27/01/2018 10:15 GMT+7

Sài Gòn sương mù, mưa nắng thất thường do đâu?

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TTO - Nhiều người tại TP.HCM cảm giác thời tiết có gì đó khác thường khi liên tục hơn 1 tuần qua trời nhiều mây mù, đôi lúc có mưa dù mùa mưa đã kết thúc.

Sài Gòn sương mù, mưa nắng thất thường do đâu? - Ảnh 1.

Các tòa nhà cao tầng 'chìm' trong lớp mù ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Theo chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan, từ tháng 12 trở đi đã có thể xem như bắt đầu vào mùa khô. Nhưng những ngày qua thời tiết ở các tỉnh Nam Bộ thất thường: sáng thì có lúc trời âm u nhiều mây hoặc sương mù giăng đầy, hầu như ngày nào cũng có mưa, có lúc mưa nhỏ, cũng có lúc mưa khá nặng hạt. 

Lượng mưa vượt nhiều so với trung bình khí hậu làm cho người dân phương Nam cảm thấy rất lạ là mùa mưa dường như vẫn còn dai dẳng, đây là hiện tượng thời tiết khác thường.

* Nguyên nhân do đâu, thưa bà?

- Bà Lê Thị Xuân Lan: Cuối tháng 1 là bắt đầu vào giai đoạn cao điểm mùa khô, lẽ ra cường độ bức xạ tăng, nắng nhiều mưa ít, lượng bốc hơi mạnh hơn, độ ẩm trung bình phải là dưới 70%. Nhưng cho đến nay, nhiều nơi ở Nam Bộ độ ẩm ở mức khá cao, như tại TP.HCM, Cần Thơ, Biên Hòa đều ở mức 80%, có lúc duy trì mức 90-100%.

Điều này cho thấy ảnh hưởng của hiện tượng La-Nina làm cho hoàn lưu khí quyển khác với quy luật về khí hậu thông thường. 

Thời gian qua khác thường dễ nhận thấy là những cơn bão kéo dài cho đến những ngày gần cuối năm 2017 (năm 2017 có 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới) và ngay trong đầu năm 2018 lại thêm cơn bão số 1 (mùa bão 2017 kéo dài một cách hết sức dị thường)…

* TP.HCM nhiều ngày qua như có sương che, có người cho rằng đây là sương mù nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là mù khô, theo bà đây là dạng thời tiết gì, sương mù và mù khô khác nhau thế nào?

- Trước đây ở Nam Bộ thỉnh thoảng mới có sương mù bức xạ, nắng lên là sương tan. Nhưng trong những năm gần đây, sương mù xuất hiện với tần suất nhiều hơn và vào bất kỳ các tháng trong năm.

Sương mù xuất hiện liên tục nhiều ngày qua cho thấy thêm một sự bất thường của thời tiết. Một trong những nguyên nhân là do mưa trái mùa thường xuất hiện vào buổi chiều tối, hơi ẩm còn đọng lại và ban đêm nhiệt độ giảm nhanh tạo ra sương mù. 

Thêm vào đó là hoạt động giao thông, nhà máy, xí nghiệp nhộn nhịp vào cuối năm làm phát sinh bụi, khói thải vào không khí gặp sương mù tăng thêm cũng như mức độ ô nhiễm trong không khí. Vì vậy, có thể coi đây là dạng sương mù hỗn hợp.

Ngoài ra, ở những nơi không có mưa thì khói bụi, các chất ô nhiễm trong không khí cũng làm cho tầm nhìn xa bị hạn chế. Dạng này được gọi là mù hoặc mù khô.

Sương mù và mù khô khác nhau do lượng hơi nước trong không khí. Hơi nước nhiều, độ ẩm cao thì gọi là sương mù, ánh sáng khi chiếu qua lớp hơi nước bị khúc xạ, tán xạ nên tầm nhìn xa giảm, thấy trời mờ mờ trong sương.

Còn mù hay mù khô là hiện tượng khí quyển bị vẩn đục do sự tồn tại của các hạt bụi, khói, các chất lơ lửng với mật độ dày, ánh sáng cũng bị các hiệu ứng như trên làm giảm tầm nhìn xa. Ở các TP lớn, đô thị hóa mạnh mẽ thì hiện tượng này ngày càng tăng thêm.

Như vậy, tại TP.HCM và một số đô thị khác có sự xuất hiện sương mù hỗn hợp và cả mù khô.

* Hiện tượng thời tiết trên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, cây trồng? Người dân cần làm gì để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe?

- Hiện tượng thời tiết trên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe do mật độ chất ô nhiễm không khí rất cao ở tầng thấp, đường kính hạt rất bé nên có thể vào trong khí quản, cuống phổi, có thể vào sâu hơn trong lá phổi nên khả năng gây ra bệnh về hô hấp là cao nhất. Ngoài ra, các cơ quan khác như mắt, tai, mũi… cũng có thể bị ảnh hưởng.

Sương mù cũng ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lúa.

Do vậy, khi ra đường trong điu kiện thời tiết như vậy, chúng ta phải tự bảo vệ sức khỏe bằng các phương tiện tối thiểu như khẩu trang, kính mát… để có thể giảm bớt tác hại do chất ô nhiễm trong sương mù và mù.

* Dự báo tình trạng này còn tiếp tục kéo dài trong bao lâu, và thời tiết sắp tới ra sao?

- Từ nay đến tết, Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi rãnh thấp đi ngang qua nam Biển Đông, các nhiễu động theo gió đông bắc vào đất liền nên tiếp tục có mưa trái mùa, độ ẩm có lúc còn khá cao. Cộng thêm những đợt không khí lạnh mạnh tràn sâu xuống phía nam làm cho nhiệt độ ban đêm giảm, trời se lạnh vào đêm về sáng.

Điều kiện này cũng sẽ làm cho sương mù được hình thành, có lúc kéo dài đến trưa chiều, ảnh hưởng đến giao thông đường bộ, đường thủy trong những ngày giáp tết.

Theo bà Lan, mưa trái mùa vẫn còn khả năng xảy ra vào chiều tối nhưng không đều, chủ yếu là mưa nhỏ. Vùng ven biên giới ở đồng bằng sông Cửu Long có nơi mưa vừa trong vài ngày tới, sau đó mưa giảm, nắng tăng dần.

Không khí lạnh cũng làm cho các tỉnh miền Nam trời trở lạnh đêm về sáng từ 29-1 đến 3-2. Miền Đông có nơi giảm còn dưới 18-20 độ C, TP.HCM và các nơi khác khoảng 20-22 độ C.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên