Ông Mochamad Iriawan cùng PSSI đã liên hệ để xin gia nhập EAFF - Ảnh: SKOR
Sự kỳ lạ đầu tiên nằm ở lý do khiến PSSI muốn chia tay AFF để chuyển sang gia nhập Liên đoàn Bóng đá Đông Á (EAFF). Nó bắt nguồn từ việc họ cho rằng mình bị đối xử bất công ở Giải U19 Đông Nam Á.
Việc U19 Việt Nam và U19 Thái Lan hòa nhau 1-1 và đi tiếp, gián tiếp khiến U19 Indonesia (là chủ nhà) bị loại khiến cho PSSI nổi giận. Họ cho rằng hành động chuyền qua, chuyền lại của cầu thủ Việt Nam và Thái Lan vào cuối trận thay vì dồn lên ghi bàn là thiếu fair-play, thiếu tinh thần thể thao.
Kế đến, PSSI gửi thư khiếu nại và đề nghị AFF điều tra, xử lý trận đấu nhưng bị phớt lờ. Từ đó mới xuất hiện tin đồn PSSI muốn chuyển sang EAFF vì thấy AFF thiếu công tâm. Nhưng nếu chỉ vì như thế thì PSSI cùng vị chủ tịch của họ, ông Mochamad Iriawan, đang "giận quá mất khôn".
Nói vậy bởi Giải U19 Đông Nam Á chỉ là một giải trẻ để cho các cầu thủ cọ xát, lấy kinh nghiệm. Có thất bại thì họ cũng không cần phải "cay cú" đến thế. Bản thân thất bại cũng chính là một kinh nghiệm. Nhưng thay vì rút ra những bài học, PSSI lại chọn cách đổ lỗi cho các bên và tìm cách thoát ra khỏi AFF.
PSSI có quyền tức giận nếu đúng là có tiêu cực giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan. Nhưng điều này rất khó xảy ra. Đó chỉ là những toan tính có lợi cho cả hai đội, và điều đó rất bình thường trong bóng đá.
Đội tuyển Nhật Bản là "anh lớn" ở châu Á. Nhưng ở một giải đấu lớn như World Cup 2018, đội bóng này cũng sử dụng "chiêu" không khác gì U19 Việt Nam và U19 Thái Lan ở lượt trận cuối vòng bảng gặp Ba Lan.
"Samurai Xanh" cũng chuyền qua chuyền lại trong những phút cuối để đảm bảo họ không thua thêm. Còn Ba Lan khi dẫn trước 1-0 rồi cũng không còn dâng cao để cướp bóng. Kết quả thua 0-1 là đủ giúp Nhật Bản đi tiếp ở bảng đấu đó.
Kể lại chuyện này không phải để so sánh với trận U19 Việt Nam - U19 Thái Lan, nhưng là để làm ví dụ cho thấy đó là những toan tính bình thường trong bóng đá.
Còn trong trường hợp PSSI muốn tới EAFF để nâng cao trình độ chứ không phải do "cay cú", thì quyết định này cũng không hợp lý. Không ai phủ nhận bóng đá Indonesia đang tiến bộ thấy rõ, nhất là từ khi được dẫn dắt bởi HLV Shin Tae Yong. Nhưng vẫn còn đó khoảng cách trình độ giữa họ với Thái Lan, Việt Nam.
Bằng chứng là ở cấp độ đội tuyển, Indonesia chưa thắng Việt Nam và Thái Lan trong gần 6 năm qua. Các cấp độ trẻ hơn như U19, U23, Indonesia cũng chưa có quá nhiều dấu ấn. Khi mà trong khu vực của AFF mà Indonesia chưa thể vươn lên vị thế số 1, thì rất khó để họ cạnh tranh nếu chuyển sang làm thành viên của EAFF, nơi mà Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Trung Quốc, Triều Tiên đều mạnh hơn.
Chưa kể giải đấu ở khu vực này, có tên là EAFF E-1, Indonesia chưa chắc đã được chạm trán các đội bóng mạnh. Đó là bởi theo thể thức hiện tại, các đội bóng yếu phải thi đấu với nhau tại vòng loại rồi mới chọn ra một đội duy nhất vào vòng chung kết gặp các đội bóng mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Mà các đội bóng thuộc dạng yếu ở khu vực đa phần đều có trình độ kém hơn Indonesia như Mông Cổ, Macau, Guam, Hong Kong,... Nhưng chưa chắc Indonesia đã vượt qua được vòng này bởi vẫn còn Triều Tiên, vốn có nền tảng không hề thua kém.
Do đó, tham dự EAFF E-1 có khi còn bất lợi hơn khi dự AFF Cup, khi Indonesia không bao giờ phải dự vòng loại. Các đối thủ như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Campuchia có trình độ còn nhỉnh hơn những Hong Kong, Macau,...
Ngoài ra, EAFF gần như không tổ chức các giải trẻ như U17, U19, U23 như AFF, bởi nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc của khu vực này đều được ra nước ngoài từ sớm để nâng cao trình độ.
Là một tổ chức về bóng đá, PSSI chắc chắn nắm được những thông tin này. Thế nên việc họ muốn nói lời chia tay AFF vào lúc này thật sự là khó hiểu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận