20/11/2018 11:13 GMT+7

Sạch đẹp là tài sản của đô thị

LÊ HIẾU GIANG
LÊ HIẾU GIANG

TTO - Sạch đẹp chính là tài sản của đô thị. Mọi người cùng ý thức ở sạch, giữ sạch môi trường chính là gìn giữ, không hoang phí tài sản vô giá này.

Sạch đẹp là tài sản của đô thị - Ảnh 1.

Khi xem sạch sẽ là tài sản của đô thị, sẽ không còn những hành vi xả rác mọi lúc, mọi nơi (ảnh chụp ở bến Bạch Đằng, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: H.GIANG

Cần nhìn thẳng vào vấn đề: đô thị văn minh, phát triển trước hết phải sạch sẽ. Nhưng hiện nay muốn vậy, cần những hành động quyết liệt thay đổi từ hành vi của dân đến chuyện quản trị đô thị.

Chuyện ở hai thành phố láng giềng

Chuyện ở Manila (Philippines). Khách bộ hành dễ dàng thấy nhiều con đường đầy rác thải sinh hoạt, bao bì nilông nằm vương vãi dọc đường. Vài nơi giữa trung tâm thủ đô vẫn thấy rác lâu ngày chưa được dọn dẹp. Du khách sẽ khó có ấn tượng tốt. Thực tế, nhiều người có ý định đến Manila, vấn đề môi trường luôn được chúng tôi cảnh báo đầu tiên. Đó là tổn thất thấy rõ của việc xả rác trong thành phố.

Ngược lại, chúng tôi thực sự bất ngờ khi đi bộ cả ngày ở Singapore nhưng đôi chân vẫn không bám bụi, lấm bẩn. Một đô thị sạch sẽ, tươm tất từ khu dân cư đến đại lộ hay những cung đường dưới lòng đất. Thùng rác khắp mọi nơi, hiếm ai nỡ xả rác không đúng chỗ, không nỡ làm bẩn không gian sạch sẽ này. Hành vi xả rác khi đó sẽ bị soi chiếu bởi quy định và ý thức tự giác của cộng đồng. Về đêm, trước các dãy quán nhậu ở khu Geylang, hàng chục thùng rác lớn nằm san sát nhau đủ sức chứa rác thải của các hàng quán nên cũng chẳng có tình trạng rác thải vương vãi xuống đường.

Hai câu chuyện trái ngược nhau ở hai đô thị trong khu vực. Và nghĩ về đô thị ở nước ta...

Đô thị sạch là niềm tự hào

Nhiều phi công dân dụng quốc tế cho biết vào những ngày nghỉ, họ thường chọn sang lưu trú tại Singapore thay vì tại TP.HCM hay Hà Nội bởi một trong những yếu tố đó là môi trường đô thị. Ra đường, không khó để tận mắt chứng kiến những hình ảnh người dân xả rác trên phố, những miệng cống ngập rác sau mưa hay những chai nước, vỏ thuốc nằm vương vãi bên vệ đường.

"Bỏ rác đúng chỗ" mới là câu chuyện cần bàn với cư dân đô thị VN. Người dân bạ đâu vứt đó, bạ đâu xả đó. Nhưng vẫn phải nhìn nhận: số lượng thùng rác ở các khu dân cư, tuyến phố vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Người dân vô tư bỏ rác sinh hoạt mọi lúc mọi nơi, nhìn trái nhìn phải đều thấy túi nilông. Câu chuyện tuyên truyền về văn minh đô thị cần phải cụ thể hóa là bỏ rác đúng chỗ, đúng nơi. Xây dựng một đô thị sạch cần phải thực tiễn, không chỉ có những lời kêu gọi, mà là chuỗi hành động giữ sạch môi trường. Giữ sạch sẽ đô thị cũng cần có chiến lược, có sự quyết tâm lâu dài, phải nghiên cứu bài học từ những thành phố khác trên thế giới.

Chúng ta có nhiều năm tuyên truyền, có chế tài rõ ràng về hành vi xả rác nhưng không đem lại hiệu quả. Chế tài nhưng lại không có lực lượng thực thi và thưởng phạt không xứng đáng. Như ở Singapore, bên cạnh phạt nặng những người vi phạm, họ còn thưởng những người phát hiện thông qua các hình ảnh chụp, trích xuất từ các camera. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Cái thiếu ở đây là thiếu lực lượng thực thi và thiếu một sự quyết tâm mang tầm chiến lược từ những nhà quản trị đô thị.

Với chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ", đích thân thủ tướng đã từng dành hai giờ đồng hồ mỗi tuần để cùng người dân dọn rác nơi công cộng, vận động từ trong gia đình ra xã hội cùng hành động. Đồng thời, quốc gia này đã thực hiện việc xếp hạng đô thị sạch để tạo nên những đô thị hành động. Đó là một bài học về tầm nhìn và quyết tâm hành động.

Đô thị sạch là nền tảng nâng chất cuộc sống, là niềm tự hào của cư dân và tài sản có thể "bán" được khi thu hút du khách, cư dân quốc tế tìm đến để hưởng thụ sự sạch sẽ bên cạnh những giá trị khác mà chúng ta đã xây dựng. Đáng buồn, ngay tại TP.HCM, tôi từng chứng kiến nhiều người nước ngoài cũng vứt rác, cũng hút thuốc và vứt tàn thuốc xuống đường. Nghĩ: khi trở về nước mình, họ có hành xử như vậy không? Đô thị của chúng ta đã "tập hư" bởi họ không bị chế tài cũng không bị ràng buộc bởi ý thức cộng đồng. Khi đó, những người từ xa đến chỉ xem mảnh đất này như một nơi kiếm tiền, một điểm dừng chân tạm thời, không có sự trân quý cũng sẽ chẳng lưu trú lâu dài. Như thế, chúng ta đã đánh mất đi những giá trị của một đô thị mà lẽ ra chúng ta có thể tận dụng tốt hơn để nâng tầm.

Thùng rác cũng phải khóa

thung rac ham nghi 3(read-only)

Ảnh: N.C.T.

Những thùng rác ở trạm xe buýt Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM đều phải khóa kỹ như thế này. Các anh chạy xe ôm thường xuyên có mặt ở trạm nói: "Trước đây mỗi tháng mất mấy cái. Nay đã khóa vậy mà đôi khi vẫn bị ai đó đập bể để bán ve chai".

NGUYỄN CÔNG THÀNH

Ý thức con người đã tạo nên một đô thị thiếu sạch sẽ. Ý thức ở đây không chỉ người dân mà còn ở ý thức tầm nhìn quản trị đô thị. Cách duy nhất để giành lại sự sạch sẽ cho đô thị, lấy lại tài sản đó cho người dân là: hành động! Và người dân mong chờ những quyết sách đủ sức chuyển biến diện mạo đô thị, sạch hơn từng ngày.
LÊ HIẾU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên