Ảnh tư liệu TT. |
Bạn Vũ Trân viết: “Tiếng rao hàng dường như đã trở thành một phần của cuộc sống ở Sài Gòn. Khu nhà tôi ở nghe tiếng rao hàng có thể đoán trúng phóc mấy giờ!”.
Và Vũ Trân liệt kê:
"7 giờ sáng là chị bán xôi người Bắc "xôi em ơi, xôi chị ơi, chú ơi xôi". 8 giờ là chị người Bắc đẩy xe bán rau, thịt, cá. Bán rồi làm tại chỗ cho người mua luôn. 9-10 giờ là bà bán bánh tráng nướng với giọng rao yếu ớt vì lớn tuổi. 12 giờ trưa là ông bán bánh tét nhân chuối, nhân dừa đi ngang qua nhà. Ông này mỗi ngày đạp xe từ Bến Tre về thành phố bán hàng. 2 giờ trưa là chị bánh chuối, "Ai....bánh ngọt, chuối nướng hông?". Lên cao và kéo dài chữ "ai" rồi "xuống xề" chữ "hông". Nghe giọng rao là biết chắc người Tiền Giang - Bến Tre và thích ca cải lương!
Buổi chiều 4-5 giờ thì xe ba bánh "bắp luộc, bắp xào, hột vịt lộn" của một chị & 1 anh người Bắc. Rồi 11g đêm, có bữa 12g đêm là giọng rao hùng dũng "Ai bánh chưng, bánh giò?...Bánh giò, bánh chưng...Chưng, Gai, Giò", lập đi lập lại rất nhịp nhàng. Lúc chưa gặp chú bán hàng này tôi cứ nghĩ sao đi bán khuya và đi quá xa mà giọng nghe vẫn khỏe. Bữa gặp rồi mới biết là dùng loa!
Nghe "live show" của mấy chị bán hàng ăn thì thấy vui hơn là nghe cái loa "thuốc diệt chuột", hay "ép bằng khen, CMND... phù hợp với tất cả túi tiền của mọi người". Nhưng, nói chung người Sài Gòn "dễ tính" nên chấp nhận hết. Có bữa chưa nghe rao thì nhìn đồng hồ rồi nhắc, mặc dù có những món chưa mua bao giờ!”.
Bạn đọc tên Tương Hân cho biết: “Chị tui cũng vậy , nghe tiếng rao của người bán xôi là biết mấy giờ khỏi phải xem đồng hồ. Hôm nào vắng tiếng rao là chị nhắc liền. Tiếng rao gắn liền thói quen của người dân SG kèm theo những hoài niệm khó quên.
Bạn Nguyễn Thiên Đăng “xin góp thêm một vài chuyện liên quan tới tiếng rao ở Sài Gòn” như thế này:
“Ở Sài Gòn có những tiếng rao thuộc dạng hiếm nhất trên thế giới, đó là tiếng rao không phát ra từ ngôn ngữ của con người mà là từ... cây kéo (bán gỏi đu đủ khô bò) hay chiếc chuông (bán cà rem)...
Người mua ve chai hồi xưa rao: "Ve chai, dép đứt, thau nhôm, mủ bể, lông vịt... bán hôn?". Người mua ve chai bây giờ: "Ve chai bán hôn?" hoặc vắn tắt hơn "Chai bán hôn?" hay gọn lỏn "Ve chai...". Có những lời rao bán hàng ngày xưa mà bây giờ không thể nghe lại được vì đã biến mất từ lâu như: "Ai mua kim chỉ, đá lửa, bột ngọt hôn..."; "Cà rem đây..."; "Nước tương đây...".
Với tôi hồi nhỏ, tiếng rao còn như là "đồng hồ báo thức". Sáng nào cũng vậy, hễ nghe ông bán bánh mì chạy ngang nhà rao "Bánh mì nóng giòn đây" là biết sáng rồi, khoảng trên dưới 6 giờ, tới giờ thức dậy.
Bây giờ thì người bán lẫn mua hàng thường phát loa rao ra rả cả ngày lẫn đêm, có khi phá cà giấc ngủ trưa. Nhất là loa của mấy ông "Mua xe máy cũ, mua tủ lạnh, mua máy lạnh, mua đầu máy, mua tivi, mua đầu đĩa âm li, mua tăng phô điện, mua ổn áp, mua hộp quẹt Zippo, mua đồng hồ ra đô..."
Bạn Phúc Nguyễn cũng góp thêm những ký ức: “Hồi xưa còn có tiếng rao từ cây kèn nữa: "é e", tức "thiến heo". Tiếng rao còn là thứ ngôn ngữ giao tiếp đời thường thân quen đến mức thiếu nó là thiếu đi một phần hồn của nơi sinh sống.
“Tiếng rao quả thật cũng mang lại nhiều kỷ niệm khó quên trong đời” - Bạn Nguyễn Thiên Đăng đúc kết. |
Nói về giọng điệu phát ra của tiếng rao thì ôi thu đủ hết, nào là tiếng rao thanh ngọt, nào là có vần có điệu, nào là nhỏ nhẹ, nào là hùng hồ, nào là ngọng nghịu, nào là đớt đớt... Nhưng cách chào bán thân thương nhất vẫn là kiểu: "Bắp hầm thím Tư ơi"; "Nay ăn gì cho con hông bác Bảy?"; "Nay cá ngon lắm vợ thằng Út ơi, mua mở hàng dùm dì ba ký đi bây"... Yêu lắm cuộc sống này!”.
“Kỷ niệm ký ức như chợt ùa về, một thời để nhớ, một thời để yêu. Mình nghĩ cái từ "buôn gánh, bán bưng" là dành cho các dì, các chị như thế này đây. Nhớ tiếng rao đến nao lòng, mà nhớ các dì, các chị không khác gì cái đồng hồ, nghe tiếng rao của chị bán chè, của dì bán canh bún...
Vào đến hẻm nhà mình là biết mấy giờ rồi, khỏi cần xem đồng hồ, xê dịch nếu có chỉ khoảng 5, 3 phút. Người SG không cần biết các dì, các chị nhà ở đâu nhưng bán riết như người thân thuộc, xóm giềng. Vắng không đi bán đôi ba ngày là sẽ có đôi ba người trong xóm hỏi thăm và lo lắng”, bạn đọc Đàn ông SG kể.
Bạn hoangnguyen viết: “Hồi xưa tiếng rao tự nó có "thương hiệu" rồi, nghe tiếng là biết của bà Tư bán chè hoặc của ông Năm bán bánh mì. Không ồn ào để phải điều chỉnh "volume" hoặc lầm lẫn người bán như bây giờ.
Một bạn đọc lớn tuổi tên hung.ngo chia sẻ: “Cái đất SG này ngày xưa nếu kể về hàng rong thì 4-5 giờ sáng: Bánh mỳ nóng dòn...đây. Còn trưa đến chiều thì đủ thứ: chè đậu xanh, chè đậu đen, sương sa hột lựu, sương sâm, sương sáo, tàu hủ chén, bánh lọt nước cốt dừa, hột é, cà rem cây, kem, chí mè phủ, bánh còng bánh cam, mía ghim, cốc xoài ổi ngâm nước đường, bò pía...”hầm pà lằng” đủ thứ.
Nhưng vui nhất, hấp dẫn nhất vẫn là tiếng rao của cô Út bán chè "Ai ăn chè... đậu xanh, nước dừa, đường cát trắng... hôn". Cái tiếng "hôn" sau cùng nó mê hoặc cả xóm hẻm Phú Nhuận.
Cô Út bán chè từ lúc 16 tuổi cho đến năm 20 tuổi lấy chồng. Tôi xa SG ra tận ngoài Trung, năm sau về SG tôi tưởng cô Út "giải nghệ", ai dè chiều ra ngồi trước cửa bỗng nghe tiếng rao của cô Út, tôi thẫn thờ không hiểu nổi tại sao cô Út vẫn trung thành với nghề bán chè...
Năm rồi tôi gặp lại cô, mới gần 60 mà trông cô hơi lọm khọm, tôi có hỏi, cô cười nói "tại vì gánh chè gần 40 năm".
*Sài Gòn tiếng rao "nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao"
Bạn có nhớ những tiếng rao ở Sài Gòn? Mời bạn để lại ý kiến trong phần Bình luận bên dưới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận