Đỉnh Mẫu Sơn - 3,6 độ C, băng tuyết bao phủTập luyện trong giá rét
Phóng to |
Ba em nhỏ Tráng A Lình (10 tuổi), Tráng A Sinh (9 tuổi), Tráng A Páu (8 tuổi) ở bản Tả Dền Thàng (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đi xin trấu gùi về giữ ấm cho trâu trong giá rét - Ảnh: THÂN HOÀNG |
Tiếp chúng tôi, thầy hiệu phó Trường THCS Y Tý nắm tay run run nhắn nhủ: “Khi nào nhà báo về thành phố nhớ tìm xin giúp cho học trò ít quần áo, chăn ấm”. Một mùa đông kỷ lục đang hành hạ xã nghèo vùng cao Y Tý.
Một mảnh đời
Không khí lạnh lại tràn về Đêm 14 và ngày 15-1, một đợt không khí lạnh tăng cường với cường độ khá mạnh sẽ tràn về làm các tỉnh miền Bắc nước ta tiếp tục rét đậm, rét hại. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết đợt không khí lạnh này sẽ làm Bắc bộ có mưa rải rác, Bắc và Trung Trung bộ có mưa, nhiều nơi mưa vừa. Gió đông bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6. Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời tiếp tục rét đậm, rét hại. Vùng núi cao như Mẫu Sơn, Sa Pa... nhiều khả năng xuất hiện băng giá. |
Theo chân Sính về nhà, chúng tôi mới phần nào hiểu được lý do vất vả mưu sinh trong giá rét của cậu bé này. Bố mất khi Sính 9 tháng tuổi, mẹ bỏ đi lấy chồng, anh trai bị bệnh gan không đi làm được, dù mới học lớp 8 em đã là lao động chính trong nhà. Hằng ngày ngoài việc học, Sính phải lên nương làm ruộng với diện tích chỉ đủ gieo 4 cân thóc giống. Khi thời tiết lạnh kỷ lục tràn về, học sinh ở Y Tý được nghỉ học thì Sính vẫn phải đi rừng vì việc nhà không có ai lo.
Về đến nhà, vào bếp sưởi chưa đầy 5 phút Sính lại vội vàng mang lá ra chuồng cho lợn ăn. Chiếc chăn hằng ngày em hay đắp cũng được đem ra quấn làm “áo ấm” cho trâu. Hầu A Lành, anh trai của Sính, cho biết: “Mấy năm nay rét quá nên năm nào cũng đói. Mình bị bệnh không làm được nhiều nên thằng Sính nó phải làm hết. Rét thế mà đi rừng không có áo ấm, nghèo quá nên đành chịu thôi”.
Xin cho học trò chiếc áo ấm
Học sinh Y Tý những ngày này đều được nghỉ học nhưng 100% thầy cô vẫn phải bám lớp, bám trường. Gặp chúng tôi, nhiều thầy cô nói học sinh được nghỉ học mà giáo viên còn vất vả hơn ngày thường, hễ xin đâu được chiếc áo hay chiếc chăn ấm là thầy cô lại cuốc bộ mang vào bản cho các em.
Thầy Vũ Văn Thành, hiệu phó Trường THCS Y Tý, vừa gấp gọn gàng những chiếc chăn mỏng trong phòng các em học sinh bán trú vừa nói: “Rét như vậy, dù được nghỉ học nhưng nhiều em vẫn phải theo bố mẹ đi rừng kiếm củi hoặc ra đồng làm nương”. Thầy Thành dẫn chứng: “Mỗi phòng bán trú có 15-20 học sinh, hai em phải đắp chung một chiếc chăn mỏng. Mà đây cũng toàn là đồ cũ thầy cô đi xin trên trường nội trú hoặc xin trong dân”.
Nhiều thầy cô giáo trẻ ở Y Tý cho biết những ngày đầu mới về trường chứng kiến cảnh học sinh mặc chiếc áo mỏng, chân không dép đến lớp mà không cầm được nước mắt. Mùa đông nhiều em chỉ có một chiếc áo ấm đến trường, cái áo cũ sờn ấy lại theo các em lên nương và ngay cả khi đi ngủ. Bữa ăn thiếu chất làm cơ thể các em nhỏ thó, nhiều em lớp 9 mà trông như học sinh lớp 5, lớp 6 dưới xuôi.
Nguy hiểm rình rập
Phóng to |
Trong giá rét, người dân Y Tý vẫn vào rừng nên nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Chiều 13-1, chị Và Thị Chừ (ở thôn Phìn Hồ) trong lúc đi chặt củi đã trượt chân ngã và bị cây rừng đổ đè ngang người. Dân trong bản phải mang võng khiêng chị Chừ về trạm xá. Theo chẩn đoán ban đầu, trưởng trạm y tế xã Y Tý cho biết chị Chừ bị vỡ xương chậu và chấn thương cột sống lưng. Những y tá ở trạm còn cho biết thời gian này người dân ở đây không chỉ mắc những bệnh do thời tiết mà còn phải đối mặt với nhiều tai nạn rình rập bởi đi rừng trong sương mờ dễ trượt ngã hoặc kiệt sức vì lạnh.
Tại thôn Ngải Trồ, trong căn nhà dựng bằng những tấm gỗ mỏng hở trống hoác, gió lùa lạnh thấu xương, anh Hầu A Sì cùng vợ và mấy đứa con nhỏ cứ ngồi co ro bên bếp lửa. Mặc cho củi trong nhà sắp hết, trâu và lợn nhịn đói kêu rống lên nhưng anh cũng không dám ra ngoài vì quá lạnh. Hôm 12-1, trong lúc leo đồi kiếm lá súa, lạnh quá nên anh đã ngã lăn xuống đường. “Rét, tay không bám nổi, thế là ngã nằm không biết gì. Giờ sợ rét lắm, không dám ra ngoài đâu, trâu đói cũng kệ thôi” - anh Sì hãi hùng nhớ lại. Bên bếp lửa, ba đứa nhỏ con anh Sì vẫn mặc quần thủng đít, khóc mếu máo kêu đói.
Ông Tráng A Lử, chủ tịch UBND xã Y Tý, cho biết: “Xã cũng chỉ biết vận động người dân, đặc biệt là trẻ em, nên ở trong nhà tránh rét. Nhưng ở nhà lâu thì trâu và lợn lại đói, củi sưởi cũng hết nên người dân vẫn phải bất chấp cái rét để đi rừng”.
Trên 4.000 trâu bò chết rét
Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết đến chiều qua, sau hơn mười ngày rét đậm, rét hại, 11 tỉnh báo cáo có trên 4.000 trâu bò chết rét. Nhiều nhất là Sơn La: hơn 1.300 con, Lạng Sơn: gần 900 con, Cao Bằng: hơn 800 con. Hà Giang là địa phương có số trâu bò chết tăng vọt, từ 175 con lên hơn 400 con trong một ngày. Theo ông Hoàng Văn Đế - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang, số trâu bò chết tăng vọt do rét kéo dài, xuất hiện cùng lúc với dịch lở mồm long móng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận