12/06/2024 09:07 GMT+7

Rau và thực phẩm nào có tác dụng trị đau loét dạ dày?

Rau củ tươi, hoa quả sẽ cung cấp lượng vitamin có tác dụng làm lành chỗ loét, chống đau dạ dày. Các loại rau củ non, đặc biệt họ cải và thực phẩm có chứa flavonoid có tác dụng làm lành vết thương.

Ăn đúng thực phẩm có tác dụng chữa đau và viêm loét dạ dày - Ảnh minh họa

Ăn đúng thực phẩm có tác dụng chữa đau và viêm loét dạ dày - Ảnh minh họa

Ăn hợp lý giúp viêm loét tiến triển chậm

Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng, cho biết chế độ ăn uống hợp lý cho người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng có thể làm giảm tiết axit và giảm tác dụng của axit dạ dày đã tiết ra lên niêm mạc dạ dày; 

Bảo vệ niêm mạc dạ dày; Nương nhẹ chức năng dạ dày ruột, phòng thiếu dinh dưỡng. Qua đó, giúp cho viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển chậm và chóng hồi phục hơn.

Trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương. Vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24 - 48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ làm kích thích tăng tiết axit càng làm loét vết thương. Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước và làm loãng dịch vị. 

Sau thời gian nhịn ăn nên ăn xúp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1.200 - 1.300kcal. Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần, cách nhau một giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.

Đối với viêm loét dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hóa hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. 

Chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axit folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.

Ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ đúng bữa, không ăn quá khuya trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ. Không nhịn đói, không ăn quá no một lúc, mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày). 

Ăn quá no sẽ làm dạ dày căng, kích thích tiết nhiều axit. Việc ăn nhiều bữa sẽ giúp trong dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa axit. 

Bên cạnh đó, thức ăn đặc, khô quá thì các men tiêu hóa không thấm vào thức ăn để tiêu hóa hết được, ngược lại ăn thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi. 

Do vậy, thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200ml nước (canh hoặc nước khác). Mặt khác, ăn quá nhiều canh trong bữa ăn sẽ làm cho men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi. 

Nên ăn canh riêng sau khi đã ăn hết bát cơm vì chan canh ăn lẫn với cơm sẽ không nhai được kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Người bệnh nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu xong, tốt nhất 40-50 độ C, nhiệt độ thích hợp này thức ăn dễ được tiêu hóa, hấp thu và không gây kích thích. Thức ăn nguội lạnh hoặc nóng quá dạ dày đều co bóp mạnh hơn.

Các loại thực phẩm có tác dụng giống thuốc hỗ trợ chữa đau dạ dày - Ảnh: BSCC

Các loại thực phẩm có tác dụng giống thuốc hỗ trợ chữa đau dạ dày - Ảnh: BSCC

Chọn loại thực phẩm chữa bệnh

Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết viêm loét dạ dày là do niêm mạc dạ dày suy yếu, loét. Nguyên nhân là do bài tiết hoóc môn quá nhiều gây nên, vì vậy cần hạn chế chức năng dạ dày, giảm bài tiết hoóc môn bằng các loại thực phẩm có tác dụng như:

- Các loại rau có lá màu xanh đậm: Bệnh nhân bị viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng nên tiêu thụ nhiều các loại rau lá màu xanh đậm. Các loại rau màu xanh đậm là nguồn cung cấp vitamin A, C, K, axit folic, sắt, và canxi, quan trọng đối với việc trị bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày.

Các loại rau xanh đậm như bông cải xanh, mầm brussel, cải bắp, măng tây, cải xoăn, rau bina, đậu xanh...

Thực phẩm có chứa flavonoid: Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm y tế Đại học Maryland cho biết chất flavonoid giúp ức chế vi khuẩn Helicobacter, một loài vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày. Ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid giúp ngăn ngừa và trị lành vết loét và viêm dạ dày. 

Thực phẩm giàu chất flavonoid có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân viêm dạ dày bao gồm cần tây, nam việt quất, táo, trà xanh, quả việt quất, anh đào và ớt chuông...

- Nước ép bắp cải: được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp lành vết loét, thành sẹo, nhất là loét dạ dày, tá tràng, ruột. 

Thực phẩm có tác dụng giống thuốc điều trị dạ dày

Thạc sĩ Hà Hải Nam - phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K - cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra có 6 nhóm thực phẩm có tác dụng không khác gì "thuốc điều trị" bệnh đau dạ dày:

- Thực phẩm có tính chất bao bọc niêm mạc dạ dày: Sữa, trứng, mật ong, nghệ… Mật ong và nghệ rất tốt cho người bệnh dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kiềm độ axit của dịch vị và làm lành các vết loét dạ dày. Còn mật ong có nhiều chất kháng khuẩn, điều hòa acid tại dạ dày và giảm tình trạng kích ứng dạ dày.

- Thực phẩm có tác dụng thẩm hút dịch vị axit của dạ dày: Bánh ngọt, bánh quy, bánh mì...

- Thực phẩm làm giảm dịch tiết axit trong dạ dày: Các thực phẩm giàu tinh bột (cháo, cơm, cơm nếp, bánh mì, khoai lang, khoai tây luộc nhừ…), rất tốt trong việc giảm tiết axit trong dạ dày, làm giảm cơn đau dạ dày.

- Thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày: Các loại rau lá non (bắp cải, giá đỗ…) cung cấp lượng vitamin K, U vô cùng dồi dào, hỗ trợ hiệu quả trong điều trị bệnh đau dạ dày;

Bắp cải là loại rau giàu chất xơ, dồi dào vitamin U và K1 giúp tăng cường lưu thông máu đến dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày và kích thích hệ tiêu hóa, rất tốt cho người bị đau dạ dày. 

- Thực phẩm làm nhanh lành vết loét: Các thực phẩm giàu đạm, canxi, kẽm (thịt nạc, cá, tôm, cua…). Đặc biệt với những người bệnh viêm loét dạ dày nên đặc biệt sử dụng nhiều nhóm thực phẩm này bởi chúng giúp vết loét nhanh lành.

- Thực phẩm cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa và hấp thu kém khi bị đau dạ dày: Các loại hoa quả màu đỏ, rau củ màu xanh đậm, ngũ cốc… là những thực phẩm giàu vitamin A, B, D, magiê, sắt, kẽm. 

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng này rất cần thiết đối với người bệnh đau dạ dày mạn tính, nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin do hấp thụ và tiêu hóa kém.

Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh các thực phẩm, thức uống có tính axit và gây kích thích. Những thực phẩm này bao gồm các loại thực phẩm nhiều gia vị như ớt bột, hạt tiêu đen, bột cà ri, các sản phẩm cà chua, trái cây, cà phê, rượu, ca cao, sô cô la, và trà.

Thiếu niên 13 tuổi mắc viêm loét dạ dày, bác sĩ cảnh báo nguy cơ gây bệnh ở trẻThiếu niên 13 tuổi mắc viêm loét dạ dày, bác sĩ cảnh báo nguy cơ gây bệnh ở trẻ

Trẻ 13 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa và được chẩn đoán bị loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày. Đáng nói, bệnh lý này chủ yếu gặp ở lứa tuổi 30 đến 50 tuổi thì nay trẻ dưới 16 tuổi cũng ghi nhận gia tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên