Check-in điểm đi và đến của cuốc xe tất niên - Ảnh: NVCC
Gần 8h tối, vừa hoàn thành xong cuốc xe, đang định "thả điểm" quay về chuẩn bị cúng giao thừa thì app lại nổ cuốc mới. Nhìn vào "điểm trả khách", bất chợt đứng hình hết mấy giây, rồi lắc đầu cười nhẹ: "Lại mấy đứa rảnh rỗi, bày trò phá phách nữa đây...".
Nghĩ vậy, nhưng tay vẫn làm theo quy trình quen thuộc, bấm gọi cho khách, thuê bao! Ừ, biết ngay mà! Gửi vào SMS vài chữ (cho có lệ): Bạn đi Tiền Giang? Thật không ạ? Dạ có! Em gọi anh không được! (chà... nhây vậy luôn á hả?). Cho xin số điện thoại! Tôi gọi bạn cũng không được? xxxxxxxx95 - chở mẹ em - anh gọi lại đi!
Đến điểm đón thì thấy có 3 - 4 người đang đứng đó cùng một chị tầm ngoài 50 tuổi. Anh chở giùm cô này về..., ở Tiền Giang, rồi người nhà sẽ đón. Ủa vậy không phải là mẹ em hả...?
Dạ không! Cổ ở dưới quê lên đi làm cho người ta, giờ cần về đón tết với gia đình mà không có ai chịu chở... Em đặt giùm thôi, anh làm ơn chở giúp với, tội nghiệp cổ, về đến cổ sẽ trả tiền xe, em có cho cổ ít tiền rồi... (À! thì ra... dân Sì Gòn đây mà, thích mần chuyện bao đồng).
Một chút đắn đo, chỉ còn vài tiếng là đến giao thừa... Nhìn sự khắc khổ hằn trên gương mặt người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé, chỉ một cái áo khoác mỏng, không có bất kỳ hành lý nào.
Chị đang nhìn tôi với ánh mắt như van nài, như cầu khẩn, chờ đợi. Thôi được, chị lên xe đi, ngồi vững nha! Có buồn ngủ thì nhớ nói nha, tôi sẽ chở. Nghe rõ một tiếng thở hắt ra của chị như vừa trút được gánh nặng.
Dọc đường đi, hỏi thăm vài câu, nghe chị trả lời câu được câu mất, với chất giọng lơ lớ đặc trưng thì tôi đã đoán ra và chị cũng xác nhận là người dân tộc Khmer, gốc ở Sóc Trăng, hiện giờ đang sinh sống ở Tiền Giang. Chị lên thành phố phụ bán tết với người ta gần 2 tháng nay, chẳng được bao nhiêu tiền, ráng chắt mót dành dụm đem về lo cho mấy đứa cháu ngoại...
Với những cảnh đời mà tôi từng gặp trên những hành trình qua khắp mọi miền trong suốt hơn 30 năm rong ruổi, nhìn chị, tôi có thể đoán hiểu được phần nào về những nhọc nhằn phía sau chị và gánh nặng mà chị đang phải oằn lưng...
Tôi không hỏi gì thêm, chăm chú vào con đường vắng vẻ, cố gắng chạy thật "êm" và nhanh nhất trong khả năng có thể. Để còn kịp quay lại Sài Gòn trước nửa đêm.
Đến điểm trả, liên lạc với người nhà, rồi phải đi thêm vài cây số nữa thì gặp một phụ nữ khác với chiếc xe cà tàng đang đứng chờ để đón chị.
Chị xuống xe, run run hỏi tôi tiền cước phí. Tôi... giả điên: "Dạ, nãy cô kia đã gửi tiền rồi! Chị về ăn tết vui vẻ nha! Chúc chị và mấy cháu năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát tài nghen chị!".
Tôi cười, chào chị, trong lúc chị còn đang ngơ ngác, tôi vội lên xe, nổ máy... dzọt! Đường vắng, lạnh tê. Lâu lắm mới lại có dịp phóng xe vun vút, băng mình lao đi trong đêm lạnh.
Vừa xiết ga, vừa nghêu ngao: "Nghe Xưng sang thấy trong lòng sao... ứa gan! Tết tới nơi hông có hơn... mấy chục ngàn...". Rồi cười vang trên con đường vắng...
Về đến Sài Gòn, đẩy xe vô nhà thì cũng vừa kịp để cúng giao thừa! Bởi ta nói... dân Sài Gòn, có cái "máu điên", nên lâu lâu nó dzậy á!
Tui... lọt ra ở Từ Dũ mà! Ha ha ha!
Kéo dài thời gian dự thi đến 15-4
Tính đến ngày 11-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 600 email gửi đến địa chỉ saigon@tuoitre.com.vn và 42 bài gửi qua đường bưu điện. Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết. Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 15-4-2021. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng sự đồng hành của Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận