03/08/2022 12:14 GMT+7

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Sau hai năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My lần 4 diễn ra ba ngày (1-8 đến 3-8) đã "bùng cháy" với những chương trình đặc sắc níu chân du khách khi đến thủ phủ sâm xứ Quảng.

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh 1.

Cây sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam. Những củ sâm Ngọc Linh đẹp nhất vườn của người Xê Đăng ở đỉnh Ngọc Linh được đem ra "đọ sắc", phiên chợ sâm náo nhiệt, nơi du khách chọn cho mình những củ sâm đẹp, chất lượng với lễ hội cồng chiêng âm vang giữa đại ngàn.

Quốc bảo "đọ sắc"

Điểm nhấn thú vị nhất của lễ hội phải kể đến hội thi sâm Ngọc Linh giữa những hộ trồng sâm. Ngay từ sáng sớm 1-8, bà con Xê Đăng chọn những cây sâm đẹp nhất của vườn nhà mình đem đến hội thi với hy vọng nó sẽ là "hoa khôi".

Củ sâm ngót tỉ đồng

Tại phiên chợ sâm, một hộ dân ở xã Trà Linh đã bày bán cây sâm 20 năm tuổi nặng 0,9kg với bộ củ rất to, rễ sum sê, ở củ mọc ra 8 nhánh với những chùm hạt nặng trĩu.

Cây sâm này được chủ là ông Đinh Hồng Thắng (37 tuổi, xã Trà Linh) rao bán với giá 900 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Liêm - xã Trà Linh, huyện Nam Trà My - nói rằng mình chọn những cây sâm có hình dáng đẹp, rễ có chùm, củ dài để thi tài cùng với những hộ trồng sâm khác. 

Cây sâm ông ưng ý nhất có tuổi đời 8 năm với bộ củ to màu vàng đẹp mắt, chùm rễ sum sê, thân mọc thẳng, lá xanh um, chùm quả đỏ chín mọng.

Hơn 60 hộ trồng sâm thi tài nhằm tạo sân chơi lành mạnh, là cơ hội họ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh

Sâm dự thi có rất nhiều độ tuổi còn nguyên cây, không bị sứt gãy.

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh 3.

Thi sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Theo thống kê, có gần một tạ sâm được bày bán ở phiên chợ với rất nhiều giá khác nhau. Trung bình sâm loại 1 giá 22 triệu đồng/lạng, loại 2 giá 12 triệu/lạng, loại 3 giá 9 triệu/lạng.

Anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi, du khách đến từ TP.HCM) cho biết cùng gia đình đến đây ngoài tham gia lễ hội thì sẽ chọn mua những củ sâm đẹp. 

"Nghe nhiều nhưng đây là lần đầu mình đến thủ phủ sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, thực sự rất thú vị với những chương trình đặc sắc của lễ hội, ở đây còn là địa chỉ tin cậy để mua sâm Ngọc Linh chính hiệu" - anh Sơn nói.

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh 4.

Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngọc Linh mời gọi

Trước thềm lễ hội, tại những bản làng cao trên dãy Ngọc Linh, bà con Xê Đăng nơi đây cũng đã bắt đầu thực hiện nghi thức cúng Thần sâm truyền thống. 

Nằm ở độ cao 1.500m, đền thờ Thần sâm Ngọc Linh đặt tại nóc Kon Pin, thôn 2, xã Trà Linh là nơi để đồng bào thờ cúng và thực hiện các nghi lễ đối với vị thần mà họ rất tôn sùng.

Toàn huyện Nam Trà My hiện đã trồng hơn 2.500ha sâm Ngọc Linh, mỗi năm thu về cho người dân hàng trăm tỉ đồng, lễ cúng Thần sâm trở thành một nét tín ngưỡng không thể thiếu, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với đất trời, núi rừng, đã ban cho sức khỏe để lên núi trồng cây sâm, cho cây sâm tươi tốt, đời sống bà con no ấm.

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh 5.

Liên hoan cồng chiêng - Ảnh: N.A.

Du khách ngoài chiêm ngưỡng những cây sâm đẹp thì còn hòa mình với những tiếng cồng, chiêng, điệu múa, trang phục truyền thống tại liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc thông qua nghi thức cúng Thần lúa, Thần rừng, cúng máng nước rất độc đáo.

Bên cạnh đó du khách còn tham gia các trò chơi dân gian, như kéo co, đi cà kheo, giã gạo, thưởng thức ẩm thực, đan lát, nhảy sạp, rước biểu tượng sâm.

Ông Trần Duy Dũng - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh, là một loại dược liệu quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2017 được công nhận là sản phẩm quốc gia.

Trong điều kiện cả nước bước vào giai đoạn trở lại bình thường mới sau đại dịch COVID-19, lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 với chủ đề ‘Ngọc Linh mời gọi’ nhằm quảng bá, giới thiệu cây sâm Ngọc Linh.

"Từ đó đưa nó trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới. Đây là cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia" - ông Dũng nói.

Rong chơi ở lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh 6.

Củ sâm Ngọc Linh khủng có giá 900 triệu tại lễ hội - Ảnh: LÊ TRUNG

Hướng chế biến sâu để xuất khẩu

"Lễ hội sâm Ngọc Linh tạo điều kiện kích cầu tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Huyện Nam Trà My cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng và buôn bán sâm giả Ngọc Linh.

Yêu cầu các doanh nghiệp vào trồng sâm trên địa bàn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cho thuê môi trường rừng trồng sâm, đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, làm tăng giá trị của nó, phát triển sản phẩm sâm theo hướng chế biến sâu để xuất khẩu.

Tận dụng lợi thế của cây sâm để phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch sâm. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ ngành, nhà khoa học, nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, vươn tầm thế giới''.

Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ấn tượng với miền Ấn tượng với miền 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Hàng trăm khách mời từ các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia hành trình Caravan “Về miền quốc bảo” vừa được khám phá vườn sâm 700ha của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên