08/11/2014 09:35 GMT+7

​Rõ quyền hạn nhưng trách nhiệm mù mờ

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ

TT -  Luật của ta còn mơ hồ, khi việc xảy ra thì không biết ai chịu trách nhiệm, ai liên đới...

Dư luận nói về hiện trạng một bộ phận cán bộ, công chức ngồi chơi xơi nước là một thực tế. Ở dưới địa phương thì các đồng chí tự đánh giá rồi, còn ở các cơ quan trên trung ương thì tôi biết có những trường hợp cứ đến cơ quan một lúc rồi chạy đi đâu đó không biết

Đại biểu Nguyễn Thị Doan (phó chủ tịch nước)

Ngày 7-11, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó nhiều đại biểu cho rằng đây là đạo luật hết sức quan trọng nhưng dự thảo vẫn không có những quy định làm rõ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), ở các nước, một chuyện gì đó xảy ra thì chỉ một vài giờ sau người ta xác định được ngay ai phải là người chịu trách nhiệm.

Trong khi luật của ta lại rất mơ hồ, khi việc xảy ra thì không biết ai chịu trách nhiệm, ai liên đới.

“Luật này phải làm rõ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ, Thủ tướng thế nào, từng thành viên thế nào.

Quyền hạn thì ghi như vậy nhưng đi liền với nó là trách nhiệm thế nào thì không thấy nói” - ông Quyền nhấn mạnh.

Cho rằng Luật tổ chức Chính phủ là một đạo luật đặc biệt quan trọng vì chi phối gần như toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (Hà Nam) nhận xét “đọc dự thảo thì không thấy sự đột phá”.

Đặc biệt, theo bà Doan, quy định của dự thảo luật vẫn giao các bộ nắm tiền, nắm các chương trình, dự án, có quyền phân bổ cho địa phương, tức là chưa tách bạch được vai trò quản lý nhà nước và quản lý tiền, tài sản.

“Chưa tách được thì vẫn còn xin - cho, vẫn còn can thiệp sâu vào các địa phương, vẫn còn chỉ đạo kể cả vượt quá thẩm quyền của bộ trưởng. Tức là không đáp ứng được mong muốn của người dân là phải tách được hai cái đó ra” - bà Doan phân tích.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bình luận: “Thủ tướng và bộ trưởng không phải là người quản lý, cầm tay chỉ việc, mà là người lãnh đạo.

Ở các nước đều thế cả. Nhưng ở ta bộ trưởng là người quản lý, quá chi tiết, các đồng chí quên chức năng rất quan trọng là làm chính sách, chiến lược. Bây giờ Thủ tướng ký cả việc thành lập một trường đại học. Chúng ta cứ biến Thủ tướng thành nhà quản lý, phải làm rất nhiều việc...”.

Ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: “Về mặt lý luận có cần Văn phòng Chính phủ nữa không? Bởi vì quản lý các bộ ngành, giúp việc các bộ ngành đã có các văn phòng bộ, ngành.

Vậy trên này chỉ có Thủ tướng và các phó thủ tướng. Lâu nay chúng ta cứ nói Văn phòng Chính phủ là bộ siêu bộ, bao trùm lên các lĩnh vực. Cần phải tổng kết mô hình này, phân tích thật rõ xem chức năng, nhiệm vụ của nó như thế nào, tương quan với bộ, ngành ra sao?”.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị nên gọi là Văn phòng Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ hiện nay là bộ siêu bộ.

“Tôi thấy nhiều việc các bộ đã làm xong rồi, ví dụ thành lập một trường đại học Bộ Giáo dục - đào tạo làm xong rồi, lên đến Văn phòng Chính phủ lại thẩm định cả năm trời vẫn chưa xong. Văn phòng Chính phủ vẫn cứ bao trùm lên tất cả” - đại biểu Thạch nhận xét.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng tình trạng cán bộ, công chức thế nào và việc sáp nhập các bộ, ngành thành các bộ quản lý đa ngành thời gian qua ra sao lại chưa có đánh giá cụ thể, xác đáng.

“Lẽ ra phải chỉ ra được từ khi thực hiện bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đến nay đã giảm được những đầu mối nào, giảm được bao nhiêu thứ trưởng, hiệu lực hiệu quả ra sao, bộ máy có rút gọn được không? Với số lượng bộ, ngành, đầu mối như vậy thì có gì bất cập, có gì cần bổ sung, thêm, bớt?” - Phó chủ tịch nước đặt vấn đề.

Đánh giá cán bộ của chúng ta có giống với đánh giá cán bộ của người dân không? Cần phải có cơ chế để làm rõ điều đó. Phải có quy định để Chính phủ chịu trách nhiệm nhiều hơn về bộ máy của mình

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nhận xét: “Cơ chế chịu trách nhiệm của thành viên Chính phủ chưa rõ ràng, cần quy định rõ, tránh việc xảy ra thì không biết thuộc bộ ngành nào. Nên bổ sung quy định về cơ chế từ chức cho các thành viên Chính phủ”.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, nhiệm vụ và quyền hạn phải đồng bộ. Đồng thời phải quy định phân cấp trung ương - địa phương cho rõ, địa phương được làm những gì, giới hạn đến đâu.

“Cần làm rõ phân cấp, phân cấp có phải phân quyền không? Phải định nghĩa cho rõ, phân cấp là phải cho quyền, phân cái gì cho địa phương phải nói rõ ra.

Lần này phải dứt khoát nguyên tắc: một công vụ chỉ một cấp chính quyền làm, cái gì xã làm thì huyện không làm, huyện làm thì tỉnh không làm... Không biến cơ sở như cái máng xối, mọi thứ dồn xuống đó, biên chế tăng lên không đủ vì công vụ trùng lắp” - đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ.

Ông cho rằng hiện nay có quá nhiều cấp phó, đề nghị mỗi tỉnh chỉ có hai cấp phó là tối đa. “Tôi đề nghị cấp sở chỉ một phó; tỉnh, TP, bộ và cơ quan ngang bộ có ba phó. Giảm cấp phó như vậy sẽ giảm được biết bao nhiêu biên chế, đồng thời nâng vai trò của cấp sở, cục, vụ” - ông Lịch đề xuất.

Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy cồng kềnh

Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật chính quyền địa phương. Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng cùng với Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng để cải cách nền hành chính quốc gia theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng dự thảo luật đã không cụ thể hóa được tinh thần nêu trên. “Dự thảo luật không nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Vậy luật nào sẽ nói?” - ông Lịch đặt vấn đề.

Là người đứng đầu HĐND TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị chính quyền đô thị sẽ được tổ chức thành hai cấp: cấp tỉnh, thành và cấp cơ sở (phường, xã).

Theo bà Tâm, tổ chức như vậy sẽ giúp các chính sách của tỉnh, thành phố xuống địa phương nhanh hơn, không cần qua cấp trung gian như hiện nay (cấp quận, huyện) làm mất thời gian và cồng kềnh bộ máy.

“Chính quyền đô thị phải khác chính quyền nông thôn, không thể giống nhau được, quyền hạn phải khác nhau” - bà Tâm nói.

Minh họa vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch đưa ra một thông tin: hơn 20 năm qua đã có thêm hàng chục tỉnh thành, hàng ngàn huyện, xã mới được thành lập.

Ông Lịch nói ông không thể hiểu vì sao giao thông liên lạc tốt hơn, nhiều phần việc của chính quyền trước đây cũng được xã hội hóa, nhưng đơn vị hành chính mới cứ ra đời liên tục.

Và với bộ máy cồng kềnh này, nếu không đổi mới sang chính quyền hai cấp mà vẫn cứ ba cấp như hiện nay thì không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy. “Không bao giờ với cơ chế này mà tăng lương được hết. Đây là trách nhiệm của Quốc hội đối với dân” - ông Lịch nói.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tất cả đại biểu nêu ý kiến đều không đồng tình với quy định cấp quận, phường chỉ có UBND, không có HĐND. Phó trưởng đoàn Chu Sơn Hà nói nhiều ý kiến đề nghị không nên bỏ HĐND ở một số cấp chính quyền.

Nói HĐND hình thức, thiếu hiệu quả là không phải, vấn đề là chúng ta tổ chức hoạt động thế nào, nhân sự ra sao.

Nếu HĐND chỉ để biểu quyết, hợp thức hóa những vấn đề đã được quyết định ở đâu đó, rồi nhân sự phần lớn là cơ cấu, thậm chí HĐND nhưng đại biểu chủ yếu thuộc cơ quan hành pháp thì không ổn.

“Tôi đề nghị ở đâu có cấp chính quyền thì phải có đầy đủ HĐND và UBND” - ông Hà bày tỏ. Ông Hà cũng đề nghị trong luật này cần làm rõ đặc thù nông thôn, thành thị, hải đảo, từ đó mới quy định chức năng, nhiệm vụ khác nhau cho chính quyền ở mỗi nơi.

V.V.THÀNH - LÊ KIÊN - VIỄN SỰ

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên