22/03/2013 18:16 GMT+7

"Sách sai sót không hoàn toàn thuộc trách nhiệm Bộ GD-ĐT"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy trong buổi chất vấn chiều 22-3 của đại biểu Quốc hội đối với ông.

“Sao cái gì cũng của Trung Quốc?” Thêm một cuốn sách in cờ Trung Quốc Thu hồi sách dạy tiếng Hoa có in đường lưỡi bò

UjBzYtx0.jpgPhóng to
Ông Phạm Vũ Luận - Ảnh: Việt Dũng

Nhiều sách dành cho trẻ em sai sót, giáo dục phổ thông nhiều bất cập, giáo dục đại học chất lượng không tương xứng trình độ đào tạo, sinh viên ra trường không có việc làm… là những vấn đề “nóng” trong buổi chất vấn.

Đại biểu Lê Minh Thông - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - đặt vấn đề: Lâu nay có nhiều băn khoăn về sách giáo khoa, sách tham khảo các cấp, gần đây xuất hiện nhiều sách dành cho trẻ sai sót, sách giáo khoa có bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, sách dạy đánh vần cho trẻ lớp 1 lại vẽ cờ Trung Quốc… Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong kiểm soát và chấn chỉnh tình hình đáng lo này thế nào?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng chung lo lắng này khi đưa ra dẫn chứng kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất của đất nước, từ thời ông còn cắp sách đến trường cũng chưa bao giờ có hiện tượng sách tập đánh vần cho trẻ lại vẽ cờ Trung Quốc.

Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhiều lần khẳng định việc một số đầu sách bất thường xuất hiện sai sót, liên quan đến yếu tố giáo dục về chủ quyền, biển đảo, như sách dạy học vần, sách kể chuyện cho trẻ có vẽ cờ Trung Quốc… không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

“Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các NXB nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cùng nghiên cứu để ra văn bản quy định quản lý các dạng sách này một cách cụ thể” - ông Luận giải thích.

Đáp lại ý kiến đại biểu từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng chương trình phổ thông nặng nề là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, gây bức xúc, bộ trưởng thừa nhận chương trình còn nặng nề nên Bộ GD-ĐT đã phải giảm tải nhiều lần.

Tuy nhiên, điều kiện hiện tại ở một số địa phương còn khó khăn, số phòng học tạm, học nhờ còn nhiều, nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa còn thiếu, nghĩa là các điều kiện bảo đảm chất lượng còn chưa đủ. Vấp phải những khó khăn này, ngành giáo dục cần sự tiếp sức của xã hội để vượt khó.

Về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành, ông Luận cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng không khớp với nhu cầu của thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chủ yếu dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không tổ chức nghiên cứu để cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, trong khi quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo do người học tự quyết định.

Theo đó, để góp phần khắc phục tình trạng này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của cả nước đến năm 2020, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của bộ, ngành và địa phương.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên