15/08/2019 14:10 GMT+7

Sách về bệnh ung thư: Không thể lờ đi nỗi đau của xã hội

MI LY
MI LY

TTO - Gần đây, khá nhiều sách về bệnh ung thư ra mắt độc giả, truyền tải những câu chuyện xúc động cũng như các phương pháp, kinh nghiệm để người bệnh chiến thắng chứ không gục ngã.

Sách về bệnh ung thư:  Không thể lờ đi nỗi đau của xã hội - Ảnh 1.

Một số tác phẩm trong dòng sách viết, dịch về ung thư ở Việt Nam - Ảnh: TRINH SA/LINH NGUYỄN

Mọi chuyện trên đời đều có nguyên do? (Cát Đằng dịch) là câu hỏi và cũng là tên tự truyện của tác giả Kate Bowler, phó giáo sư tại Trường Thần học Duke (Mỹ).

Ở tuổi 35, Bowler đang sống một cuộc đời toàn "phúc lành" thì nhận được tin dữ: cô mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4. Câu chuyện của cô khiến Bill Gates xúc động.

Ở Việt Nam, nhu cầu tìm hiểu về bệnh ung thư qua sách khá lớn, thể hiện ở một số cuốn sách bán chạy thuộc nhóm này.

Ông Vũ Trọng Đại (giám đốc Công ty sách Omega Plus)


Trước cửa tử, ai cũng không ngừng suy ngẫm về cuộc đời

Cuốn sách của Kate Bowler chỉ là một trong hàng chục tác phẩm về căn bệnh này đã được viết, dịch và xuất bản ở Việt Nam trong những năm qua. Những năm gần đây, số lượng đầu sách ngày càng tăng lên như đồng hành với thực trạng xã hội: số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam cũng gia tăng chóng mặt.

Trong số đó, những cuốn sách để lại dấu ấn với bạn đọc Việt Nam có thể kể đến: Khi hơi thở hóa thinh không, Điểm đến của cuộc đời, Ung thư: Tin đồn và sự thật, Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh, Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks, Sống lần thứ hai, Thư gửi thiên thần, Hi vọng và phục hồi...

"Người ta thường nghĩ thuốc thang duy trì sự sống, nhưng tôi khá chắc viết lách và những người cho phép bạn nghĩ về họ mới làm được điều đó" - tác giả Kate Bowler đúc kết. Bệnh ung thư là hiểm họa, nhưng đồng thời nó cũng cho chị cơ hội dừng lại, thoát khỏi những luồng sống bon chen không ngừng để suy ngẫm về cuộc đời.

Khi bị ung thư và ngồi xuống viết lại về cuộc đời, các tác giả nhớ tất cả mọi người, nhớ những kỷ niệm ý nghĩa với mình. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân ung thư chọn chia sẻ về cuộc đời mình qua những cuốn sách, mà nếu không bị bệnh, có lẽ họ đã chẳng bao giờ viết ra.

Cuốn Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi (Trần Thanh Hương dịch) đã vài năm có tên trong nhóm sách bán chạy của các nhà phát hành sách lớn.

Cuốn sách là tự truyện của bác sĩ quá cố Paul Kalanithi về cuộc chiến chống ung thư phổi. Sách gây xúc động lớn cho độc giả Việt khi tái hiện cuộc đời của một con người rất chân thực, đầy hoài bão và cảm xúc. Việc tác giả qua đời ở tuổi 38 vào năm 2015, trước khi cuốn sách của anh ra mắt tại Mỹ, cũng để lại nhiều xót xa và tự vấn cho độc giả.

Tính khoa học của dòng sách ung thư?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Trọng Đại - giám đốc Công ty sách Omega Plus - nhận định: "Ung thư không thể chỉ coi là một căn bệnh xét theo nghĩa y học thông thường mà còn là một căn bệnh xã hội của một quốc gia đang phát triển với đầy đủ các đặc điểm của nó về chế độ lao động, chế độ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh - môi trường".

"Thực trạng này ngày càng nhức nhối, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các thành phần xã hội khác ngoài hệ thống y tế dự phòng. Đó là lý do Omega Plus lập tủ sách Y học và sức khỏe nhằm cung cấp kiến thức, góp phần cải tạo hiểu biết, điều kiện sống của người dân nói chung và bệnh nhân ung thư lẫn thân nhân của họ nói riêng" - ông Đại cho biết.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga - giám đốc thương hiệu sách Sống - nói với Tuổi Trẻ: "Các cuốn sách về ung thư gần đây của chúng tôi không nằm ngoài mục đích phát triển giá trị sống của con người, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Đó là những câu chuyện thật của bệnh nhân, của bác sĩ để truyền cảm hứng sống khỏe với bệnh tật như: Muôn ánh mặt trời của tác giả Hoàng Diệu Thuần, Ung thư không phải là chết của bác sĩ Nguyễn Lê và Ung thư tin đồn và sự thật của nhóm Ruy Băng Tím".

Trong đó, để ra được tác phẩm Ung thư tin đồn và sự thật, Sống đã tiếp nhận bản thảo từ đội ngũ bác sĩ uy tín trong ngành viết từ quá trình nghiên cứu, chữa bệnh.

Bàn về chất lượng của dòng sách rất cần chuẩn xác này, ông Vũ Trọng Đại còn bày tỏ sự lo ngại: "Số lượng sách liên quan đến ung thư đã ít và chất lượng khoa học không cao, không ít trong số đó thiên theo hướng tác động về tinh thần người bệnh hoặc về tâm linh, hoặc bán thực phẩm chức năng trá hình".

Theo đó, giới bác sĩ và chuyên gia về ung thư cần tham gia sâu sát hơn vào dòng sách này, nhằm hệ thống hóa các kiến thức khoa học phức tạp, biến chúng thành thông tin dễ hiểu để cung cấp cho cộng đồng.

Quý giá hơn, các bệnh nhân ung thư nên sẵn sàng cất lên tiếng nói truyền động lực. Như nhân vật Liên trong Điểm đến của cuộc đời (tác giả Đặng Hoàng Giang) đã nói: "Em sống là để nhắc nhở người khác biết họ may mắn".

Năm 2018, ông Trần Văn Thuấn - giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư - cho biết Việt Nam có thêm trên 164.000 người mắc ung thư và trên 114.000 người tử vong do ung thư (Tuổi Trẻ ngày 12-12-2018).

Trước thực trạng đó, số lượng sách về ung thư ở Việt Nam trong khoảng chục năm gần đây, theo ông Đại, chưa thể coi là nhiều và có chất lượng cao, đủ đáp ứng sự quan tâm của xã hội.

'Ung thư là cơ hội ông trời cho tôi biết đời hữu hạn'

TTO - Một buổi chiếu phim đặc biệt dành cho các khán giả đặc biệt. Những câu chuyện, những nụ cười xúc động lan tỏa trong buổi chiếu bộ phim Cô gái đến từ hôm qua dành cho bệnh nhân ung thư.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên