BÉ BI & CHỊ SUSU (TP.HCM)
- Có lẽ nhà đài muốn quảng cáo những sản phẩm chương trình dành cho lứa tuổi teen. Nhưng những người làm quảng cáo không hiểu rằng từ style - tiếng Pháp đọc là xtilờ, tiếng Anh đọc là stail - nghĩa là phong cách.Từ này không liên quan gì đến tuổi teen.Nói “phong cách xì-tin” là vô nghĩa. Tương tự như thế, trên một số phương tiện truyền thông, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những từ dùng rất sai như: “tối ưu nhất, duy nhất chỉ có 2 người…”. Những cái lỗi lặt vặt như thế đã từng được nêu trên QMC nhưng các nhà văn nhà báo nói trên không thèm để ý nên cứ sai hoài.
“Hút” là nhiều hay ít?
● Có lần tôi đi chợ hỏi mua gạo Nàng Hương Chợ Đào. Bà bán gạo trả lời: “Gạo ấy lâu nay hút hàng. Không có đâu”. Như vậy từ hút có nghĩa là thiếu hụt. Trên báo TT ngày 6-4 có bài viết nhan đề: Gạo siêu sạch, gạo thảo dược hút người dùng. Đọc một hồi mới hiểu ở đây “hút” lại có nghĩa là nhiều. Theo cô Tú, chính xác thì hút là ít hay nhiều?
PHAN THỊ GÁI (Long An)
- Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì “hút” là thiếu hụt. Gạo hút hàng nghĩa là thiếu gạo để bán. Còn gạo thảo dược hút người dùng cũng với nghĩa là thiếu gạo và hoàn toàn không có nghĩa là nhiều.
Nước nào dài nhất thế giới?
● Báo BĐ (số Xuân Giáp Ngọ 2014) có thông tin như sau: Brazil là đất nước dài nhất thế giới và lớn nhất Nam Mỹ.
Tôi nghĩ viết như vậy có phần thiếu chính xác. Cô Tú thấy sao?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Với diện tích hơn 8,5 triệu km2, Brazil đúng là quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, nhưng không phải là “nước dài nhất thế giới”, bởi chiều dài từ cực Tây sang cực Đông của nước này là 5.600km, chỉ bằng hơn phân nửa nước Nga (khoảng 10.000km) mà thôi!
Gốc hay góc?
● Báo SGGP ngày 16-3-2014, bài Răng lợi muộn phiền, tác giả viết: “Cái răng cái tóc là góc con người, tục ngữ xưa bảo thế”.
Có thật như vậy không, cô Tú?
SÁU THỊ NGHÈ (TP.HCM)
- Đúng ra là “gốc con người” (không phải góc). Đại khái người xưa cho rằng răng, tóc chính là gốc gác (nguồn cội) của con người.
Trồng gạo?
● Tạp chí PNTĐ ngày 11-11-2013, bài “Đến Wakadate…”, tác giả viết:
“Ở làng Wakadate, cách Tokyo hơn 900km về phía bắc, người dân trồng nhiều loại gạo có màu sắc khác nhau…”.
Sao có thể “trồng gạo” được, cô Tú nhỉ?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Theo từ điển tiếng Việt, hạt thóc là quả của cây lúa, có nhân bên trong là gạo. Như vậy, gạo là hạt thóc đã qua xay giã, chỉ dùng để nấu cơm ăn, chứ trồng sao được? Người ta chỉ có trồng lúa mà thôi!
Ai là “thần siêu”?
● Báo TN ngày 31-3-2014, bài Phô trương công đức ở Đền Mẫu Âu Cơ, tác giả viết: “Tại Quảng Ninh, gần nơi Trương Hán Siêu đề thơ, có một bức chạm chữ khác còn to hơn cả thơ của thần Siêu”.
Bộ Trương Hán Siêu là “thần Siêu” sao cô Tú?
BA VƯỜN TRẦU (TP.HCM)
- “Thần Siêu” không phải là Trương Hán Siêu (? - 1354) thời Trần, mà là Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) thời Nguyễn. Ông cùng với người bạn văn chương là Cao Bá Quát (1809-1854) được người đương thời tôn vinh là “thần Siêu, thánh Quát” nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ về tài sáng tác thơ phú của hai ông.
Tuổi Trẻ Cười số 498 ra ngày 1/5/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận