Quán cơm xã hội - nơi những người ít tiền ở Sài Gòn ghé ăn chỉ với 1.000 - 2.000 đồng - Ảnh: QUÂN NAM
"Sao lâu rồi không thấy chú lên trên này chơi?". "Thôi! Em ghét Sài Gòn lắm rồi" - tôi trả lời tin nhắn Zalo của anh bạn rồi lại cười một mình. Nếu ai đó nhìn thấy lại nghĩ rằng tôi đang mắc phải "hội chứng rối loạn cảm xúc" cũng không chừng.
Ừ thì… tôi "ghét" Sài Gòn
Tôi "ghét" Sài Gòn ngay lần đầu chân ướt chân ráo đặt chân đến nơi này để dự thi đại học năm 2001. Không biết có phải vì lo lắng cho kỳ thi hay thời tiết phương Nam đỏng đảnh mà tôi đổ bệnh.
Ông anh họ, sau khi đưa tôi đến căn nhà trọ trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), dặn dò vài câu rồi cũng vội vàng trở về lo công việc của mình. Tôi nhìn những "sĩ tử" như tôi trong lần đầu gặp mặt, lạ hoắc lạ huơ, đành thu mình trong một góc mà nằm. Không biết tôi nằm bao lâu, cho đến khi cô chủ nhà xuất hiện: "Bệnh hay sao mặt mày tái mét dzậy con? Khổ. Ngày mai thi rồi".
Tôi gật đầu mà nước mắt ngân ngấn vành mi. Cô hỏi thêm vài câu rồi rời đi, một lúc sau lại xuất hiện cùng với tô cháo và vài viên thuốc trên tay.
Tôi kết thúc kỳ thi, trở về nhà và sau này không gặp lại cô, cũng chưa từng biết tên cô là gì nhưng sau cái lần đầu đó, tôi thấy lòng mình ấm áp hẳn ra. Sài Gòn đâu chỉ phồn hoa với nhiều xấu xa cạm bẫy. Sài Gòn cũng tình người như vậy, cũng giống quê tôi.
Tôi "ghét" Sài Gòn ở cái lần ra chợ đầu mối Thủ Đức làm thêm, kiếm tiền trang trải. Dại khờ, ngơ ngáo, cộng với ban đêm thiếu ngủ, tôi đánh rơi một số tiền bằng lương của mình trong hai tháng. Đền. Tiền đâu? Lo lắng. Bất an.
Bà chủ vựa hàng bình thường hay la hay mắng, giờ chẳng thấy tiền chắc dễ đưa tôi về "miền cực lạc" không chừng? Vậy mà khi nghe tôi trình bày, liền đáp một cách dửng dưng như chưa từng có chuyện gì xảy ra: "Mất thì thôi. Tao biết mày không phải đứa tham lam". Một con người lúc chua lét, lúc lại dễ thương.
Rồi anh Hải, cả người đầy hình xăm, nhìn thôi cũng đã đủ sợ. Vậy mà anh cứ che chở tôi như đứa em út. Anh bảo: "Tụi mày là sinh viên đi làm thêm kiếm tiền. Tao dữ với tụi mày làm gì? Đừng có mới tí ti mà cà bi, cà chớn là được. Sài Gòn rộng lớn nên việc ai người nấy làm".
Còn đó chú Tư, cô Sáu... lâu lâu thương tình dúi vào tay tôi bịch trái cây hay mớ rau, con cá mang về phòng trọ ăn dần. Sài Gòn, đừng trông mặt mà bắt hình dong, đừng nhìn cách nói năng rồi vội vàng phán xét.
Tôi "ghét" thành phố này khi "lỡ" thuê phòng trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9). "Bà chủ nhà khó tính" cứ thấy mặt tôi bước ra cổng chính là đòi tiền. Tôi còn nợ hai, ba tháng tiền phòng chứ nhiêu.
Mắng té tát, chửi xối xả nhưng có điều chưa đuổi bao giờ. Để sau này, mỗi khi có dịp đi ngang qua quận 9, ghé vào thăm, tôi vẫn thường trêu: "Má Tư còn phòng nào trống cho con thuê?". Lại nghe má mắng: "Hồi đó gặp năm bảy đứa như mày thuê nhà chắc má bỏ xứ mà đi quá". Nói xong, hai má con cùng cười.
Có một người lạ lại hóa thành người thân
Tôi "ghét" thành phố khi mỗi buổi trưa đi học về, nếu xe đạp non hơi, khát nước thì lại gặp anh bơm xe hay trà đá miễn phí bên đường. Nếu cuối tháng thiếu tiền thì siêng siêng chạy ra quán cơm 1.000 đồng hay ghé chùa để "ăn cơm chùa" đúng nghĩa vào ngày 30, 1, 14, 15 âm lịch hằng tháng.
Tôi còn "ghét" Sài Gòn khi nhìn thấy cụ già tuổi ngoài tám mươi ghé thùng tiền từ thiện nhét vào vài đồng bạc lẻ. Anh tài xế xe tải, trong lúc chờ đèn đỏ, lại hạ kính xe bỏ xuống cho người hành khất bên đường hộp cơm. Hay như anh xe ôm sẵn sàng đẩy phụ khi xe mình hết xăng mà chẳng đòi tiền công cán. Sài Gòn, nhiều lắm chuyện bao đồng.
Còn rất, rất nhiều thứ nữa để tôi phải "ghét" Sài Gòn chỉ trong khoảng thời gian sáu năm tôi ở nơi này, ngày ngày chứng kiến, đi qua. Sài Gòn đã cho tôi ký ức, cho tôi tương lai, cho tôi nhìn nhận đúng sai theo một chiều hướng khác.
Và dẫu bây giờ, sau mười mấy năm đi xa, tôi trở thành đứa "bội bạc" với Sài Gòn thì Sài Gòn vẫn đứng đó, bao dung. Sài Gòn, tôi "ghét" để rồi nhớ mãi không quên…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận