẽ hào hứng hơn!" - ông Lê Diễn nói về kế hoạch sắp tới của nhà hát.

**************

>> Kỳ 2: Gấp rút "giành" lại khán giả trẻ

Sân khấu cho thiếu nhi  từ 3-6 tuổi Sân khấu cho thiếu nhi từ 3-6 tuổi

TT - Giáng sinh đầu tiên của chuột tí tẹo là vở diễn đầu tiên nhân dịp Nhà hát Tuổi Trẻ khai trương thêm một sân khấu nhỏ mang tên "Ngôi nhà của bé”.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên