Nguyễn Hoàng Ngân giành học bổng khoảng 280.000 USD cho bốn năm học tại Pitzer College (Hoa Kỳ) - Ảnh: NVCC |
Là cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Ngân vừa giành học bổng khoảng 280.000 USD cho bốn năm học tại Pitzer College (Hoa Kỳ). Mới đây, bạn đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online cách thức 'săn' học bổng ngành hóa, sinh.
"Để xin học bổng du học, bản thân ứng cử viên phải xác định thế mạnh của mình và các trường đang có nhu cầu trao học bổng như thế nào.
Để du học ngành hóa, sinh, các bạn không nên hạn chế sự lựa chọn ở các nước Âu, Mỹ, Úc vì Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan đang là những nước trao nhiều suất học bổng hơn cho học sinh, sinh viên Việt Nam với nhiều ưu đãi về visa, chi phí học tập, trình độ ngoại ngữ không quá khó khăn", Ngân chia sẻ.
Các bạn có thể tra cứu trên website lãnh sự quán các nước, chuyên mục giáo dục; “Google” với từ khóa scholarship, biology, chemistry hoặc đăng ký nhận email từ các trang như scholarship-positions.com, topuniversities.com.
Hàng loạt thông tin bằng tiếng Anh cần do chính bạn lựa chọn. Hồ sơ du học thường yêu cầu: kết quả ba năm THPT, điểm IELTS, hoạt động xã hội, thư giới thiệu và bài luận.
Trong nhiều giấy tờ xin học bổng, bạn nên chú ý nhất về bài luận tiếng Anh gửi cho nhà trường để trình bày nguyện vọng, giới thiệu bản thân.
Bạn nên hỏi kinh nghiệm từ du học sinh đi trước (trên các diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội) hoặc thầy cô để có một bài luận thể hiện văn phong tiếng Anh khá ổn và khả năng hiểu bản thân, định hướng trong tương lai.
Thực tế là không phải học sinh giỏi 12 năm liền là yếu tố hấp dẫn các trường ĐH, CĐ nước ngoài mà ở ý tưởng, tính cách, kế hoạch tương lai của bạn thực tế, rõ ràng như thế nào.
Để 'săn' học bổng du học thành công, các học sinh thường chuẩn bị từ năm lớp 10: tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, thiện nguyện; luyện thi SAT, lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL; tích lũy điểm học tập tăng dần qua các năm; thể hiện thiên hướng ở một số lĩnh vực như hùng biện, sáng tác, sáng chế...'
Trong trường hợp gấp gáp, nhiều học sinh chọn cách “gap year” sau lớp 12 để hoàn thiện hồ sơ xin học bổng du học.
Ngoài ra, bạn có thể tìm các trường ĐH, CĐ thường xuyên trao học bổng thông qua các bài báo về học sinh Việt Nam đậu vào nhiều trường ĐH, viếng thăm website trường và đón đợt học bổng sớm nhất.
Một mẹo nhỏ là đừng tham trường lớn vì tỉ lệ cạnh tranh cao. Đôi khi để ý những cái tên ít xuất hiện lại đưa đến những cơ hội dễ dàng hơn.
Chúc bạn may mắn!".
Bạn có suy nghĩ gì với cách 'săn' học bổng của Nguyễn Hoàng Ngân? Bạn có những 'bí quyết', kinh nghiệm nào giúp 'săn' học bổng thành công? Mời bạn chia sẻ ở ô BÌNH LUẬN bên dưới, hoặc email đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận