12/03/2014 21:50 GMT+7

Rừng Măng Đen bị xâm hại nghiêm trọng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” với hệ thống rừng thông, rừng nguyên sinh trù phú bao trùm nhưng gần đây, nhiều diện tích rừng tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đang bị xâm hại với tốc độ đáng lo ngại.

C9mSuDFJ.jpgPhóng to

Những năm 2011 đến 2012, có mặt tại tuyến đường nối quốc lộ 24 xuyên qua khu trồng rau xứ lạnh, qua những khu rừng già dày kín chúng tôi ghi nhận cảnh rừng vẫn còn được bảo tồn khá tốt. Giữa những con đường bê tông mới được mở, rừng hai bên đường che kín khiến người đi dưới tán rừng có cảm giác mát lạnh.

Kon Plông vài năm về trước bạt ngàn rừng với nhiều tầng cây dày đặc. Thế nhưng từ giữa năm 2013 đến nay, từ chân đèo Măng Đen đi về đến trung tâm các xã có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tàn phá rừng với tốc độ nhanh chóng, dễ thấy sự thay đổi qua từng tháng.

Nhiều diện tích rừng được người dân chặt ngổn ngang, cây lớn hàng chục mét nằm ngã rạp xuống các triền đồi. Cạnh đó, những khoảnh rừng dày đặc đứng trước nguy cơ xâm hại trong thời gian ngắn. Ở các xã Ngọc Tem, Măng Bút, Đắk Tăng… cách xa trung tâm huyện Kon Plông rừng bị phá nặng hơn. Riêng tại khu vực vùng ven trung tâm khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, nhiều khoảnh rừng nguyên sinh cũng bị người dân đốt rẫy chặt phá.

Trên các con đường vào các làng như Tu Ma, Tu Rằng – vị trí cách trung tâm Măng Đen khoảng 6 km rừng bị đốt phá tan tành. Những khoảnh cây đứng được chừa lại sát tuyến đường để che mặt người đi đường nhưng vào sâu hơn bên trong, hình ảnh rừng ngã rạp còn tươi gốc hết sức đau xót.

Ngày 10-3, trao đổi với PV Tuổi Trẻ ông Đào Duy Thế - phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết sẽ cử lực lượng đi xác minh thông tin phá rừng tại khu du lịch sinh thái Măng Đen mà PV phản ánh. Ông Thế cho biết rừng ở Kon Plông rất dày, là niềm tự hào để thu hút khách du lịch đến với Măng Đen nhưng hiện việc giữ rừng cũng rất cam go.

“Ở Măng Đen rừng dày nhưng không có gỗ quý, vì thế việc phá rừng chủ yếu là để lấy đất sản xuất. Vài năm trở lại đây, quá nhiều công trình thủy điện được xây dựng và đưa dân đi tái định cư – vô tình đã đặt một áp lực rất lớn lên việc giữ rừng” – ông Thế nói. Cũng theo ông Thế, một phần trong diện tích rừng bị phá là để phục vụ quy hoạc khu trồng rau, hoa xứ lạnh.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên