06/08/2019 13:59 GMT+7

Rừng trồng khô cháy: Nào phải do trời!

TRẦN NAM THẮNG (KHOA LÂM NGHIỆP  TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM HUẾ)
TRẦN NAM THẮNG (KHOA LÂM NGHIỆP TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM HUẾ)

TTO - Rừng keo chết khô, chết đứng do hạn hán ở miền Trung. Những giọt nước mắt than trời của người nông dân… Nhưng đây không phải là chuyện thiên tai.

Rừng trồng khô cháy: Nào phải do trời! - Ảnh 1.

Rừng trồng chỉ một loài cây keo với phương thức đốt sau khai thác ngay trên đất có địa hình rất dốc ở Thừa Thiên Huế - Ảnh: NAM THẮNG

Truyền hình Tuổi Trẻ vừa phát phóng sự về hàng trăm hecta cây keo chết khô, chết đứng do hạn ở các xã Phú Khánh, Phú Cường, Phú Thành, tỉnh Quảng Ngãi. 

Và cả những vùng đất trồng keo ở Phú Yên, Bình Định một hai năm trước. Người dân xem việc này do nắng hạn. Nhưng liệu thực sự nguyên nhân có phải là tại ông trời?

Hoang mạc hóa lan rộng

Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung chưa bao giờ hạn như thế, không chỉ là hạn ở diện tích đất rừng mà một diện tích đất nông nghiệp rất lớn đang bị đe dọa vì nguyên nhân thiếu nước phục vụ sản xuất, canh tác. Quảng Nam và Phú Yên có diện tích cây trồng thiệt hại nặng nhất là 4.000ha mỗi tỉnh, Quảng Ngãi với 3.000ha. Vì đâu?

Từ năm 1945-1975, cả nước mất khoảng 3 triệu ha rừng; từ 1975-1990 mất 2,8 triệu ha. Dân số tăng nhanh, nạn đốt rừng làm nương rẫy tràn lan, cùng với đó là chuyện khai hoang lấy đất trồng cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su và khai thác gỗ xuất khẩu. Từ 1990-1995, công tác trồng rừng được đẩy mạnh, diện tích rừng tăng lên.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đến năm 2019 phải đưa tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%. Đây là một tín hiệu đáng mừng. 

Tuy nhiên, theo nhận định và đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như những nghiên cứu gần đây, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất và suy thoái, giảm chất lượng rừng tự nhiên và tăng quá nhanh, quá nóng các loại rừng trồng và cây công nghiệp. 

Sự đánh đổi này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về suy thoái môi trường, cháy rừng, hạn hán và cả các hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất trong thời gian qua.

Địa hình miền Trung (từ Nghệ An đến tận Khánh Hòa) cao ở phía tây và thấp ở phía đông. Khoảng cách ngắn nhất từ tây sang đông chỉ chưa đến 50km (Quảng Bình). Điều này dẫn đến độ chênh cao lớn, chia cắt mạnh và nguy cơ xói mòn, rửa trôi cực lớn. 

Khu vực Tây Nguyên, do tài nguyên rừng lớn và đất đai màu mỡ nên đã bị khai thác cạn kiệt tài nguyên rừng, chuyển đổi sử dụng đất sang các loài cây công nghiệp. 

Việc khai thác nước ngầm quá mạnh, quá nhiều trong nhiều năm dẫn đến mực nước ngầm đang xuống rất thấp và nguy cơ hoang mạc hóa ở khu vực này là hiển hiện và sẽ còn tiếp tục tăng nếu không có các giải pháp phù hợp.

Theo các nghiên cứu gần đây, diện tích hoang mạc hóa ở Tây Nguyên hiện tại là khoảng 236.000ha và cảnh báo nguy cơ lan rộng do xói mòn, do mở rộng diện tích đất sản xuất lâm nghiệp, chuyển đổi đất sản xuất lâm nghiệp sang nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và thiếu các biện pháp bảo vệ đất. Đây là những nguy cơ hiện hữu đối với nguồn tài nguyên đất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Và hệ lụy từ rừng keo

Diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, suy giảm về chất lượng và bị xâm lấn hằng ngày. Thay vào đó là các loại rừng trồng và cây công nghiệp. 

Rừng trồng nghèo nàn về chủng loại cây, không kết hợp xen canh, đa canh, không chú trọng các biện pháp bảo vệ đất, bảo vệ nước nên việc giảm mực nước ngầm, tăng xói mòn và suy thoái tài nguyên đất là điều tất yếu. 

Hệ quả là những gì mà chúng ta thấy ngày hôm nay. Hệ sinh thái tự nhiên mất dần sức tải vốn có với những biến cố và tác động tiêu cực do chính con người tạo ra. Và rừng trồng chết đứng là minh chứng rõ ràng của điều này.

Chưa có những kết quả nghiên cứu chi tiết và khẳng định khoa học chắc chắn nhưng từ thực tế, tôi vẫn thấy rằng cây keo là loài cây không phù hợp cho việc phát triển rừng trồng đại trà như hiện nay. Cây keo có hệ rễ phát triển quá nông, không giúp nhiều cho việc sinh thủy và điều hòa nguồn nước ngầm, nước mặt. 

Bằng chứng rất rõ là ở các khu vực trồng keo, nước mặt không còn đủ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ở những diện tích trước đây là đất trồng lúa, người dân đã phải chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu khác do thiếu nước. Đa phần diện tích cây keo hiện tại là cây có nguồn gốc giâm hom (không phải cây từ hạt) nên hệ rễ lại càng nông hơn. Điều này làm trầm trọng thêm điều đã nêu ở trên.

Là loài cây sinh trưởng nhanh, cây keo có nhu cầu sử dụng nước lớn. Tổng diện tích tiết diện lá lớn nên khả năng hút nước, bốc hơi quá mạnh so với các loài cây khác. Điều này làm tăng thêm nguy cơ mất nước mặt và nước ngầm ở các khu vực phát triển rừng keo. 

Việc phát triển tràn lan cây keo độc canh hủy hoại thảm thực vật và đa dạng sinh học. Những cánh rừng keo trải dài không có đường phân lô, không có băng xanh phòng cháy là ẩn họa cháy rừng (như đã xảy ra ở miền Trung trong tháng 6 và 7-2019).

Nếu không có những định hướng, hoạch định, điều chỉnh đúng đắn cho tương lai, sẽ còn có nhiều, rất nhiều giọt nước mắt cho những thảm họa tương tự trong thời gian tới. Cần có những nghiên cứu, đánh giá khoa học chi tiết và cụ thể từ cấp bộ để từ đó có các định hướng, giải pháp, quy hoạch và điều chỉnh phù hợp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chúng ta đi ngược thế giới?

Đã đến lúc chúng ta ngừng tự hào về việc phát triển và tăng trưởng rừng thông qua chỉ tiêu độ che phủ. Cần đánh giá lại công tác bảo tồn tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rà soát lại quy hoạch phát triển rừng trồng.

Việc phát triển tràn lan độc canh cây keo như hiện nay phát sinh nguy cơ và để lại hệ lụy về tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội. Chưa kể đến những nguy cơ về sâu bệnh hại trên diện rộng là điều có thể dự báo trước.

Việc canh tác che phủ và thuận theo tự nhiên đang được rất nhiều quốc gia triển khai và hỗ trợ thực hiện. Tại sao chúng ta lại đi ngược với xu hướng này?

​Hàng trăm hécta rừng thông chết khô do nắng nóng và sâu bệnh ​Hàng trăm hécta rừng thông chết khô do nắng nóng và sâu bệnh

Hơn 500ha rừng thông của các lâm trường và hộ gia đình ở Quảng Trị đã bị chết do thời tiết nắng nóng và sâu bệnh phá hoại, dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

TRẦN NAM THẮNG (KHOA LÂM NGHIỆP TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM HUẾ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên