Con robot lười bắt đầu làm việc - Video: CNN
Hiện nay, không ít nhóm chế tạo robot trên thế giới đi theo hướng mô phỏng hình dáng, đặc tính của động vật trong tự nhiên. Chúng khá đa dạng, từ những loại robot cỡ nhỏ như cá, chim, bọ hung đến những mẫu lớn hơn chó, mèo hay cả báo hoa mai.
Theo CNN, mới đây nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) chính thức áp dụng ngoài thực tế một loại robot đặc biệt, lấy cảm hứng từ những con lười đáng yêu.
Đúng như tên gọi ‘SlothBot’ (robot lười), nó được lập trình hạn chế vận động tối đa. Tuy nhiên, SlothBot vẫn mang nhiệm vụ riêng.
Theo giáo sư Magnus Egerstedt - Viện Công nghệ Georgia, trưởng nhóm nghiên cứu - SlothBot được treo lên những sợi dây nối các tán cây với nhau trong rừng.
Khi sắp hết năng lượng, SlothBot sẽ di chuyển đưa tấm pin mặt trời về phía ánh sáng - Ảnh: CNN
Bên trong robot, nhóm tích hợp hàng chục loại cảm biến giúp đo đạc các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, sức gió…
Nhóm định hướng cho SlothBot "thường trú" ở một địa điểm trong thời gian dài, để ghi lại từng thay đổi với các chỉ số môi trường. Dữ liệu sau đó được tổng hợp, hỗ trợ các nhà môi trường học nghiên cứu tình hình biến đổi khí hậu.
Do cần làm việc độc lập trong thời gian dài, SlothBot cần vận hành thông minh nhất để tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, SlothBot không di chuyển mà cứ treo mình một chỗ trên cây rồi ghi nhận số liệu.
Chỉ đến khi sắp hết năng lượng, SlothBot mới dùng cảm biến để bò về nơi có ánh sáng. Các tấm pin mặt trời được gắn hai bên robot sẽ chuyển hóa ánh sáng thành năng lượng tích trữ cho nó tiếp tục làm việc.
Nhờ "làm biếng" di chuyển, SlothBot có thể tiết kiệm năng lượng và chuyên tâm ghi nhận số liệu trong thời gian dài.
Bề ngoài của robot lười được đánh giá khá dễ thương - Ảnh: CNN
Giáo sư Magnus Egerstedt cho biết ý tưởng làm ra SlothBot nảy sinh khi ông lần đầu gặp con lười ở Costa Rica. "Tôi không hiểu vì sao chúng lại chậm đến vậy, mặc cho những nguy hiểm rình rập", Egerstedt nói.
Trong tự nhiên, loài lười dành hơn 15 giờ mỗi ngày để ngủ. Thời gian còn lại, chúng cũng chỉ loanh quanh nơi ở với tốc độ "rùa bò" (khoảng 150m/giờ). Trung bình, lười di chuyển chỉ khoảng 50-100m hằng ngày.
Hiện tại SlothBot đang làm việc tại Vườn bách thảo Atlanta (Mỹ). Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tích hợp thêm nhiều cảm biến cho robot, chẳng hạn như đếm số lượng côn trùng giúp cây thụ phấn trong khu vực.
"Tôi hi vọng trong tương lai SlothBot sẽ có mặt tại nhiều khu rừng nhiệt đới xa xôi hay vùng băng tuyết trắc trở, giúp con người ghi lại nhiều thông số về môi trường, phục vụ cho các nghiên cứu", Egerstedt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận