16/01/2011 07:23 GMT+7

Sắc sảo thí sinh Phú Yên

M.GIẢNG - P.ĐIỀN - T.HUỲNH
M.GIẢNG - P.ĐIỀN - T.HUỲNH

TT - Hàng ngàn học sinh Phú Yên đã tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường ĐH Phú Yên tổ chức tại Trường ĐH Phú Yên chiều 15-1. Rất nhiều câu hỏi sắc sảo đã được học sinh Phú Yên đặt ra.

Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 tại Phú YênTư vấn nhóm ngành kinh tế - y dược - nông lâm tại Phú Yên

8RAcfDBd.jpgPhóng to

Dù trời đã tối, nhiều học sinh vẫn nán lại để đặt câu hỏi với TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

18g, trời sụp tối, ThS Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), vẫn còn bận rộn với hơn mười HS nán lại hỏi thêm về nhóm ngành kinh tế dù chương trình đã kéo dài hơn dự tính.

Rời bàn tư vấn lúc 17g45, TS Nguyễn Huy Vị, phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, phấn khởi chia sẻ: “HS đặt câu hỏi quá hay. Các em thể hiện nhận thức rất tốt về việc chọn ngành nghề với những câu hỏi mang tính khái quát rất cao”.

Tuy nhiên, thầy cũng tâm tư những câu hỏi tự tin, thẳng thắn và hóc búa từ bên dưới hội trường hầu hết là của những HS khá giỏi.

Một giờ trao đổi riêng với các em (sau giờ tư vấn), được nghe những nỗi ưu tư của những HS đến từ huyện xa - đó là nỗi niềm của những HS khó khăn, học chưa giỏi với những tâm sự rụt rè, dè dặt. Điều đó cũng thể hiện thông tin thi tuyển và chọn nghề vẫn còn quá thiếu thốn với HS vùng sâu.

Tất cả trường THPT tham gia

Trước đó từ 12g20, hơn 100 HS hai trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa) và THPT Nguyễn Du (huyện Sông Hinh) đã đến tham gia chương trình. Các HS cho biết sau khi kết thúc tiết học cuối buổi sáng, các bạn lên xe buýt để đến Trường ĐH Phú Yên mà chưa kịp ăn cơm.

Toàn bộ các trường THPT ở Phú Yên đã về tham gia chương trình, trong đó có các huyện miền núi như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Hội trường nhà thi đấu đa năng Trường ĐH Phú Yên trở nên quá tải.

Nhiều phụ huynh cũng chạy xe gắn máy từ các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân... về tham gia. Ông Lê Tấn Sang - phụ huynh em Lê Thị Mỹ Trang, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) - chở con đến tham gia chương trình từ rất sớm.

Băn khoăn của thí sinh đó là xử lý ra sao khi cha mẹ hướng con học ngành kinh tế nhưng con muốn học ngành xã hội, phải làm sao; cùng những thắc mắc chọn trường gần, trường xa, có những ưu điểm, khó khăn nào, học sinh trung bình nên chọn trường nào, cơ hội việc làm nhóm ngành kinh tế...

Không còn nhiều câu hỏi về điểm chuẩn, thay vào đó là những băn khoăn rất chung về cơ hội việc làm sau khi ra trường, về điểm giống và khác nhau giữa những ngành nghề có tên gọi gần giống nhau, tố chất phù hợp với các ngành nghề.

Nhiều hướng vào đời

Không chỉ tư vấn chọn trường nào, học ngành gì, nhiều thí sinh còn đặt các câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp, định hướng chọn ngành, học liên thông, những hướng vào đời ngoài con đường ĐH. Một HS băn khoăn: “Số lượng hồ sơ nộp vào khối kinh tế rất nhiều. Theo thầy cô, năm nay hay 4-5 năm nữa cơ hội việc làm ngành này còn tốt hay không?”.

ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, tư vấn: “Nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có đội ngũ quản lý nên nhu cầu nhân lực là rất lớn”.

Trả lời câu hỏi của thí sinh về cơ hội khi không đậu ĐH, ThS Nguyễn Hồng Phong, phó hiệu trưởng Trường cao đảng Nghề Phú Yên, chia sẻ hằng năm số lượng thí sinh rớt ĐH, rớt tốt nghiệp THPT rất lớn. Cơ hội học tập vẫn còn rộng mở đối với các em. Nếu chưa tốt nghiệp THPT có thể vào học trung cấp, CĐ nghề để từ đó liên thông lên ĐH chính quy. Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã ký liên tịch về việc liên thông từ trung cấp, CĐ nghề lên ĐH.

Học ĐH là nhu cầu chính đáng nhưng ĐH không phải là con đường duy nhất. Các thí sinh có thể đi đường khác từ trung cấp, CĐ để đạt được mục tiêu của mình. Chọn đúng nghề là chọn đúng đường đi cho cuộc đời mình.

Nhiều HS có học lực trung bình lại rất băn khoăn về việc chọn trường nào dự thi. Một HS đặt câu hỏi: học lực trung bình có thể thi vào ngành nào ở ĐH Phú Yên? Những ngành nào ở Trường ĐH Phú Yên có cơ hội liên thông lên ĐH?

TS Nguyễn Huy Vị tư vấn: “Nếu học giỏi, các em có thể thi vào bất kỳ ĐH nào. Học khá có thể thi ĐH vùng. Nếu học trung bình, thi ĐH nào cũng khó. Các em nên hướng đến bậc CĐ hoặc ĐH địa phương để khả năng đỗ cao hơn. Học trường gần nhà chúng ta có những cái lợi: giảm chi phí, gần gia đình, ra trường xin việc thuận lợi hơn”.

Hôm nay tư vấn tại Khánh Hòa

Bắt đầu từ 14g chiều nay (16-1), chương trình tư vấn diễn ra tại Trường THPT Ngô Gia Tự (207 Nguyễn Công Trứ, phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa). Tham gia tư vấn tại chương trình này là các chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp từ Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia, các trường ĐH lớn tại TP.HCM và Khánh Hòa.

Cùng với các học sinh khác, chương trình sẽ đón tiếp gần 100 học sinh là con em cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sa đang học tại các trường THPT ở Cam Ranh. Toàn bộ nội dung chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến tại địa chỉ http://tuoitre.vn.

Hơn 40% thí sinh Khánh Hòa chọn kinh tế

Năm 2010, Khánh Hòa có khoảng 16.567 lượt thí sinh dự thi với điểm bình quân 11 điểm. Tổng số thí sinh trúng tuyển NV1 của tỉnh là 1.910 (11,5%), điểm trung bình 17 điểm. Thí sinh tỉnh Khánh Hòa trúng tuyển NV1 nhiều nhất vào các trường: ĐH Nha Trang (34,2%), ĐH Kinh tế TP.HCM (8,1%), ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) (4,9%).

Nhìn chung, các ngành học thu hút nhiều thí sinh Khánh Hòa gồm quản trị kinh doanh (25%), tài chính - ngân hàng (11,2%)...

Đơn vị tài trợ:

M.GIẢNG - P.ĐIỀN - T.HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên